Khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam. Ngành nông nghiệp tự tin xuất khẩu đạt 50 tỷ USD. Cân nhắc đưa rau quả tươi lên cửa khẩu Lạng Sơn. Hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
KHÁNH THÀNH CÔNG TRÌNH THỦY LỢI LỚN NHẤT VIỆT NAM
Chiều 5/3, tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Đây là công trình thủy lợi được xem là lớn nhất Việt Nam về quy mô, khẩu độ thông nước với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên sông Cái Lớn, thuộc địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành của tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là công trình của ý Đảng – lòng Dân, của trí tuệ bản lĩnh của người Việt Nam trong thời kỳ phát triển nhanh, bền vững, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh 4 tinh thần chung của vùng ĐBSCL là: Tư duy đột phá để phát triển ĐBSCL; có tầm nhìn dài hạn; phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tạo sinh kế cho nhân dân trong khu vực ĐBSCL được ổn định. Để thực hiện được các tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương vùng ĐBSCL tập trung giải quyết các nút thắt về cơ sở hạ tầng; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kết nối vùng sản xuất lớn.Trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc tham gia phong trao thi đua thực hiện “Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng tặng bằng khen cho 16 tập thể và 29 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỰ TIN XUẤT KHẨU ĐẠT 50 TỶ USD
Chia sẻ với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đang đạt được nhiều kết quả rất khả quan.Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, thu hoạch và gieo trồng đã vượt 7,9%, sản lượng lương thực đạt 3,89 triệu tấn, tăng 10,2% và năng suất đạt 59,9 tạ/ha, tăng 2,2 %.Lĩnh vực chăn nuôi, quy mô đàn lợn tăng 2,9%, đàn bò tăng 0,9% và đàn gia cầm tăng 2%.Trong lĩnh vực thủy sản, tính đến hết tháng 2/2022, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 1,9% và giá cá tra, giá tôm đều đang rất thuận lợi. Dự kiến, năm 2022 xuất khẩu thủy sản có thể vượt 9 tỷ USD.Lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định có thể vượt mức 3.200 tỷ đồng và xuất khẩu sản phẩm ngành lâm nghiệp chắc chắn sẽ cán đích 17 tỷ USD.Về xuất nhập khẩu, qua 2 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đạt trên 14,2 tỷ USD.Với những kết quả đã đạt được cùng với các giải pháp đồng bộ và toàn diện, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp tự tin có thể đạt và vượt mục tiêu 50 tỷ USD trong năm 2022.
CÂN NHẮC ĐƯA RAU QUẢ TƯƠI LÊN CỬA KHẨU LẠNG SƠN
Dự báo từ ngày mai 6/3, sau khi hết thời hạn thông báo tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu, lượng trái cây tươi đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất khẩu sẽ ngày càng tăng do các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu của phía Trung Quốc tăng cao. Với năng lực thông quan như hiện nay, để giải quyết hết lượng xe chở hàng hóa đang tồn ở các khu vực bến bãi chờ xuất khẩu cần khoảng 15 ngày. Trước thực tế đó, Sở Công Thương Lạng Sơn cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, tạm dừng việc đưa hàng hoá hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.Bên cạnh đó, tăng cường triển khai công tác hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản như: thanh long, mít, xoài, dưa hấu,... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.
HỢP TÁC SẢN XUẤT TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Ngày 5/3, UBND tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong 4 năm (2022 đến 2025). Theo đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Đồng Nai; chọn một số cây trồng, vật nuôi thích hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường để đầu tư liên kết trong việc sản xuất và thu mua, tạo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vận động người dân thực hiện phong trào xây dựng “vườn cây hữu cơ” gắn với việc thu gom rác thải, làm phân hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu vực nông thôn.; hình thành các đầu mối như tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ... Đồng thời, Tập đoàn Quế Lâm sẽ quảng bá, hỗ trợ bao tiêu sản lượng nông sản từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…