| Hotline: 0983.970.780

Thủ tục phức tạp, chi phí quá tốn kém, đang là lực cản mở rộng rau - hoa quả đạt VietGAP

Thứ Ba 24/05/2016 , 13:30 (GMT+7)

Bà Luyến than thở: Làm rau sạch vốn đã phải cạnh tranh với rau trôi nổi, cuối năm ngoái, nhiều xã viên HTX bị băng tuyết tàn phá rau nặng nề, quỹ vốn của HTX nhìn chung chẳng có gì. Vậy mà chỉ nguyên chi phí để cấp chứng nhận VietGAP đã ngốn tới vài chục triệu.

Thủ tục rườm rà phức tạp, chi phí quá tốn kém trong việc cấp chứng nhận VietGAP đang là nguyên nhân lớn khiến diện tích rau - hoa quả đạt VietGAP những năm qua gần như dậm chân tại chỗ.

 

Hết dự án là hết GAP!

Nhằm từng bước xây dựng vùng nguyên liệu vải thiều phục vụ XK sang các thị trường khó tính như Úc, Mỹ…, từ năm 2013, tỉnh Bắc Gang đã bắt tay vào việc đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn cho nông dân trồng vải theo hướng GAP (VietGAP và GlobalGAP).

Đến nay, Bắc Giang đã có tổng tộng trên 13 nghìn ha vải được SX theo hướng VietGAP. Riêng tại vựa vải thiều Lục Ngạn, hiện đã có khoảng trên 10 nghìn ha vải SX theo hướng VietGAP và khoảng 150ha vải SX theo hướng GlobalGAP. Mặc dù vậy, số diện tích vải chính thức được cấp chứng nhận GAP đến nay lại vô cùng ít ỏi.

Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn ái ngại thừa nhận: Con số diện tích “vải VietGAP” với hàng chục nghìn ha lâu nay thực ra chỉ là được SX theo hướng VietGAP mà thôi. Trên thực tế tới thời điểm này, toàn huyện mới chỉ có tổng cộng 400ha vải được cấp giấy chứng nhận VietGAP và vỏn vẹn 5ha được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP (trên tổng số khoảng 17 nghìn ha vải toàn huyện, chiếm chưa đầy 2,4%).

Đáng nói là đến thời điểm này, chưa hề có một hộ nông dân trồng vải nào trong huyện tự chủ động bỏ tiền túi ra để xin cấp giấy chứng nhận GAP, mà toàn bộ kinh phí để cấp chứng nhận GAP cho hơn 400ha vải trong huyện đều là tiền do các chương trình dự án tài trợ.

Cụ thể, kinh phí triển khai cấp chứng nhận VietGAP cho 400ha vải do dự án QSEAP (Ngân hàng Châu Á tài trợ); 5ha vải được cấp chứng nhận GlobalGAP có kinh phí hoàn toàn từ một dự án của Bộ KH-CN tài trợ (Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, thuộc Bộ KH-CN thực hiện tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn).

Ông Báo băn khoăn: Do thời hạn cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP chỉ có 2 năm, nên 400ha vải VietGAP của huyện sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2017; còn 5ha vải GlobalGAP tới tháng 8/2016 này cũng sẽ hết hạn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa thấy hộ trồng vải nào có nhu cầu tiếp tục đăng ký cấp chứng nhận mới.

Cũng theo ông Báo, sở dĩ người trồng vải chẳng thiết tha gì với việc cấp chứng nhận GAP bởi nguyên nhân chính là thủ tục, kinh phí để được cấp chứng nhận quá tốn kém.

Trong khi đó, không có gì đảm bảo rằng khi có chứng nhận GAP, nông dân sẽ bán được vải với giá cao hơn so với việc không có chứng nhận. Bởi hiện nay, phần lớn vải thiều Bắc Giang vẫn XK sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Các kênh tiêu thụ này đều không yêu cầu phải có chứng nhận GAP. Vài năm qua, việc XK vải sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU… thực ra sản lượng không đáng kể gì.

Trong số này, thị trường Mỹ và Úc hiện không yêu cầu phải có chứng nhận GAP, mà chỉ thực hiện quản lí chất lượng của riêng họ theo mã số vùng trồng.

Có lẽ vì điều này nên hiện nay, trong số các DN đã XK vải sang Úc và Mỹ, không có DN nào yêu cầu vải phải có chứng nhận GAP, và dĩ nhiên họ cũng chẳng ký hợp đồng tiêu thụ riêng đối với các diện tích vải đã có chứng nhận GAP với giá cao hơn.

 

Rườm rà, tốn kém

Trao đổi với NNVN, nhiều DN có thâm niên trong SX, kinh doanh mặt hàng rau an toàn thừa nhận: Xu hướng tiêu dùng nông sản sạch theo hướng GAP là tất yếu nông dân phải từng bước xây dựng. Ngoài một số mặt hàng XK đòi hỏi phải thực hiện SX theo GlobalGAP, có thể nói chứng nhận VietGAP hiện nay là thước đo cao nhất có tính pháp lí cho chất lượng nông sản tiêu thụ trong nước.

18-07-10_dscf2780
Thủ tục rườm rà, chi phí tốn kém giống như chiếc vòng kim cô khiến diện tích rau - hoa quả VietGAP không thể mở rộng
 

Ông Nguyễn Tiến Hưng, GĐ Cty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam (Cty BigGreen) phân tích: Đối với mặt hàng rau - hoa quả, hiện chúng ta có 2 mức độ xác nhận đủ điều kiện ATTP: Một là xác nhận vùng SX sản phẩm an toàn và hai là vùng SX được cấp chứng nhận VietGAP. Có thể hiểu rằng, sản phẩm có xuất xứ từ vùng SX đã được cấp chứng nhận VietGAP, nghĩa là sạch!

Thế nhưng đáng buồn là số lượng các đơn vị SX mặt hàng rau - hoa quả được cấp chứng nhận VietGAP, nhất là tại phía Bắc hiện nay vô cùng ít ỏi. Bên cạnh đặc thù trình độ SX hạn chế, quy mô SX manh mún, việc diện tích rau quả được chứng nhận VietGAP không thể bung ra diện rộng có nguyên nhân lớn bắt nguồn từ thủ tục và kinh phí để cấp chứng nhận VietGAP khá rườm rà tốn kém.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX Rau an toàn bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), một đơn vị hiếm hoi tại tỉnh miền núi Sơn La được cấp chứng nhận VietGAP để cung cấp rau cho Cty BigGreen phân trần: Với sự hỗ trợ kinh phí từ nhiều dự án, năm 2014, HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm rau của HTX hiện đã tìm được kênh tiêu thụ rất ổn định tại thị trường Hà Nội.

Tuy nhiên đến cuối năm 2015, do hết thời hạn chứng nhận và không còn các dự án hỗ trợ nữa nên HTX đã buộc phải bỏ tiền túi ra thuê một tổ chức cấp chứng nhận VietGAP mới. Đáng nói là chỉ với diện tích khoảng trên 10ha rau, HTX đã phải thắt lung buộc bụng chi trả với số tiền tới 20 triệu đồng cho đơn vị cấp chứng nhận.

Bà Luyến than thở: Làm rau sạch vốn đã phải cạnh tranh với rau trôi nổi, cuối năm ngoái, nhiều xã viên HTX bị băng tuyết tàn phá rau nặng nề, quỹ vốn của HTX nhìn chung chẳng có gì. Vậy mà chỉ nguyên chi phí để cấp chứng nhận VietGAP đã ngốn tới vài chục triệu.

“SX theo VietGAP là điều chúng tôi rất hoan nghênh thực hiện. Tuy nhiên chỉ có hơn chục ha rau mà tốn những 20 triệu phí cấp chứng nhận VietGAP thì cao quá! Thủ tục cấp chứng nhận cũng rất rườm rà, một số chi phí hoàn toàn có thể bỏ bớt được.

Chẳng hạn vùng rau của HTX từ lâu đã là thuộc vùng quy hoạch rau an toàn của tỉnh, đã được lấy mẫu đất, mẫu nước đi kiểm tra thường xuyên.

Vì vậy đối với lần đầu cấp chứng nhận thì cần thiết, chứ khi thực hiện cấp lại chứng nhận VietGAP thì không nhất thiết phải làm lại tất cả khâu phân tích mẫu nước, mẫu đất làm gì nữa”, bà Luyến phàn nàn.

“Trước đây, do các dự án hỗ trợ kinh phí nên không rõ để cấp một chứng nhận VietGAP thì mất kinh phí bao nhiêu.

Tuy nhiên mới đây, huyện Lục Ngạn có kế hoạch xây dựng thí điểm vùng cam VietGAP chỉ có 5ha, chúng tôi liên hệ với một tổ chức chức nhận thì họ báo giá tới 60 triệu đồng, quy ra mỗi ha gánh tới 6 triệu đồng phí chứng nhận/năm.

Trong khi đó, mỗi ha vải hiện nay trừ chi phí, nếu được mùa thì nông dân chỉ có lãi từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Với chi phí chứng nhận VietGAP đắt đỏ như vậy, nếu nông dân bỏ tiền ra xin cấp chứng nhận, trong khi DN xuất khẩu lại không ký hợp đồng đảm bảo bao tiêu vải VietGAP với giá cao hơn bình thường, thì họ dại gì chấp nhận rủi ro.” - Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

 

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.