Dự án Hồ chứa nước ngọt dọc sông Láng Thé, tỉnh Trà Vinh có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng với sức chứa hơn 10 triệu m³ nước ngọt. Công trình được triển khai nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Giai đoạn 1 của dự án, thực hiện từ năm 2023 - 2026, có tổng vốn đầu tư hơn 1.330 tỷ đồng. Các hạng mục chính bao gồm tuyến đường dọc hai bờ sông dài 8,1km, hệ thống cống bọng thủy lợi và 3 cây cầu giao thông, đi qua các xã Phương Thạnh, Đại Phúc, Đại Phước (huyện Càng Long), xã Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành) và xã Long Đức (TP Trà Vinh).
Chủ đầu tư dự án cho biết, ban đầu quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện công trình gặp một số khó khăn. Cụ thể, một số hộ dân yêu cầu hỗ trợ vượt ngoài khung chính sách Nhà nước, khiến thời gian thực hiện kéo dài. Đồng thời khu vực giải phóng mặt bằng có hệ thống điện và cấp thoát nước đan xen, phải chia thành các gói thầu riêng.
Tuy nhiên, hiện tiến độ dự án đạt trên 15%, trong đó gói thầu số 34 vượt tiến độ với 34% khối lượng công việc. Đội ngũ công nhân đang thi công cuốn chiếu, sớm hoàn thiện 1,9km đường chính và 400m đường nhánh.
Ông Hồ Đức Dũng, giám sát công trình của Công ty 532 (đơn vị thi công), thông tin: "Dù gặp khó khăn như thiếu hụt đá cấp phối nền đường, cát và hạn chế trong vận chuyển vật liệu qua đường thủy do vận hành cống ngăn mặn, chúng tôi vẫn đẩy nhanh tiến độ. Công nhân làm việc ngày đêm để hoàn thành các hạng mục, đảm bảo trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh vào tháng 8/2025.
Công trình hạ tầng xung quanh hồ chứa nước mới khởi công hơn 2 tháng, chúng tôi đã thấy nhiều thay đổi rõ rệt. Đó là những ngôi nhà mái Thái được xây mới từ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cùng với tinh thần của người dân được nâng lên".
Ông Lê Văn Thảo, ngụ tại ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, rất đồng thuận khi nhận được 3,3 tỷ đồng tiền bồi thường cho phần đất và nhà bị ảnh hưởng bởi dự án. Gia đình ông sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt rất vất vả. Khi hạ tầng dọc bờ sông hoàn thành cùng với hạng mục bến tàu du lịch, hội trường đua ghe ngo và công viên bờ sông... hoàn thành, tạo điều kiện để ông "đổi đời" bằng cách mở quán buôn bán phục vụ khách du lịch.
"Chúng tôi mong muốn chính quyền có chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ chuyển đổi nghề nhằm thích ứng với môi trường mới khi dự án hoàn thành", ông Thảo bày tỏ.
Hiện nay, ĐBSCL có hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (Bến Tre), đã đi vào hoạt động từ năm 2017 với kinh phí 85 tỷ đồng và sức chứa 0,8 triệu m³. Ngoài ra, trong khu vực còn đang xây dựng 2 hồ khác: hồ Lạc Địa (Bến Tre) với vốn đầu tư 350 tỷ đồng, sức chứa 2,3 triệu m³ và hồ chứa nước ngọt tại huyện U Minh (Cà Mau) với kinh phí gần 250 tỷ đồng, sức chứa hơn 3,8 triệu m³.
Dự án hồ chứa nước ngọt Láng Thé ở Trà Vinh, khi hoàn thành, sẽ là hồ chứa lớn nhất ĐBSCL, với sức chứa hơn 10 triệu m³, hứa hẹn trở thành công trình trọng điểm, góp phần phát triển bền vững khu vực.
"Công trình không chỉ đảm bảo an ninh nguồn nước, mà còn góp phần chống xâm nhập mặn, triều cường. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện kết nối các tuyến giao thông mới, thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.