| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở đất có thể phát hiện sớm từ những dấu hiệu cụ thể

Thứ Bảy 05/08/2023 , 18:55 (GMT+7)

Vết nứt, cây cối trên sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng, hay những tiếng nổ trong lòng đất... là các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất.

Thứ trưởng Lê Công Thành thông tin về những dấu hiệu của hiện tượng sạt lở đất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thứ trưởng Lê Công Thành thông tin về những dấu hiệu của hiện tượng sạt lở đất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian qua, tình hình sạt lở đất đá ở Tây Nguyên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Điển hình là những vụ sạt lở đất tại Đà Lạt, tại đèo Bảo Lộc hay vấn đề an toàn hồ đập tại một số điểm ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học về những nguyên nhân gây sạt lở đất đá và tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề này.

"Như chúng ta đã biết, đối với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, có các hoạt động thay đổi bề mặt, ví dụ như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thuỷ điện... Khi đó, các cấu trúc bề mặt đất đã thay đổi và khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn", Thứ trưởng Lê Công Thành phân tích.

Theo đó, cách để phát hiện và cảnh báo được những điểm sạt lở này là theo dõi những dấu hiệu, ví dụ như vết nứt, cây cối trên những sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng, hay có những tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt đang phát triển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người dân và các lực lượng ở địa phương cần theo dõi, nếu thấy nguy cơ lớn thì phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 30/7 vừa qua đã vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông và một người dân. Ảnh: Xuân Ngọc.

Vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 30/7 vừa qua đã vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông và một người dân. Ảnh: Xuân Ngọc.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay, về nhận thức cũng như các hành động cụ thể, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu nạn tại các địa phương đều đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương. Lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai cũng đã được đào tạo để có thể rà soát trước những trận mưa lớn, những điểm, dấu hiệu và cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.

"Về cảnh báo, dự báo lượng mưa, hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1 x 1km với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời. Thời gian tới, khi triển khai Luật Phòng thủ dân sự, sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng sẽ được tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn để có thể cùng với nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu để có thể cảnh báo sớm, tránh những thiệt hại về người và tài sản", Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Tuy mới bắt đầu vào mùa mưa lũ nhưng những ngày qua đã xuất hiện mưa rất lớn tại khu vực miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Sơn La, Lai Châu đã bắt đầu có những điểm sạt lở. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo rất sát sao các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi, giám sát, khắc phục những thiệt hại cũng như chỉ đạo các tỉnh và địa phương khác có những hành động quyết liệt hơn trong việc theo dõi, giám sát để cảnh báo nhân dân những hiện tượng nguy hiểm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất