| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu giải pháp bớt tiêu tốn hàng trăm tỷ chống hạn

Thứ Hai 11/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Giải pháp giảm chi phí chống hạn cho cây lúa vùng Nam Trung bộ trên Báo NNVN do TS Hồ Huy Cường đề xuất được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu.

Người dân Ninh Thuận chuyển đổi đất màu sang trồng nho kết hợp tưới tiết kiệm cho thu nhập rất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân Ninh Thuận chuyển đổi đất màu sang trồng nho kết hợp tưới tiết kiệm cho thu nhập rất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Biến thách thức thành cơ hội

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, để làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra và nâng cao hiệu quả sản xuất, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã đề xuất “Giải pháp bớt tiêu tốn hàng trăm tỷ mỗi năm chống hạn cho lúa” cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Theo TS Hồ Huy Cường, bên cạnh mặt tiêu cực, biến đổi khí hậu cũng mang đến cho sản xuất nông nghiệp những yếu tố tích cực.

“Mùa nắng nóng kéo dài đã hạn chế cho cây trồng bị bệnh hại do nấm và virus gây ra, bởi trong không khí không có độ ẩm nên chúng không có cơ hội phát triển. Nắng càng to thì độ bức xạ càng lớn, dẫn tới năng suất một số loại cây trồng tăng lên và mùa vụ được rút ngắn lại.

Đây là điều kiện cho những vùng có điều kiện đủ nước tưới tăng mùa vụ cây trồng, đồng nghĩa nông dân sẽ tăng thu nhập”, TS Cường nói.

Chính mặt tích cực nói trên là điều kiện để nông dân trong vùng Nam Trung bộ chuyển đổi những loại cây trồng sử dụng nhiều nước, đặc biệt là cây lúa, sang trồng các loại cây trồng cạn.

Theo TS Hồ Huy Cường, cây trồng cạn không chỉ là đậu phộng, ngô, hành, mè mà còn có cây ăn quả. Đặc biệt, cây ăn quả ở vùng Nam Trung bộ có vụ thu hoạch “lệch pha” với các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở miền Nam và miền Bắc, do đó tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.

TS Hồ Huy Cường đi kiểm tra mô hình trồng các giống dưa chuột  BĐ.01 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn tạo. Ảnh: MH.

TS Hồ Huy Cường đi kiểm tra mô hình trồng các giống dưa chuột  BĐ.01 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn tạo. Ảnh: MH.

“Trồng cây ăn quả sẽ được giảm nhẹ áp lực về nước tưới, bởi nhu cầu nước tưới của cây ăn quả chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với cây lúa, nhờ bộ rễ của chúng ăn sâu dưới lòng đất nên sử dụng được nguồn nước sâu.

Hơn nữa, bây giờ vùng Nam Trung bộ mới xây dựng vùng trồng mới cây ăn quả nên có cơ hội quy hoạch thành những vùng trồng tập trung, đồng thời đi theo hướng VietGAP ngay từ đầu thì cơ hội xuất khẩu của sản phẩm càng rộng”, TS Cường nhấn mạnh.

TS Hồ Huy Cường đánh giá cao công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ trong những năm qua, tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích trồng lúa trong khu vực là mối lo lớn trong những mùa khô hạn, hàng năm tiêu tốn đến hàng trăm tỷ đồng cho công tác chống hạn.

“Tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu hàng năm của các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ có khoảng 750.000ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng hơn 300.000ha.

Đến thời điểm hạn gắt, trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Thuận ra đến Đà Nẵng có khoảng gần 30.000ha lúa luôn bị hạn hán hoành hành, năm nào Bộ NN-PTNT cũng hao tốn thời gian về từng địa phương để chỉ đạo chống hạn, các địa phương thì chạy “vắt giò lên cổ” để tìm giải pháp cứu lúa.

Năm nào ngành chức năng cũng tiêu tốn kinh phí chống hạn rất lớn, cả hàng trăm tỷ đồng trên toàn khu vực”, TS Cường cho hay.

Tăng tốc chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu

Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 10/4/2020 đã có bài phản ánh thực trạng nói trên. Sau khi báo đăng, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3078/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đánh giá đề xuất của TS Hồ Huy Cường trong bài viết “Giải pháp bớt tiêu tốn hàng trăm tỷ mỗi năm chống hạn cho lúa” để có giải pháp phù hợp thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm tới.

Chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long ở Bình Thuận, mức lợi nhuận đạt đến 540 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 524 triệu đồng/ha. Ảnh: MH.

Chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long ở Bình Thuận, mức lợi nhuận đạt đến 540 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 524 triệu đồng/ha. Ảnh: MH.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có công văn về đề xuất của TS Hồ Huy Cường.

Theo Cục Trồng trọt, đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, để ổn định sản xuất nông nghiệp trong vùng Nam Trung bộ, ngoài các giải pháp về thủy lợi bổ sung nguồn nước tưới và chuyển dịch thời vụ gieo trồng thích hợp để “né” hạn, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không chủ động nước tưới được các địa phương trong vùng thực hiện quyết liệt từ năm 2016 đến nay.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa bấp bênh nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh lương thực, Bộ NN-PTNT đã đề nghị các địa phương báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017 – 2020, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi trên đất trồng lúa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, công tác chuyển đổi phải theo định hướng thị trường, ưu tiên chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả, vùng không chủ động nước tưới. Công tác chuyển đổi phải thực hiện tập trung, gọn vùng, bảo đảm thiết chế hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để có được sự đồng thuận của nông dân.

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ NN-PTNT đã đề ra kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 trên cả nước.

Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong vùng Nam Trung bộ giai đoạn 2016 – 2019 đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn này, các địa phương trong khu vực đã có nhiều thành quả trong chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ít có nhu cầu về nước tưới hơn như: Ngô, đậu phộng, mè, rau màu các loại. Diện tích chuyển đổi được thực hiện mỗi năm khoảng 10.000ha và tăng dần từng năm.

Riêng năm 2016, do hạn hán dữ dội nên các địa phương trong khu vực đã cấp tập chuyển đổi đến 19.000ha, năm 2017 chuyển đổi trên 10.000ha, năm 2018 trên 11.000ha và năm 2019 là trên 12.000ha.

Nông dân Khánh Hòa chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài Úc mức lợi nhuận đạt đến 240 triệu đồng/ha, cao hơn mười lần trồng lúa. Ảnh: MH.

Nông dân Khánh Hòa chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài Úc mức lợi nhuận đạt đến 240 triệu đồng/ha, cao hơn mười lần trồng lúa. Ảnh: MH.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa bấp bênh góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là hầu hết các cây trồng chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Nguồn nước tưới được sử dụng hiệu quả hơn”, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay.

Theo các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ, khi chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng nông dân có được khoản lợi nhuận 35 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 20 triệu đồng/ha/vụ.

Chuyển sang trồng mè nông dân có lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 23 triệu đồng/ha/vụ.

Chuyển sang trồng ớt nông dân có lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 84 triệu đồng/ha.

Chuyển sang trồng các loại rau dưa nông dân có lợi nhuận 88 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 72 triệu đồng/ha.

Đối với chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả còn cho hiệu quả cao gấp nhiều lần. Ví như chuyển sang trồng bưởi nông dân đạt mức lợi nhuận 260 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 244 triệu đồng/ha; trồng xoài Úc mức lợi nhuận đạt đến 240 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 223 triệu đồng/ha; trồng thanh long mức lợi nhuận đạt đến 540 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 524 triệu đồng/ha.

“Chúng tôi sẽ lựa chọn bộ giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng với ngoại cảnh, phù hợp điều kiện của từng vùng và thị trường để phục vụ công cuộc chuyển đổi. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm lan tỏa việc chuyển đổi. Đồng thời chúng tôi sẽ kết nối và tổ chức mời các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân trong vùng chuyển đổi”, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất