Trước thực trạng đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã chuyển giao nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.
Cụ thể, như mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu đông xuân (mè, đậu phộng, ớt, đậu bắp…). Hay mô hình chuyển hẳn đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi, kết hợp áp dụng tưới nước tiết kiệm.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, các mô hình trên được đơn vị chuyển giao hàng trăm ha tại các xã Mê Pu, Đa Kai, Sùng Nhơn, Đức Tín (Đức Linh); các xã Bắc Ruộng, Đồng Kho, Suối Kiết, Gia An, Lạc Tánh (Tánh Linh ); xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc); xã Tân Tiến (La Gi), xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam), xã Bình Tân (Bắc Bình) và các xã Vĩnh Hảo, Bình Thạnh (Tuy Phong) áp dụng rất hiệu quả, mang lại thu nhập gấp 1,3 - 1,5 lần so với lúa đông xuân cùng vụ.
Bên cạnh đó, các mô hình khác như trồng đậu đỗ các loại tại Bắc Ruộng (Tánh Linh) cho lợi nhuận gấp trên 1,57 lần so với lúa. Hoặc mô hình đậu bắp Nhật vụ đông xuân tại Tánh Linh cho lợi nhuận gấp 2,64 lần so với cây bắp lai cùng vụ…
Ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cho biết, với hiệu quả các mô hình nên nhiều địa phương hiện nay vẫn duy trì và mở rộng sản xuất. Cụ thể, như vụ đông xuân 2019 - 2020, thông qua mô hình khuyến nông, nông dân tại xã Bắc Ruộng (Tánh Linh) vẫn tự chuyển đổi 250 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai, đậu phộng và đậu các loại.
Ông Hồ Dũng, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Bắc Ruộng cho biết, vào mùa khô, vùng chuyển đổi 250 ha thuộc các cánh đồng như Cây Gối, Cầu Máng, Cầu Lù… thường thiếu nước tưới vào cuối vụ. Do đó, khi bà con làm lúa thường bị thiệt hại, năng suất thấp. Nên cơ cấu cây trồng của xã không cho bà con làm lúa trong vụ đông xuân, mà chuyển đổi sang cây trồng cạn.
Ông Dũng vui mừng khi việc chuyển đổi cây trồng rất thành công. Bà con đang phấn khởi thu hoạch bắp lai, đậu phộng, đậu xanh… Các mô hình đều cho bà con với mức lãi trung bình từ 15-20 triệu đồng/ha, gấp 1,5 lần so với trồng lúa cùng vụ.
“Như gia đình tôi vụ đông xuân này chuyển đổi 1 ha trồng đậu phộng. Gia đình vừa thu hoạch xong, sản lượng được 2,5 tấn khô. Giá bán 24 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí, lãi 20 triệu”, ông Dũng phấn khởi nói.
Đối với mô hình trồng cỏ cao sản VA06, kết hợp tưới nước tiết kiệm phục vụ chăn nuôi, đến nay các xã Vĩnh Hảo, Bình Thạnh (Tuy Phong) và xã Bình Tân (Bắc Bình) cũng đã nhân rộng với diện tích khoảng 64 ha.
Ông Nguyễn Văn Tới, một nông dân áp dụng mô hình tại xã Bình Tân cho biết lợi nhuận khoảng 100 triệu/ha, gấp nhiều lần so với trồng 3 vụ lúa, trong khi lượng nước tiết kiệm lên đến 50%.
Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết: Đến nay, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa từ lúa 3 vụ sang 2 lúa + 1 màu/bắp đạt kết quả khá cao. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi được 3.119 ha và năm 2019 là 5.184 ha. Còn trong vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh có 4.610 ha chuyển sang sản xuất những cây hàng năm khác như: bắp, rau các loại, đậu các loại, dưa hấu, đậu phộng... Hầu hết các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn và tiết kiệm lượng nước từ 50-55% tùy thuộc vùng đất.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, trong tình hình hạn hán hiện nay, nhằm giảm thiểu rủi ro thiếu nước trong sản xuất, ngoài những mô hình như trên, các địa phương cũng như người dân có thể chuyển đổi cây ăn trái trên đất lúa kém hiệu quả, áp dụng tưới nước tiết kiệm. Bên cạnh đó để nâng cao hiệu quả sử dụng phân, nước đối với cây trồng nên áp dụng các mô hình canh tác lúa theo phương pháp SRI, tưới nước tiết kiệm cho cây trồng; mô hình 2 vụ lúa ngắn ngày (90-95 ngày) bằng các giống chịu hạn: OMCS2000; OM5451… và vụ mè hoặc đậu xanh (75 ngày) ở vụ đông xuân.