| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng dự Lễ khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Thứ Bảy 05/03/2022 , 20:30 (GMT+7)

ĐBSCL Chiều 5/3, tại Kiên Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức lễ khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và cắt băng khánh thành.

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Văn Vũ.

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Văn Vũ.

Dự án gồm có các công trình chính: cống Cái Lớn; cống Cái Bé; cống Xẻo Rô; Đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61; 8 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên - An Minh; Hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.

Nhiệm vụ dự án Hệ thống thủy lợi (HTTL) Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1

- Kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu), trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: Văn Vũ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: Văn Vũ.

- Kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

- Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Dự án HTTL Cái Lớn - Cái Bé hình thành là kết quả quá trình hàng chục năm nghiên cứu của nhiều cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học từ các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ, các đồ án quy hoạch đến các nghiên cứu, tư vấn về dự án.

Công tác chuẩn bị đầu tư bắt đầu thực hiện từ năm 2009. Quá trình lập dự án đầu tư kéo dài hơn 8 năm. Dự án HTTL Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 17/4/2017.

Công trình cống Cái Lớn hoàn thành vượt tiến độ, khánh thành đưa vào sử dụng đã sớm phát huy hiệu quả đầu tư. Ảnh: Văn Vũ.

Công trình cống Cái Lớn hoàn thành vượt tiến độ, khánh thành đưa vào sử dụng đã sớm phát huy hiệu quả đầu tư. Ảnh: Văn Vũ.

Ngày 25/12/2018, Bộ NN-PTNT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 5078/QĐ-BNN-XD. Sau đó là hàng loạt công tác như khảo sát, lập thiết kế; đấu thầu; công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng… được thực hiện, đến ngày 20/10/2019 dự án bắt đầu triển khai thi công.

Dự án HTTL Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn. Quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kỹ thuật đã thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.

Một số kết quả nổi bật đạt được

Là công trình lớn, có tính chất kỹ thuật đặc biệt phức tạp, nhưng toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý đều do người Việt Nam thực hiện. Quá trình thực hiện có biến động lớn về giá vật tư nhưng tổng mức đầu tư không tăng, đặc biệt đã tối ưu thiết kế và tiết kiệm qua đấu thầu được trên 400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cống Xẻo Rô và 8 cống trên tuyến đê An Minh - An Biên.  

Công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng có khối lượng tương đối lớn (với gần 300 hộ bị ảnh hưởng và hơn 100 hộ hiến đất để xây dựng tuyến đê) nhưng được sự đồng thuận rất cao của người dân, thời gian thực hiện được rút ngắn tối đa. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bằng khen cho các đơn vị đã có thành tích trong thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Văn Vũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bằng khen cho các đơn vị đã có thành tích trong thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Văn Vũ.

Sau hàng chục năm nghiên cứu kỹ lưỡng và hơn 2 năm triển khai thực hiện, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã hoàn thành. Công trình đã và sẽ phát huy tốt hiệu quả đầu tư và đạt được nhiều mục đích, ý nghĩa rất quan trọng:

Một là: Sự thay đổi trong tư duy và nhận thức đối với công tác thủy lợi khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long, đó là từ tư duy “ngăn mặn” sang “kiểm soát nguồn nước”.

Hai là: “Thuận thiên” đối với nông nghiệp là “Thích ứng có sự kiểm soát”, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các công trình thủy lợi.

Ba là: Con người Việt Nam có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thủy lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới.

Bốn là: “Sự đồng thuận, ý chí, quyết tâm cao mang đến thành công". Đây là dự án lớn, có kỹ thuật đặc biệt phức tạp, thông thường với dự án này cần khoảng 4 năm, nhưng thực tế toàn bộ quá trình thực hiện chỉ mất hơn 2 năm và lại trong thời gian đại dịch covid bùng phát. Nhưng bằng sự đồng thuận cao của người dân (gần 300 hộ dân đã chấp nhận bàn giao sớm mặt bằng và hơn 100 hộ hiến đất để xây dựng công trình); sự cầu thị trong tiếp thu các ý kiến; sự phản biện thẳng thắn cũng như đồng hành, ủng hộ của các cơ quan truyền thông; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, cùng đó là ý chí quyết tâm, nỗ lực cao độ của các tập thể, cá nhân đã đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật.

Phải có tư duy đột phá để phát triển ĐBSCL

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định: Công trình Cái Lớn - Cái Bé là công trình "ý Đảng, lòng Dân", một công trình trí tuệ của người Việt Nam chúng ta, trong điều kiện hết sức khó khăn chúng ta đã phấn đấu vươn lên cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. ĐBSCL là vùng đất đặc thù, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Văn Vũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Văn Vũ.

ĐBSCL chiếm 12% diện tích canh tác của cả nước, với dân số gần 20 triệu người, trong suốt thời gian qua chúng ta đã khai thác các tiềm năng lợi thế để có được những kết quả nhất định. Trong đó, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa của cả nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây của cả nước, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu, đã góp phần quan trọng cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong năm 2021 là 48 tỷ USD.

Tuy nhiên, ĐBSCL tiềm năng thì lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, đây là khu vực chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, trong đó vừa sạt lở, xâm nhập mặn, sụt lún, thay đổi dòng chảy của ĐBSCL, dòng chảy dòng sông Mê Kông do tác động của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ĐBSCL là rất lớn và đã được thể hiện qua nhiều thời kỳ. Trong thời gian tới ĐBSCL cần phải đột phá hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng.

Chúng ta cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để phát triển ĐBSCL, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 120, chủ động thích ứng và kiểm soát để "thuận thiên". Chính phủ rất trăn trở và nghiên cứu tham khảo các nhà khoa học, kinh nghiệm các nhà quản lý... để phê duyệt phát triển ĐBSCL.

Một là phải có tư duy đột phá để phát triển ĐBSCL. Thứ hai là có tâm nhìn dài hạn. Thứ ba là phát triển nhanh nhưng bền vững, thứ tư là tạo kinh tế cho nhân dân trong khu vực ĐBSCL được hạnh phúc, ấm no, ổn định góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Muốn được như vậy thì chúng ta giải quyết các vấn đề, tháo gỡ bằng được những nút thắt, nhất là nút thắt về hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông, hạ tầng về xã hội, y tế giáo dục, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng về năng lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL, liên kết, kết nối vùng.

Chúng ta đã có công trình rồi thì phải khai thác vận hành sao cho thật hiệu quả. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ là công trình thủy lợi đơn thuần mà còn cần phải tạo thêm sinh kế cho người dân khu vực này bằng việc phát triển các ngành nghề khác, như phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 đến 1/5), ước tính cả nước đón và phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...