Thậm chí, mô hình này định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam và châu Á.
Tiên phong mang công nghệ hiện đại vào chăn nuôi
Ngày 20/11, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”.
Tại Hội nghị đã có nhiều tham luận của các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm là việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp khu vực Tây Nguyên theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, tuần hoàn, sinh thái và hữu cơ. Đặc biệt là chiến lược phát triển nông nghiệp Tây Nguyên với quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Có thể nói, các dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ cao đang được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian gần đây là hoàn toàn phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đơn cử là chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DNH.
Đây mô hình liên doanh giữa De Heus - Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới đến từ Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn - Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên tại Hội nghị, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, thế mạnh của chuỗi các dự án DHN là được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan; sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2.
Bên cạnh đó, mô hình còn áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Theo ông Hùng, với chiến lược đầu tư xây dựng bài bản và đúng lộ trình cam kết, Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đắk Lắk đã được UBND tỉnh đồng ý mở rộng quy mô dự án. DHN Đắk Lắk có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đã đi vào hoạt động từ năm 2021.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, dự án đã đón nhận chuyến chuyên cơ chở lô heo cụ kỵ, ông bà 1.250 con nhập trực tiếp Topigs Norsvin (Canada). Dự kiến, số heo giống này mỗi năm cung cấp ra thị trường 25.000 con giống bố mẹ và heo hậu bị thương phẩm.
Ông Hùng kỳ vọng việc mở rộng dự án tại Đắk Lắk sẽ là tiền để cho các quyết định mở rộng dự án tại các địa phương còn lại trong khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
Đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt
Mới đây, tại Lễ khởi công dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đã đánh giá cao tầm quan trọng của DHN trong chiến lược phát triển nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên theo hướng bền vững.
Thứ trưởng cũng kỳ vọng với công nghệ và tiềm lực tài chính mạnh mẽ của Tập đoàn Hoàng gia De Heus, cùng với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Hùng Nhơn, chuỗi dự án DHN một khi hoàn thiện sẽ góp phần đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm chăn nuôi hàng đầu khu vực.
Chia sẻ về quyết định đầu tư tại Việt Nam, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho biết Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế.
Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Hùng Nhơn là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và khá năng động trong các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lý do De Heus chọn Hùng Nhơn là đối tác trong chiến lược phát triển nông nghệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Theo ông Gabor Fluit, trải qua hơn 10 năm hợp tác, De Heus và Hùng Nhơn đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam, thông qua việc xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp tạo ra các sản phẩm sạch, có giá trị cao phục vụ lợi ích người tiêu dùng.
“Với khu vực Tây Nguyên, mục tiêu của chúng tôi là đầu tư chuỗi các dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa Tây Nguyên trở thành vùng an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Xa hơn nữa là định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam và châu Á”, ông Gabor Fluit tự tin khẳng định.
Như vậy, sau Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng, trong kế hoạch từ nay đến 2030, liên doanh sẽ mở rộng chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN đến 2 tỉnh còn lại của khu vực là Kon Tum và Đắk Nông. Theo thoả thuận hợp tác giữa De Heus và Hùng Nhơn, mục tiêu của DHN đến năm 2030 đạt công suất 10.000 lợn giống cụ, kỵ, ông bà (tương đương 80.000 heo hậu bị mỗi năm), công suất đàn lợi nái 20.000 con và khoảng 6 triệu con lợn thịt.
Theo thoả thuận hợp tác giữa De Heus và Hùng Nhơn, mục tiêu của DHN đến năm 2030 đạt công suất 10.000 lợn giống cụ, kỵ, ông bà (tương đương 80.000 heo hậu bị mỗi năm), công suất đàn lợi nái 20.000 con và khoảng 6 triệu con lợn thịt.