| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng làm việc tại Ninh Thuận: Không để cho dân đói, khát

Thứ Ba 14/04/2015 , 09:47 (GMT+7)

Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, nước cho sản xuất và sinh hoạt thiếu trầm trọng.

+ Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh trên 615 tấn gạo, gần 172 tỷ đồng 

Ngày 13/4, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về kết quả phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015) và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015; về tình hình hạn hán, công tác đối phó với hạn hán trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết: 5 năm qua, KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, có 15/21 chỉ tiêu nghị quyết đạt khá; tăng trưởng kinh tế cao hơn so với những năm trước, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%; GDP tăng gấp 2,57 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 26,8 triệu đồng, dự kiến năm 2015 ước đạt 31,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách đạt khá, năm 2014 đạt 1.845 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 33.145 tỷ đồng, tăng gấp 1,95 lần so với giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 2%/năm, đến nay còn 7,53%; giải quyết việc làm cho trên 15,7 nghìn lao động mỗi năm.

Quy mô, chất lượng giáo dục được nâng lên; mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường; quốc phòng an ninh được giữ vững. Dù vậy, Ninh Thuận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa khởi sắc.

17-46-18_bo-truong-co-duc-pht-pht-bieu-ti-buoi-lm-viec-cu-thu-tuong-voi-tinh-ninh-thun
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận

Hiện Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, nước cho sản xuất và sinh hoạt thiếu trầm trọng. Tổng dung tích 20 hồ chứa ở tỉnh chỉ còn hơn 20 triệu m3/192 triệu m3. Trước tình hình trên, tỉnh đã tập trung chống hạn, hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân ở các xã thiếu nước, đấu nối đường ống dẫn nước, nạo vét kênh mương, đào ao, đào giếng tích nước phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi. 

Do thiếu nước, vụ đông xuân 2014-2015, tỉnh phải ngưng sản xuất 6.100 ha/20.149 ha. Ở các vùng không sản xuất được, vùng hạn hán, đồng bào có nguy cơ thiếu đói giáp hạt cao.

Trước tình hình trên, tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 615,645 tấn gạo để cứu đói giáp hạt cho người dân và kinh phí gần 172 tỷ đồng để phục vụ công tác chống hạn. Do hạn hán sẽ còn kéo dài nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề trên, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên việc đó lại vượt quá khả năng của tỉnh, vì vậy cần có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ Trung ương.

Chia sẻ khó khăn với tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Trước mắt tỉnh Ninh Thuận phải tập trung triển khai công tác chống hạn, cấp tốc đấu nối đường ống nước dẫn tới cho dân sinh hoạt. Vụ hè thu này, tỉnh phải tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi… Bộ nhất trí cao chủ trương của Chính phủ, cấp cho Ninh Thuận 100 tỷ đồng để chống hạn, cấp 2.000 tấn gạo cứu đói cho dân, vấn đề này Bộ Tài chính cũng ủng hộ. Lâu dài, vấn đề Ninh Thuận cần là nước, do đó Bộ mong Chính phủ cấp kinh phí để tỉnh xây dựng hồ chứa, nhất là hồ Tân Mỹ và Sông Than để tỉnh giải quyết nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ luôn theo dõi và rất quan tâm về tình hình hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của tỉnh. Thủ tướng biểu dương những kết quả mà tỉnh đạt được trong những năm qua trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, thủy sản, dịch vụ, thủy lợi, điện, đường giao thông… tập trung chăm lo đời sống cho nhân dân, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Trước tình hình hạn hán kéo dài, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải có hướng khắc phục khó khăn và làm tốt hơn nữa công tác phòng chống hạn, qua đó hạn chế thiệt hại, khó khăn cho người dân, đặc biệt là không để thiếu nước, đảm bảo đủ nước cho đồng bào sinh hoạt, tránh dịch bệnh xảy ra. Kịp thời hỗ trợ lương thực, cứu đói cho người dân theo đúng địa chỉ và công bằng nhất; phải đảm đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh, bảo đảm bảo vệ tối đa sản xuất, không để thiệt hại, nhất là thiệt hại trồng trọt và chăn nuôi. Tỉnh phải chủ động phối hợp với Bộ NN-PTNT trình Trung ương hỗ trợ, cung cấp cây, con giống cho dân, xem đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền địa phương gắn với việc tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh.

Thủ tướng mong muốn Ninh Thuận phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương để khai thác có hiệu quả, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới để thúc đẩy phát triển, góp phần vào sự phát triển KT-XH. Tỉnh phải biến thách thức, khó khăn thành thời cơ và thuận lợi để phát triển, đồng thời phải quan tâm đến lĩnh vực phát triển thủy sản, nhất là nuôi trồng giống thủy sản như tôm giống để cung cấp cho cả nước; tập trung sản xuất muối công nghiệp gắn với chế biến, đồng thời phát triển hơn nữa loại hình dịch vụ du lịch.

Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, với chủ trương xây dựng đảm bảo đủ điện cho đất nước, nhưng khi xây dựng phải đảm bảo an toàn cao nhất, công nghệ tốt nhất và phải qua kiểm chứng, đây là vấn đề mà Chính phủ rất lo và đòi hỏi phải qua kiểm tra nhiều lần trước khi khởi công xây dựng nhà máy.

Về kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng ghi nhận và đồng ý. Về lâu dài, tỉnh Ninh Thuận phải quan tâm, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng công trình thủy lợi gắn với việc kết nối liên thông các hồ chứa để điều tiết nước tưới phục vụ cho các địa phương. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tính toán, tận dụng nguồn nước từ hồ Đơn Dương xả xuống nhà máy Đa Nhim để xây dựng đập dâng tích nước phục vụ sản xuất gắn với ngăn xâm nhập mặn.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác đã đến thị sát tình hình hạn hán tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Thủ tướng lưu ý địa phương cần quan tâm chăm lo nước sinh hoạt cho người dân, quyết không để dân đói, khát, không để xảy ra dịch bệnh, đồng thời phải chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Thủ tướng cũng đã đến thôn Tham Dú và Đồng Dày, xã Phước Trung, ân cần thăm hỏi đời sống sinh hoạt của bà con Raglai nơi đây.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất