Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Theo Công điện số 04 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2020, hiện nay mực nước nhiều hồ chứa ở mức rất thấp. Đặc biệt tại một số tỉnh như Ninh Thuận 44%, Điện Biên 55%, Thanh Hóa 59%.
Mực nước các hồ thủy điện cũng ở mức rất thấp, nhiều hồ chỉ đạt 20 – 40% dung tích thiết kế. Trong đó có các hồ chứa thủy điện lớn thường xuyên cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ thiếu hụt từ 40 – 50%.
Tại khu vực ĐBSCL, dòng chảy thượng nguồn suy giảm, xâm nhập mặn đã xuất hiện từ tháng 12/2019, sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số nơi tương đương hoặc sâu hơn năm 2015.
Theo dự báo, từ tháng 1 đến tháng 6/2020, dòng chảy trên các sông, suối tại Bắc bộ phổ biến thiếu hụt từ 20 – 50%, Trung bộ và Tây Nguyên thiếu hụt 40 – 70% so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 45%.
Thời gian tới, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc và ĐBSCL có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (năm xảy ra xâm nhập mặn lịch sử). |
Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là trên hệ thống sông Mê Kông, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Để chủ động phòng, chống, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ TT-TT, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp, triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ hồ và địa phương thống nhất kế hoạch vận hành, điều tiết nước cụ thể theo từng tuần đối với các hồ chứa nước trên từng lưu vực sông có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước để bổ sung cho hạ du.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương và doanh nghiệp và người dân áp dụng...