| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand

Thứ Tư 14/03/2018 , 13:42 (GMT+7)

Trưa 14/3 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thành phố Auckland, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand theo lời mời của Thủ tướng Jacinda Andern.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. Ảnh: VGP

Từ ngày 12 – 14/3, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc với nhiều hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng New Zealand Jacinda Andern và chứng kiến ký kết các văn kiện hợp tác; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard; điện đàm với Toàn quyền New Zealand Patsy Reddy; gặp Thị trưởng TP Aucland; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand, tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của New Zealand; thăm Viện Nghiên cứu cây trồng – thực phẩm New Zealand; thăm, nói chuyện, giao lưu với các giáo viên và sinh viên các trường Đại học Waikato, trao đổi với Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Auckland và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại New Zealand…

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Nhà Chính phủ tại Auckland, với 19 phát đại bác và màn chào đón đặc biệt theo phong tục truyền thống của người Maori, tộc người bản địa đầu tiên khai phá, sinh sống tại New Zealand. Đây là nghi thức cao nhất dành cho Người đứng đầu Chính phủ.

Sau lễ đón, hai Thủ tướng đã có cuộc hội đàm cởi mở, thẳng thắn và chân thành, hai bên đã đánh giá kết quả hợp tác vừa qua và thống nhất những phương hướng hợp tác quan trọng trong bối cảnh Hiệp định CPTPP vừa được ký kết đang mở ra nhiều cơ hội mới và tiềm năng to lớn nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường giao lưu nhân dân; tích cực triển khai các hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Chương trình Hành động về Hợp tác Quốc phòng 2018-2021 vừa ký kết. Hai bên nhất trí thúc đẩy nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư, thương mại, trong đó có tạo điều kiện cho hàng nông thủy sản, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp đôi, đạt mục tiêu 1,7 tỷ - 2 tỷ USD vào năm 2020.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trọng tâm về giáo dục, coi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Hai nhà lãnh đạo thống nhất tăng 30% số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại New Zealand vào năm 2020 thông qua khuyến khích trao đổi sinh viên và chương trình chung giữa các trường đại học. Hai bên đã thống nhất đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác khác như an ninh quốc phòng, nông nghiệp, lao động, du lịch, văn hóa… Hai Thủ tướng đánh giá cao và khẳng định tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, WTO, EAS, APEC, ASEM.

Nhân dịp này, Thủ tướng New Zealand đã công bố 2 dự án ODA mới, bao gồm chương trình hợp tác 3 năm trị giá 1,5 triệu đô-la New Zealand hỗ trợ nông dân Việt Nam hiện đại hóa sản xuất, sản xuất thực phẩm an toàn và nâng cao thu nhập và dự án thí điểm về năng lượng tái tạo trị giá 0,5 triệu đô-la New Zeland hỗ trợ Cục Điều tiết Điện Việt Nam xây dựng thị trường điện bán buôn, giúp tăng cường hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo. 

Hội đàm Cấp cao Việt Nam-New Zealand. Ảnh: VGP

Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký 3 văn kiện hợp tác quan trọng giữa các bộ, ngành của hai nước trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại; an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng; giáo dục và đào tạo. Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược. 

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi của Thủ tướng New Zealand sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại câu ngạn ngữ bằng tiếng Maori “Nau te raurau Naku te raurau Ka ora ai te iwi”, với hàm ý sự hợp tác và nỗ lực của cả hai bên sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, để nhấn mạnh rằng, với nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, hai bên sẽ sớm đạt được mục tiêu nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược trong thời gian sớm nhất.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã có các hoạt động về xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand và chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Phát biểu trước trên 300 doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng nêu rõ nền kinh tế hai nước mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh, đó là cơ hội cho sự hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển của doanh nghiệp hai nước và khẳng định, môi trường đầu tư của Việt Nam vừa qua đã cải thiện một bước, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục phấn đấu có môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh thuộc nhóm đầu ASEAN. Bày tỏ tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Nông nghiệp, An toàn thực phẩm, An ninh sinh học New Zealand rằng “Chính phủ là người mở cửa, chính doanh nghiệp là người đi vào trong”, Thủ tướng đáp lại bằng một ví von theo văn hoá Việt Nam: Chính phủ làm lễ dạm ngõ rồi, còn chuyện cưới hỏi là của các doanh nghiệp.

 “Tôi nghĩ rằng cuộc gặp mặt hôm nay chỉ là mở đầu, với thị trường rộng lớn như Việt Nam, nhất định sẽ là cơ hội tốt cho hai nước hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển”, Thủ tướng nói và tin rằng, sau Diễn đàn, nhất định nhiều hợp đồng mới sẽ được ký kết với tinh thần hai bên cùng thắng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm trường Đại học Waikato, ngôi trường hàng đầu của New Zealand và được xếp hạng cao trên thế giới. Nói chuyện, đối thoại với các sinh viên, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu; coi nhân tài là nguyên khí của quốc gia và xem giáo dục – đào tạo là một trụ cột quan trọng trong hợp tác với New Zealand. Thủ tướng mong muốn các sinh viên sẽ góp phần quan trọng nâng tầm quan hệ Việt Nam – New Zealand, mang lại sự phồn vinh và tương lai tươi sáng cho mọi người dân hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Đại học Waikato. Ảnh: VGP

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại New Zealand. Cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn lớn, Thủ tướng nhấn mạnh, có thể đẩy mạnh khai thác tiềm năng này hơn nữa, “đây là nhiệm vụ quan trọng của sứ quán, tham tán thương mại, các doanh nghiệp ở đây khi mà ta và New Zealand là thành viên của Hiệp định CPTPP vừa ký chưa ráo mực ở Chile”. Không có lý do gì chúng ta không hợp tác tốt hơn nữa.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo động lực, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, được xác lập năm 2009, ngày càng đi vào thực chất, tạo đà để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới – Đối tác chiến lược.

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm