Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá như vậy trong chuyến thị sát tình hình hạn, mặn và công tác thi công một số công trình phòng chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, ngày 19/2.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: “Theo ghi nhận, xâm nhập mặn mùa khô năm nay xuất hiện sớm hơn mùa khô 2015-2016 khoảng 20 ngày, sớm hơn năm 2019 khoảng 2 tháng”.
Cụ thể, từ cuối tháng 1, đầu tháng 2, độ mặn 4%o đã xâm nhập vào sông Cái Lớn sâu nhất khoảng 47 km (hết địa phận xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao) và trên sông Cái Bé là 30 km (xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng).
Để chủ động phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn ra gay gắt, ngành nông nghiệp Kiên Giang và các đại phương đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa đông xuân 2019-2020 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ hè thu 2020. Tổng số đập thực hiện là gần 200 đập, trong đó có 3 đập bằng cừ thép, còn lại là đập tạm bằng đất, gồm đắp mới đắp mới 103 đập và gia cố thêm, với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, Ban Quản lý Dự án đầu tư – xây dựng các công trình nông nghiệp thực hiện 2 đập bằng cừ Larsen tại Hòa Điền (huyện Kiên Lương) và Kênh Nhánh (TP Rạch Giá), kinh phí 19 tỷ đồng. Và mới đây nhất đã triển khai thêm đập bằng cừ Larsen trên kênh Ông Hiển, vị trí cách Vàm Kênh Cụt về hướng rạch Tà Niên khoảng 1.350m, thuộc địa bàn xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, ngăn mặn xâm nhập vào TP Rạch Giá và các vùng lân cận. Thời gian đắp đập được triển khai từ 14/2 và duy trì cho đến hết mùa khô (khoảng đầu tháng 5) năm 2020.
Các địa phương đã triển khai đắp đập tạm gồm: huyện An Minh gia cố 10 đập, An Biên gia cố 23 đập, Giang Thành gia cố 1 đập, Kiên Lương gia cố 2, đắp mới 3 đập, Gò Quao gia cố 32, đắp mới 24 đập. Ngoài ra, còn có các đập dự phòng khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, huyện Giồng Riềng sẽ đắp mới 56 đập, Gò Quao đắp mới 20 đập.
Về tình hình sản xuất lúa, theo ông Tâm, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch lúa ĐX 2019-2020 hơn 40.000/289.026ha. Diện tích còn lại trên đồng là trên 248.500 ha, lúa đang trong giai đoạn đòng - trổ và trổ chín. Dự kiến vùng Tây sông Hậu sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3 và vùng Tứ giác Long Xuyên vào cuối tháng 3/2020.
Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận có khoảng 600 ha lúa bị thiệt hại do mặn xâm nhập, thiếu nước tới cuối vụ, làm giảm năng suất từ 30-70%, chủ yếu ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương. Nguyên nhân chủ yếu là tại các khu vực này, tình hình sản xuất lúa, tôm đan xen, sử dụng chung kênh cấp, thoát nước, việc bơm xả nước mặn trong ao nuôi ra trực tiếp một số tuyến kênh đạ gây nhiễm mặn.
Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước nông thôn phục vụ cấp nước cho 8.000 hộ dân trên địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Giang Thành, có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Ngoài ra, Kiên Giang cũng đã công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, công tác ứng phó với hạn mặn của Kiên Giang rất kịp thời và đạt hiệu quả cao, đặc biệt là Kiên Giang đã chủ động triển khai đắp 196 đập ngăn mặn vào thời điểm thích hợp nên những thiệt hại mà hạn, mặn gây nên tại Kiên Giang chưa nhiều. Tuy nhiên, việc đắp đập tạp thời vụ bảo vệ sản xuất hàng năm sẽ tiêu tốn nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống cống Cái Lớn và Cái Bé đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, khi hoàn thành, số lượng đập tạm tại Kiên Giang sẽ giảm từ 60 đến 66 đập. Khi đó không chỉ kiểm soát được triệt để nguồn nước mặn, ngọt tại Kiên Giang mà có thể dẫn nguồn nước ngọt về tỉnh Cà Mau, giải quyết phần nào bài toán thiếu nước sạch của địa phương ven biển này.