Thư viện rất đẹp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân! |
Vì vậy, trong thời đại công nghệ, làm sao để thư viện vẫn là một địa chỉ văn hóa có sức thu hút cộng đồng là một vấn đề không đơn giản. Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện- Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng ngậm ngùi: “Chúng ta cứ về nông thôn thì thấy, 9-10h tối là mọi người tắt điện đi ngủ rồi. Loa phát thanh thì không nghe, chỉ xem các chương trình giải trí trên tivi”.
Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng ở nước ta gồm có 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện và 3.257 thư viện cấp xã, 16.722 phòng đọc sách làng, thôn, bản; gần 400 thư viện thuộc các trường đại học, cao đẳng; 25.915 thư viện trường phổ thông; 100 thư viện thuộc các bộ ngành; các viện, trung tâm nghiên cứu; hơn 500 thư viện, hơn 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang. Ngoài ra, cả nước có 61 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, hàng nghìn tủ sách phụ huynh, hàng trăm tủ sách dòng họ. Theo ước tính, trong cả nước có khoảng 30.000 người làm thư viện.
Rõ ràng, mật độ của thư viện trên địa bàn dân cư không ít, nhưng càng ngày càng ít người lui tới thư viện hơn. Bên cạnh, những hoạt động sôi nổi của thị trường giải trí đã chiếm hết thời gian dành cho công chúng, thì thực sự các thư viện chỉ giống như một cái kho chứa sách không mấy hấp dẫn. Một số tổng kết chỉ ra người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách một năm. Đó là tính trung bình với người đọc từ nhiều nguồn sách khác nhau, còn tỉ lệ đọc sách tại thư viện càng ít hơn nữa.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cho rằng: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày một rộng khắp, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế tri thức hình thành đã tạo ra cả thời cơ và thách thức. Trong đó, Thư viện cần phải có sự đổi mới để hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình...”.
Bây giờ, ngoài những người làm công tác nghiên cứu phải tìm kiếm tư liệu phục vụ cho công việc chuyên môn, thì ít ai chú ý đến thư viện. Có hai nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, sách báo có thể mua rất dễ dàng ở mọi nơi. Thứ hai, độc giả đã hình thành thói quen đọc trên máy tính. Do đó, với trữ lượng sách quý hiếm đang có trong các thư viện lớn, cần phải được chuyển thành sách điện tử nhằm đáp ứng được nhu cầu của lớp người đọc hôm nay. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, ông và vài đồng nghiệp thường theo dõi nguồn tài liệu qua các thư viện của Pháp, bởi nơi đây lưu trữ rất tốt các tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu về Việt Nam. Xu hướng của các nước trên thế giới đang tập trung số hóa tư liệu, chứ không tập trung xây dựng thư viện thật to, đẹp. Thư viện ngày nay không nên chỉ cung cấp sách cho bạn đọc, mà nên mở ra thành nơi trao đổi, phát triển tri thức, văn hóa.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người đã khởi xướng chương trình “Sách hóa nông thôn” được trao giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016, phân tích về vai trò của thư viện đối với đẳng cấp một quốc gia: “Ở cấp trường học, thư viện của trường phải mở rộng đến các lớp học để học sinh tự quản và tự phục vụ. Ở cấp cộng đồng, nhà nước cần xây dựng hệ thống thư viện đến cấp thôn xóm. Ủng hộ khu vực dân sự như dòng họ, xứ đạo, nhà chùa xây dựng các tủ sách. Đặc biệt, hệ thống chính trị cần xem việc đọc sách của người dân như là một hệ giá trị trong quá trình xây dựng đất nước. Khi việc đọc sách và sáng tạo được khuyến khích ở khắp mọi nơi thì xã hội sẽ tự hình thành ra những tầng bậc tinh thần để những công dân tiệm cận các giá trị tinh thần đó. Bất cứ quốc gia nào xây dựng được hệ thống Thư viện rộng khắp đến từng tay người dân kiến tạo thói quen đọc sách cho phần đông dân chúng để hình thành văn hóa đọc, song song với phát triển giáo dục chính thống trên nguyên tắc khai phóng tư tưởng công dân, thúc đẩy tự do cá nhân và sáng tạo, quốc gia đó sẽ tạo được đẳng cấp cho mình sau 20-50 năm. Nhật Bản và Singapore là những ví dụ điển hình”.
Năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thiện văn bản pháp quy để tạo điều kiện cho sự phát triển của thư viện, trong đó có Luật Thư viện. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức kiến nghị: Phải làm sao đọc sách trong thư viện hơn hẳn đọc sách tại nhà. Muốn như vậy phòng đọc, trang thiết bị phải tiện nghi, hiện đại. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, phòng rộng rãi, bàn ghế chuẩn ngồi đọc thoải mái...
Muốn thư viện trở thành một địa chỉ văn hóa thiết yếu cho đời sống tinh thần của mỗi người, có lẽ phải được khuyến khích từ thuở nhỏ. Trong một chương trình về trẻ em và thư viện, ông Barack Obama khi đương nhiêm Tổng thống Mỹ, đã phát biểu một câu rất thú vị: “Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta đã thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.