Ông Vũ Văn Sỹ là người nêu ý kiến đầu tiên tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ông phản ánh dòng sông Thoa bị "bức tử" trong nỗi xót xa của bao người. Chủ hồ nuôi tôm dùng hóa chất vệ sinh hồ nuôi và xả thẳng ra sông trước khi thả con giống. Nhiều người lấn chiếm lòng sông để mở rộng hồ nuôi. Đêm vắng, những người hành nghề kéo lưới điện, xung điện ngồi trên ghe lượn lờ khiến cá tôm chết hàng loạt. Và nhất là lồng xếp được thả nhiều vô kể. Cá, tôm, cua bằng đầu đũa ăn cơm trở lên chui vào bị tóm gọn vì lưới khá dày.
Giăng lồng nơi đáy sông
Sớm mai, dòng sông lấp lánh nắng vàng. Từ chân cầu Hải Tân, tôi cưỡi xe máy chạy chầm chậm trên đê bên tả ngạn hướng về phía thượng nguồn. Chỉ một đoạn ngắn nhưng đã thấy 3 chiếc ghe chất đầy lồng xếp neo đậu ven bờ. Mỗi ghe hàng trăm chiếc lồng xếp ngay ngắn sau đêm đánh bắt. Lồng gồm lưới dày ghép vào những thanh sắt tròn lớn hơn đũa ăn cơm uốn thành hình chữ nhật. Khi thả xuống đáy sông, mỗi lồng dài hơn 8m với gần 30 ô lưới có cửa mở cho thủy sản chui vào nhưng không thể thoát ra.
Đây là loại ngư cụ cấm, không được sử dụng đánh bắt thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng nội địa (sông, hồ, đầm nước...). Nhưng nhiều người sử dụng đánh bắt theo kiểu tận diệt, khiến nguồn thủy sản sông Thoa ngày càng cạn kiệt. "Lồng xếp mua với giá mỗi chiếc hơn 300 nghìn đồng. Mỗi ghe chở hàng trăm chiếc với số tiền mua lồng vài chục triệu đồng, Đây là khoản tiền khá lớn nhưng bắt được rất nhiều cá tôm lớn nhỏ, mỗi đêm thu được hàng triệu đồng nên nhiều người sử dụng lồng xếp...", ông Vũ Văn Sỹ cho biết. "Khúc đê chú đi qua thấy 3 chiếc ghe chở lồng xếp là ít đấy. Đoạn sông dưới cầu Đò Mốc (nối phường Phổ Quang và Phổ Văn) có nhiều ghe chở lồng xếp đậu ven bờ. Cứ chiều đến tối là họ đi thả lồng. Khoảng 2 giờ sáng thì đi vớt. Cá, tôm, cua còn nhỏ xíu nhưng bị bắt hết thì lấy đâu mà sinh sôi ra nữa...", ông Phạm Văn Luận góp chuyện.
Chiều muộn, tôi đi dọc bờ sông khi hoàng hôn bao phủ xóm làng. Cảnh vật yên ắng lạ thường. Hồi lâu, tôi phát hiện chiếc ghe gắn máy do người đàn ông điều khiển chở nhiều lồng xếp từ sông Trà Câu chậm rãi tiến ra sông Thoa. Nhìn thấy tôi giơ máy ảnh lên phía trước, ông rồ ga tháo chạy bỏ lại làn khói đen vờn bay trong gió chiều. Tôi lia máy theo thì ông vội tấp vào bờ rồi tắt máy, bỏ đi mất dạng. Tôi điện thoại cho người bạn thì nhận được lời khuyên nên trở về kẻo xảy ra chuyện không hay. Trước đó, chính quyền phường Phổ Quang tổ chức truy quét, thu giữ hàng trăm chiếc lồng nên họ đề phòng, không muốn bị quay phim, chụp hình, tìm cách né tránh và có thể xua đuổi, hành hung.
Nhiều người lén lút hành nghề trong đêm vắng. Họ điều khiển ghe lướt nhẹ trên sông, đầu đội đèn pin lấp lóa trong đêm tối và thả lồng vào làn nước lạnh. Sau khi thả xong, họ về nhà nghỉ ngơi rồi ra sông vớt lồng tầm 2 giờ sáng. Những chiếc lồng nơi đáy sông được kéo lên khỏi mặt nước. Vô số cá, tôm, cua... lớn nhỏ bị nhốt trong lồng vùng vẫy tìm cách thoát thân. Họ đổ thủy sản vào những chiếc thùng nhựa khá lớn trước khi chuyển đến điểm thu mua. Thủy sản nhỏ chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm nên giá bán khá rẻ nhưng đánh bắt nhiều nên thu bộn tiền. Hậu quả là cá tôm ngày càng cạn kiệt trước nỗi xót xa của bao người.
Những mẻ lưới rỗng
Ông Vũ Văn Sỹ từng là người lính vào sinh ra tử trên chiến trường Campuchia. Rời quân ngũ, ông về quê cưới vợ và xây dựng căn nhà nhỏ bên sông bốn mùa lộng gió. Ba người con lần lượt chào đời với nỗi mừng vui khôn xiết của gia đình hai bên nội ngoại. Vợ chồng ông có vài sào ruộng canh tác lúa với nguồn thu nhập chẳng đáng là bao. Thế là ông cần mẫn chèo ghe thả lưới trong đêm khuya thanh vắng. Ông đội đèn pin trên đầu rồi mang lưới rời nhà lội bộ đến bến sông, chậm rãi bước lên ghe rồi khua nhẹ mái chèo. Ghe dần xa bờ, ông dùng chân khuấy nước, tay khéo léo buông lưới vào lòng sông. Gió lạnh ùa vào da thịt. Chừng một giờ đồng hồ sau, ông chèo ghe quay lại điểm ban đầu rồi cẩn thận kéo lưới. Thuở cá tôm còn nhiều, kéo lưới nặng tay, lòng rộn ràng niềm vui.
Ông khéo léo gỡ cá, tôm hay cua mắc lưới cho vào giỏ tre và quay về nhà để vợ kịp đến phiên chợ sớm. Mỗi bữa như thế kiếm được đôi ba trăm nghìn đồng trang trải cuộc sống gia đình. Khi nhiều người giăng lồng nơi đáy sông thì cá tôm dần cạn kiệt. Nhiều bữa ông mang 16 tấm lưới với tổng chiều dài tầm 2.000 m thả vào lòng sông và thở dài khi kéo lên ghe. Những mẻ lưới rỗng tiếp nối, cá tôm bắt được chẳng đủ chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình. "Lúc trước cá nhiều lắm. Khách đến chơi thì mang tấm lưới ra sông thả một chặp rồi kéo lên là cá quá trời, nấu lẩu nhậu đã đời. Bây giờ nhiều người đánh bắt bằng lồng xếp tai hại quá. Cá, tôm, cua bằng đầu đũa ăn cơm cũng bị bắt mất thì làm sao sinh sôi được nữa!? Hơn một tháng nay tôi cũng nhiều lần ra sông thả lưới nhưng cá bắt được rất ít. Tổng cộng tiền bán cá chỉ được 160 nghìn đồng...", ông Sỹ than thở.
Ông Luận từng lội bì bõm trong nước thả lưới từ hơn 40 năm trước. Ngày đó, chỉ cần vài tấm lưới là bắt được vô số cá tôm vì nguồn thủy sản dồi dào. Bởi nhiều người đánh bắt nên chỉ bán được một ít, phần còn lại chế biến món ăn trong bữa cơm thường ngày. Sản vật từ dòng sông dần được nhiều người ưa chuộng vì khá thơm ngon khi chế biến món ăn. Thế là tiểu thương thu mua rồi chuyển đến tiêu thụ ở những nơi khác. Ông Luận cần mẫn mưu sinh trên sông trong đêm vắng, chỉ ở nhà vào những hôm mưa gió bão bùng. Khoản tiền kiếm được từ sự nhọc nhằn giúp ông nuôi bốn người con trưởng thành. "Lúc trước chỉ bắt những con lớn nên tôm, cua, cá tiếp tục sinh sôi. Bây giờ lồng xếp bắt sạch từ lớn đến nhỏ thì còn đâu tôm cá!? Nếu đừng đánh bắt lồng xếp thì vài tháng sau cá tôm có trở lại thôi", ông tâm sự.
Sau nhiều lần ngược - xuôi tôi cũng gặp được người đàn ông buông - kéo lưới trên sông Thoa giữa trưa nắng. Anh mũ vải rộng vành bạc màu sau bao ngày dãi dầu mưa nắng, chân lội bì bõm trong nước, đôi tay rắn chắc thu lưới thả vào lòng sông chừng 1 giờ trước đó. Thu gần xong tấm lưới dài hơn trăm mét nhưng chẳng có con cá nào cả, anh nén tiếng thở dài, mắt nhìn xa xăm. Dáng anh nhỏ bé giữa mênh mông sông nước. Thấy tôi giương ống kính máy ảnh về phía mình, anh nói to: "Chụp làm chi? Có cá tôm gì đâu mà chụp. Định kiếm mớ cá vô kho mà chẳng có con gì cả...".
Tiếng thở dài bên sông
Thuở trước, vợ chồng anh Huỳnh Tấn Hồng cần mẫn cào dăn dắt sinh sống nơi đáy sông. Dòng sông vơi nước khi thủy triều xuống thấp, anh chị cùng nhiều người cặm cụi mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. Phần dưới cơ thể ngâm trong làn nước lạnh lẽo giữa đêm đông hay trong ngày mưa gió. Khoản tiền kiếm được từ sự cơ cực giúp anh chị nuôi hai con ăn học và trang trải cuộc sống thường ngày. Rồi, xảy ra điều bất thường là bùn lắng đọng nơi đáy sông và ngày càng nhiều, thay cho lớp cát mịn màng lẫn ít bùn non như thuở trước. Thế là trùn nước, hến và dăn dắt "hết đất sống" và dần biến mất khỏi lòng sông.
Nhiều người xót xa khi cào trúng mớ dăn dắt chết thối lẫn trong bùn xám đen. Họ cho rằng, khi xả đập ngăn mặn phía thượng nguồn, lượng bùn đọng lâu ngày cũng trôi theo dòng nước. Khi xuống hạ nguồn gặp lúc triều dâng nên không thể trôi ra biển. Lượng bùn lắng đọng ngày càng nhiều, hủy hoại môi trường sống của nhiều loài thủy sinh. "Giờ tôi đi làm hồ nhưng công việc không đều đặn. Vợ ở nhà cắt ít rau muống đem bán ở chợ. Thu nhập thấp hơn nhiều so với trước...", anh Hồng cho biết. "Tôi cào dăn dắt ở sông Thoa từ hơn 40 năm trước. Lúc đó, dăn dắt nhiều lắm. Mỗi bữa cào được khá nhiều, đem bán cho chủ nuôi vịt, phần còn lại cho vào chảo nấu trong nước sôi rồi đãi lấy phần thịt bán cho bà con. Bây giờ không còn dăn dắt nữa khiến tôi và nhiều người buồn lắm...", bà Nguyễn Thị Bảy thở dài.
Bên hiên nhà ven sông, ông Sỹ và ông Luận buông tiếng thở dài nhìn dòng nước lững lờ trôi. Qua tuổi sáu mươi, gương mặt hai người hằn sâu vết chân chim, đượm buồn khi nói về cuộc sống khốn khó bởi cá tôm cạn kiệt. "Nguồn thu nhập của nhiều gia đình phụ thuộc vào việc thả lưới bắt cá tôm hay cào dăn dắt. Giờ không có cá, dăn dắt cũng không còn nên những người trẻ phải đi phụ hồ hay xin đi bạn (làm thuê) cho chủ tàu cá đánh bắt trên biển. Nhưng nguồn thu nhập từ những công việc đó không ổn định. Tôi và ông Sỹ cùng những người lớn tuổi thì không có việc gì làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống...", ông Luận than thở.
Rời làng Du Quang trong chiều đông u ám, tâm trí tôi luôn ám ảnh nỗi buồn và tiếng thở dài của những người dân quê chất phác. Họ tiếc nuối về dòng sông tôm cá dồi dào ngày xa.
Sau những phản ánh của người dân, UBND phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) ra quân thu giữ 121 lồng xếp. Giá trị mỗi lồng mua mới trên 300 nghìn đồng. "Chúng tôi sẽ mời bà con ký cam kết không mua mới nữa, chỉ đánh bắt lồng cũ hư hỏng rồi thôi. Chưa thể dẹp ngay được vì số tiền mỗi hộ mua lồng khá lớn. Phường sẽ tìm cách hỗ trợ bà con chuyển đổi phương pháp đánh bắt thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở sông Thoa...", ông Võ Xuân Khương - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Quang cho biết.