Thủ tướng chỉ đạo xử lý nóng các vấn đề tồn tại
Chiều 11/11, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trong thời gian tới. Cùng tham gia buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội trong thời gian qua, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt hơn 3,1 nghìn USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết tháo gỡ 15 vấn đề, trong đó có một số vấn đề quan trọng như: Áp dụng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất; vấn đề cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông quan trọng (đường hàng không, đường bộ); tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác khoáng sản thông thường cho nhà thầu thi công; vấn đề thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp Thanh Hóa...
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của đại diện một số sở, ngành trong tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo địa phương báo cáo thông tin có hay không khi thi công đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - QL45 dài gần 50 km đã làm hư hỏng gần 100 km đường dân sinh và làm ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân như phát biểu của đại biểu Quốc hội trên nghị trường.
Trả lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề này, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là thông tin gây hiểu lầm khiến ông rất buồn.
“Đường hư hỏng phụ thuộc vào từng tuyến đường có mức độ lưu lượng, thời điểm phương tiện giao thông lưu thông. Phương tiện lưu thông càng ít thì độ bền của đường sẽ cao và ngược lại. Đối với các tuyến đường dân sinh hư hỏng do thi công cao tốc chúng tôi phối hợp sửa ngay khi thi công. Đến nay, nhóm đường dân sinh này đã sửa xong. Riêng tuyến đường tỉnh lộ, trong 31 tuyến đường tỉnh bị ảnh hưởng thì đã có 19 tuyến sửa xong, số còn lại đang khảo sát và đang tiến hành sửa chữa”, ông Liêm cho hay.
Sau phần trả lời của ông Liêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thanh Hóa cần sớm có văn bản làm rõ, trả lời ý kiến của Đại biểu Quốc hội về vấn đề nêu trên.
Về việc gỡ khó cho dự án Thủy điện Hồi Xuân có mức đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng nhưng đang gặp khó khăn về vốn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, ngành có liên quan, để giải quyết triệt để tồn tại về vốn trong năm 2023, trên tinh thần giao cho Tập đoàn điện lực Việt Nam mua lại dự án, thông qua cơ chế của doanh nghiệp.
Đối với khó khăn về nguồn vốn tại Nhiệt điện Công Thanh (dự án không thể tiếp tục triển khai do khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn (các tổ chức tín dụng không còn ưu tiên dự án nhiệt điện than), Thủ tướng yêu cầu, chấm dứt hợp đồng về sản xuất điện than, trên tinh thần chặt chẽ thủ tục về mặt hồ sơ, thủ tục, thay thế bằng phương án sản xuất điện khác.
Ngoài ra các kiến nghị, đề xuất khác của tỉnh Thanh Hóa nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính, giao thông, hạ tầng du lịch cũng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho địa phương thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc trong quá trình thực hiện thì kiến nghị cấp trên hướng dẫn tháo gỡ khó khăn.
Quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn bất cập
Về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định mỗi giai đoạn đầu tư chỉ được chuyển mục đích không quá 150 ha đất trồng lúa 2 vụ trở lên, gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng giữa các giai đoạn đầu tư, phương án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.
Cụ thể: Tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế nêu rõ: “Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 150 ha ở vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa không quá 150 ha.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT đồng thuận việc chuyển đổi một lần đất lúa phục vụ cho khu công nghiệp thay vì chuyển đổi nhiều lần theo từng giai đoạn, nhằm tạo điều kiện cho địa phương thu hút dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về kiến nghị xung quanh việc thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay quy định chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017, gây khó trong việc triển khai trên thực tế.
Đồng tình với ý kiến của tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng, đây là bất cập trong quy định của pháp luật, cần áp dụng pháp luật thống nhất để tạo hiệu quả trong quá trình thực thi. Chốt lại vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu tỉnh Thanh Hóa còn thắc mắc trong việc áp dụng pháp luật, địa phương cần gửi văn bản tới Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để được giải thích rõ hơn.
Về nội dung tháo gỡ khó khăn cho công trình thủy lợi Bản Mồng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 Thanh Hóa không bố trí đất cho thủy lợi. Riêng Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng cần 619 ha đất của Thanh Hóa. Do đó, tỉnh Thanh Hóa có thể bố trí các loại đất khác (khoảng 200 ha) bổ tiêu đất thủy lợi để thực hiện dự án.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, ngoài vấn đề sử dụng đất cho công trình, Bộ NN-PTNT chủ trì xử lý các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án trong tháng 12/2023 để dự án được thực hiện thuận lợi nhất.
Củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Thanh Hóa phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội; phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng lưu ý, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý điều hành phải thông minh; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của vùng đất và con người xứ Thanh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh và phúc lợi xã hội.
Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, kiên quyết cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, cơ chế, chính sách;... nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các nút giao cao tốc nhằm tạo ra không gian phát triển mới; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây và miền núi của tỉnh, nơi chiếm 1/3 dân số và 2/3 diện tích của tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành về làm việc tại tỉnh.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp…
Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. Quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ xã hội.