Sáng 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ, cán bộ ngoại giao đã phát biểu tham luận, tập trung đánh giá xu thế lớn của tình hình thế giới và kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đối với Việt Nam để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; đề xuất mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng và hướng đi mới nhằm triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển đất nước; đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề và ý nghĩa của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo hết sức toàn diện, sâu sắc, đúc rút cả lý luận và thực tiễn về những thành tựu, bài học của ngành ngoại giao trong chặng đường 35 năm đổi mới; quán triệt và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành những định hướng lớn để toàn hệ thống chính trị tập trung triển khai trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc bài phát biểu chỉ đạo và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dành nhiều thời gian phân tích tình hình năm 2020 và năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm khác biệt so với các năm trước đây. Đó là đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới toàn thế giới và Việt Nam. Việt Nam đảm nhận vai trò trong các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN. Chúng ta tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đã nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước các công việc đối nội, đối ngoại, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Việt Nam đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho các bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng hơn vào Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Lực lượng cán bộ làm công tác ngoại giao trưởng thành hơn về mọi mặt.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh ngành ngoại giao đã có đóng góp quan trọng trong triển khai hiệu quả ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, vừa đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vacxin, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng chống dịch thời gian qua. Từ một nước tiếp cận vacxin tương đối chậm, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và tự tin thay đổi trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Về nhiệm vụ trong năm 2022 và 2023, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới, những kết quả đã làm được và chưa được trong thời gian qua để định hình công tác đối ngoại.
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như cạnh tranh chiến lược, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Biển Đông; tác động của đại dịch COVID-19; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường… Đây là những vấn đề toàn cầu, do đó cần có tư duy và cách tiếp cận, giải pháp toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Ở trong nước, chúng ta tiếp tục triển khai các nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; với mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trước mắt, cả nước tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc rõ nét, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức còn rất nhiều, rất lớn.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, việc phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”.