| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng chứng kiến De Heus, Hùng Nhơn ký MoU hợp tác chiến lược toàn diện

Thứ Ba 13/12/2022 , 07:57 (GMT+7)

Amsterdam Theo Biên bản ghi nhớ (MoU), De Heus và Hùng Nhơn có kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp.

Hợp tác phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp

Nhân chuyến viếng thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Vương quốc Hà Lan, ngày 12/12, tại Thủ đô Amsterdam, Tập đoàn Hoàng gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về Quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn.

Lễ ký kết MoU có sự chứng kiến đặc biệt của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ngoài ra, Lễ ký kết còn có sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành của hai quốc gia Hà Lan và Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lãnh đạo De Heus và Hùng Nhơn ký Biên bản ghi nhớ (Mou) về Quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn ngày 12/12/2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lãnh đạo De Heus và Hùng Nhơn ký Biên bản ghi nhớ (Mou) về Quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn ngày 12/12/2022.

Tham dự Lễ ký kết MoU, đại diện phía De Heus là ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu. Đại diện phía Hùng Nhơn là ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc.

Theo thỏa thuận, De Heus và Hùng Nhơn có kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp như: chăn nuôi giống gia súc, gia cầm; phát triển nguồn nguyên liệu (ngô, sắn) cung cấp cho lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình hợp tác xã của Hà Lan tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, giống gia cầm chất lượng cao cho thị trường Việt Nam, hai bên sẽ phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao giai đoạn 2022-2030. Trong đó, Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới.

Còn De Heus sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi các nguồn heo giống và gà giống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 7.500 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 30.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam.

Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam.

Chia sẻ về quyết định chọn Hùng Nhơn là đối tác chính của De Heus tại Việt Nam, ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu, cho biết: “Hùng Nhơn là doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Đặc biệt, mô hình hoạt động của Hùng Nhơn phù hợp với kế hoạch phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh với mục tiêu trở thành người bạn đồng hành của người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam. De Heus mong muốn hợp tác với Hùng Nhơn để cùng đồng hành thực hiện các mục tiêu này”.

Phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: “De Heus là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như De Heus, Windmill, Koudijs... Do vậy, được hợp tác với De Heus là vinh dự cho Hùng Nhơn. Bởi qua việc hợp tác này Hùng Nhơn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Hà Lan. Từ đó, phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn của Hùng Nhơn trong tương lai”.

Được biết, trong chiến lược hợp tác, De Heus và Hùng Nhơn đã thành lập chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại 3 tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và sắp tới là 2 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum.

Tổ hợp dự kiến sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống.

Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.

“Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á”, ông Hùng khẳng định.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.