| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần giảm khai thác thủy sản 1,1 triệu tấn/năm

Thứ Bảy 12/12/2020 , 15:47 (GMT+7)

Việc giảm cường độ và sản lượng khai thác thủy sản nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng biển Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cần giảm sản lượng khai thác thủy sản để phát triển nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cần giảm sản lượng khai thác thủy sản để phát triển nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Minh Phúc.

Trữ lượng nhóm hải sản tầng đáy giảm 41,7%

Tại hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam vào sáng 12/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Na Uy).

Theo Tổng cục Thủy sản, trong 10 năm qua, hệ thống khu bảo tồn biển đã được thiết lập với 12/16 khu bảo tồn biển được thành lập và đã bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Việc điều tra nguồn lợi thủy sản được thực hiện và có kết quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra; tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cả ngoài biển và trong vùng nội địa, chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế và du lịch.

Nghị quyết 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ đạt 1,8%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Nếu không nhận thức vai trò, vị trí của công tác bảo tồn thì chắc chắn sẽ không có một ngành kinh tế biển phát triển bền vững”.

Do đó, trong chiến lược phát biển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cần giảm khai thác thủy sản từ 3,9 triệu tấn/năm xuống còn 2,8 triệu tấn/năm. Để làm được điều đó, một mặt chúng ta giảm số lượng tàu thuyền khai thác hoặc giảm cường độ khai thác. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh gia tăng diện tích nuôi biển để giảm áp lực cho thủy sản khai thác.

So với giai đoạn 2000 - 2005, trữ lượng nhóm cá nổi nhỏ giảm 3,2%; nhóm hải sản tầng đáy giảm 41,7%; nhóm cá nổi lớn giảm 10,2%; trữ lượng các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu thấp hơn 13,9% (tương đương khoảng 710 ngàn tấn); về tỷ trọng trong tổng trữ lượng: nhóm cá nổi tăng; nhóm hải sản tầng đáy giảm; nhóm cá nổi lớn ổn định.

Lực lượng bảo tồn biển “tay không bắt giặc”

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT) cho biết: Tỷ lệ diện tích vùng biển được bảo tồn đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt được mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742 của Thủ tướng đến năm 2020”.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo tồn biển rất mỏng. Đa phần các Ban Quản lý Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia thiếu nhân sự có chuyên môn sâu về sinh học biển và quản lý bảo tồn biển để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu chuyên sâu, quan trắc về chất lượng nước, đa dạng sinh học (san hô, cỏ biển và một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như rùa biển)…

Thậm chí, có tình trình trạng lực lượng bảo tồn biển trong tình trạng “tay không bắt giặc” do kinh phí chủ yếu phục vụ công tác bảo tồn rừng, còn bảo tồn biển chỉ được bố trí một phần ngân sách rất hạn chế.

Từ đó dẫn đến việc thiếu trang thiết bị để triển khai các hoạt động bảo tồn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực thi luật pháp trong phạm vi quản lý của Khu bảo tồn biển; việc triển khai các hoạt động bảo tồn cũng do đó gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện.

Hội nghị tổng kết Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Quyết định 188/QĐ-TTg và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam theo Quyết định 742/QĐ-TTg. Ảnh: Minh Phúc.

Hội nghị tổng kết Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Quyết định 188/QĐ-TTg và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam theo Quyết định 742/QĐ-TTg. Ảnh: Minh Phúc.

Theo kết quả thống kê từ báo cáo của Ban Quản lý các Khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia có hợp phần biển, trong 10 năm (2010-2019), tổng số vụ vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn biển là 942 vụ.

Số vụ vi phạm pháp luật tại một số Khu bảo tồn biển có xu hướng tăng và chủ yếu là khai thác san hô và sử dụng ngư cụ cấm, đặc biệt là lưới kéo, khai thác thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Hiện nay, nhiều công cụ, phương pháp khai thác hải sản mới xuất hiện có tính hủy diệt cao đối với nguồn lợi, phá hủy môi trường sống của các loài thủy sinh.

Tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch - dịch vụ vi phạm các qui định quản lý Khu bảo tồn biển như lấn chiếm, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trong phạm vi Khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia đang diễn ra tại một số địa phương như Khánh Hòa, Kiên Giang, khu vực biển có các hệ sinh thái san hô, cỏ biển đã được giao cho doanh nghiệp triển khai các hoạt động du lịch.

Với tình trạng nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt và định hướng phát triển kinh tế biển trong tương lai, xu hướng tiến ra biển là một vấn đề tất yếu.

Theo Tổng cục Thủy sản, thực tế, số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở các khu vực biển và ven biển đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô, kèm theo đó là sự gia tăng áp lực của nhu cầu sử dụng biển, khai thác tài nguyên biển, ô nhiễm môi trường biển, cạn kệt tài nguyên biển.

Điều này cũng có nghĩa là Khu kinh tế biển, Vườn quốc gia có hợp phần biển trong thời gian tới phải đối mặt với những thách thức rất lớn bên cạnh những cơ hội phát triển.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.