| Hotline: 0983.970.780

Phiên thứ 20 Diễn đàn Kết nối nông sản 970

Tạo lập một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản

Thứ Năm 13/01/2022 , 07:48 (GMT+7)

Kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tiến tới tạo lập một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản, là một trong sáu vấn đề chính của phiên diễn đàn sáng 13/1.

 

Sáng 13/1, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 20.

Chủ đề của diễn đàn phiên thứ 20 là "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo.

Cùng dự với Thứ trưởng, còn có ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Nguyễn Anh Dũng - Chi cục trưởng, Chi cục Chế biến và PTTTNS vùng I; và một số lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Diễn đàn còn sự tham gia của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bên cạnh hai điểm cầu chính tại Hà Nội và TP. HCM, diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện Sở NN-PTNT, Chi cục chuyên môn các tỉnh, thành phố như: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp…

Nhiều đại biểu, khách mời các điểm cầu là đại diện các doanh nghiệp/hiệp hội/hội ngành hàng; các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics, các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ… đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tham gia trên nền tảng Zoom Meeting.

Dự kiến, Diễn đàn diễn ra Phiên toàn thể trong buổi sáng, từ 8h, thông qua hình thức trực tuyến. Buổi chiều từ 14h00 - 17h00 sẽ diễn ra Phiên giao thương trực tuyến giữa các nhà sản xuất với các nhà tiêu thụ, chế biến.

Một số nội dung chính được tham luận tại diễn đàn sáng 6/1 gồm: các vấn đề chế biến rau quả mùa vụ; tình hình sản xuất rau quả tại các vùng trọng điểm phía Nam phục vụ chế biến tại chỗ; vấn đề container lạnh, logistics phục vụ xuất khẩu rau quả ứng phó dịch Covid-19.

Hiện nay nhiều nông sản, đặc biệt rau quả các loại ở các địa phương đang bước vào cao điểm thu hoạch chính vụ, và cần đẩy nhanh tiêu thụ để giải toả, giảm thiểu thiệt hại. Ngoài dư địa xuất khẩu lớn, tại thị trường tiêu thụ nội địa, nhu cầu tiêu dùng hàng rau, hoa, quả trong dịp Tết nguyên cũng rất lớn.

Những khó khăn chung do ảnh hưởng của Covid-19 đã hạn chế việc kết nối, lưu thông, tiêu thụ giữa các địa phương, giữa người sản xuất với các các nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng, vấn đề logistics, thông tin thị trường không đầy đủ cũng là một rào cản đối với hoạt động xuất khẩu rau quả nước ta.

Theo dự báo, nhu cầu về lương thực, thực phẩm dịp Tết tăng từ 10-20%.

Theo dự báo, nhu cầu về lương thực, thực phẩm dịp Tết tăng từ 10-20%.

Để kết nối chế biến, tiêu thụ rau quả, các địa phương trọng điểm về sản xuất sẽ trình bày tham luận tại diễn đàn. Qua đó, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, hệ thống phân phối, bán lẻ sẽ tìm giải pháp để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa cho chuỗi liên kết.

Tất cảTổng thuật

11h30

Định hướng, thay đổi nhận thức về chế biến, tiêu thụ rau quả

ong Toan

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phát biểu kết luận diễn đàn.

Kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, diễn đàn sáng 13/1 là phiên làm việc đặc biệt, liên quan tới công tác định hướng, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân liên quan tới chế biến, tiêu thụ rau, quả.

Qua diễn đàn, ông Toản đánh giá diễn đàn sáng 13/1 đã đặt ra những vấn đề cụ thể gồm: Tình hình sản xuất rau quả; Hạ tầng phát triển logistics; Hiện trạng rau quả tại các tỉnh phía Nam; Giải pháp đẩy mạnh chế biến bằng kỹ thuật, hoặc tổ hợp chế biến…

6 vấn đề chính được ông Toản điểm lại là: (1) Thay đổi cách tiếp cận liên quan đến chế biến nông sản bởi tính chất mùa vụ của nông sản Việt Nam. Điều này đặt ra các phương thức liên quan tới quản trị vùng trồng, dựa theo thể chế, cũng như yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Trái cây cần có một giấy khai sinh cụ thể, chi tiết, đầy đủ, minh bạch.

(2) Quản trị chất lượng từ gốc là yếu tố then chốt. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến.

(3) Kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tiến tới tạo lập ra một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản, ngay từ khi bắt đầu vụ gieo trồng. Bên cạnh đó, trước mỗi mùa vụ, các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất, đơn vị logistics… phải ngồi lại, đưa chiến lược rõ ràng, dựa trên những nền tảng số.

(4) Cải tổ thể chế liên quan tới chế biến, từ Luật Trồng trọt, đến mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Hiện Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án chế biến gồm 13 lĩnh vực, cũng như đề án riêng cho rau, củ quả. Các doanh nghiệp chế biến rau, quả trên toàn quốc đã được công khai.

(5) Liên kết chặt chẽ các đơn vị trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, chính quyền địa phương. Những mô hình tốt như Đồng Giao, Nafoods… cần được tuyên truyền, nhân rộng tại nhiều địa phương.

(6) Làm thương hiệu nông sản từ gốc. Việt Nam có thể hưởng lợi từ một loạt các FTA thế hệ mới như RCEP, EVFTA… Nếu xây dựng được bài bản, Việt Nam sẽ đạt được những giá trị bền vững, và ngày một lớn mạnh.

“Chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn, ngặt nghèo hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường hãy giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới. Hy vọng, công nghệ chế biến rau củ quả sẽ chiếm một thị phần ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu đạt 30-40% tổng giá trị”, ông Toản nhấn mạnh.

11h10

Áp dụng sàn thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường và cơ cấu bạn hàng

z3105390305292_2ce6db38e7a88f3a3ac5c39f7c161925

Sản phẩm nông sản Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Tùng, đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam, cho biết, theo thống kê, hiện nay, trên sàn thương mại điện tử Alibaba, các mặt hàng nông nghiệp, nông sản cũng như mặt hàng thực phẩm chế biến là 2 nhóm danh mục mặt hàng được người tiêu dùng, những công ty nhập khẩu thế giới tìm tới các nhà bán hàng, các đơn vị xuất khẩu Việt Nam nhiều nhất.

Qua đó, công cuộc chuyển đổi số nói chung và việc áp dụng thương mại điện tử vào trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ giúp đa dạng danh mục khách hàng. Mỗi năm chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi câu chuyện đóng biên giới, cửa khẩu của thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quy trình sản xuất, giảm dư lượng chất BVTV trên sản phẩm nông sản, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Áp dụng các sàn thương mại điện tử là giải pháp tối ưu hóa nhất về chi phí để các doanh nghiệp Việt Nam bước những bước đầu tiên trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm và tương tác với người mua.

11h00

Thiết lập vùng trồng, xây dựng mô hình quản trị gồm 5 nhà

3651_2-15928993564561457065369

Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được thị trường đón nhận.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần OTAS GLOBAL, chia sẻ về kinh nghiệm giúp tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đưa quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Minh, để đưa được sản phẩm sang được thị trường Nhật Bản cần thiết lập vùng trồng, xây dựng mô hình quản trị gồm 5 nhà: Nông dân, nhà sản xuất, nhà quản lý, HTX và đơn vị giám sát (chính quyền địa phương, ban quản trị vùng trồng), để thống nhất, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc BVTV hợp lý, theo danh mục quy định…

Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa dữ liệu từ việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến thủ tục thông quan hải quan… giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí nhất.

“Khi doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phối hợp với người sản xuất phát triển các vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu”, ông Minh nhận định.

10h50

Đề nghị có hướng dẫn, cơ chế giám sát cơ sở đóng gói, chế biến

nguyen-khac-tien

Ông Nguyễn Khắc Tiến (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, Quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đạt yêu cầu thực phẩm, chất lượng đang là vấn đề được công ty đặc biệt quan tâm.

Ông Tiến nêu thực trạng, là những đơn hàng đầu khi công ty đôn đốc, kiểm tra tại nguồn, thì cơ sở đóng gói làm tốt. Nhưng những đơn hàng sau, chất lượng không còn đảm bảo. Hiện Ameii có nhiều đơn hàng thanh long, nhưng chưa nắm được thông tin về vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói. Ông kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT các tỉnh trồng nhiều thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang hướng dẫn, và có cơ chế giám sát cơ sở đóng gói, chế biến.

“Nếu cơ quan quản lý Nhà nước có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm, cũng như mã số vùng trồng, mã số đóng gói, Ameii sẽ tiếp tục đồng hành và phát triển hơn nữa việc đưa thanh long ra nước ngoài tiêu thụ”, ông Tiến nói.

10h40

Bạn hàng không quá quan tâm đến tiêu chí VietGAP

z3105321547870_422ab38a97d867f6eee0d10929cb9745

Cần tuyên truyền, hướng dẫn, thay đổi tư duy người nông dân về sử dụng thuốc BVTV hợp lý. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), hiện nay chúng ta vẫn đang tập trung giải quyết phần “ngọn” của vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông sản trong khi phần “gốc” là cần giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc BVTV.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần đào tạo, tuyên tuyền, thay đổi nhận thức cho người nông dân. Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các doanh nghiệp mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi”, đại diện Antesco đưa ra ý kiến.

Ông Luận cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa đi theo xu hướng của thế giới là GlobalGAP mà lại tập trung theo tiêu chí của VietGAP, trong khi các bạn hàng không quá quan tâm đến tiêu chí này. Phó Tổng giám đốc Antesco nhận định điều đó là một sự lãng phí cần được tính toán lại.

10h30

- Chúng tôi mong muốn được kết nối với các đơn vị cung cấp vùng nguyên liệu đạt chuẩn tối thiểu GlobalGAP, organic bao gồm trái cây, hàng khô, hạt, đi thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Pháp, Haland, Bắc Mỹ. Vui lòng liên hệ: Nguyễn Quỳnh Hoa, 0862.062.945, Email: nnhuynhhoa@gmail.com; Hoàng Anh, ĐT: 0906.234.874; Email: vh@viet-haus.com

- HTX Bưởi Đoan Hùng rất mong muốn được hỗ trợ trong chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ bưởi (mứt, cùi bưởi nguyên liệu làm chè bưởi, sirô bưởi, rượu tinh dầu bưởi). ĐT: 0397.183.922. www.dacsanbuoidoanhung.com. hoặc htxcongnghecaodoanhung.com

- Công ty Cổ phần Tư vấn kinh tế và phát triển nông thôn Việt Nam sẵn sàng triển khai đầu tư, hỗ trợ máy sấy cho các đơn vị trên địa bàn các tỉnh. Ngoài ra, về vấn đề vốn để đầu tư thiết bị máy móc chế biến thì E&CVN liên kết với Công ty tài chính BIDV SUMI tài trợ cho vay hoặc cho thuê tài chính tối đa 80% giá trị máy móc thiết bị chế biến cho các Doanh nghiệp có nhu cầu. Mọi chi tiết xin liên hệ: - Trần Ngọc Toàn – 0865.992.079 – bqlda98ited@gmail.com; Miền Bắc: Nguyễn Văn Hoàn – 0565.272.868; Miền Nam: Trần La Bình – 0364.114.595.

10h30

Đa dạng phương thức xuất sang Trung Quốc, nhưng vẫn nên ưu tiên đường bộ

xuatkhauthanhlong0611

Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho biết, cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa.

Ông lấy ví dụ về sản phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam, sản phẩm hữu cơ đắt gấp 2-3 lần sản phẩm bình thường. Nhưng do sản phẩm bình thường ít được quan tâm kéo theo các sản phẩm có giá trị cao cũng không thu hút được người mua.

Với thị trường Trung Quốc, ông Thìn nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế về đường bộ hơn hẳn so với các quốc gia khác khi xuất khẩu vào đại lục.

Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho rằng, Việt Nam nên đa dạng phương thức xuất khẩu, bằng cả đường sắt, đường biển, nhưng vẫn nên chú trọng vào xuất khẩu đường bộ, qua cửa khẩu/lối mở biên giới.

Cũng tại diễn đàn, ông Mai Xuân Thìn cung cấp một thông tin liên quan đến thanh long đỏ đông lạnh. Theo đó, một doanh nghiệp Mỹ đã và đang nhập khẩu của Việt Nam mỗi năm tầm 6.000-8.000 tấn thịt quả thanh long đỏ đông lạnh/năm. Một khách hàng của doanh nghiệp này là Starbucks dùng thanh long đỏ cho sản phẩm thức uống Dragon drink.

Do đó, theo ông Thìn, nên dần chuyển đổi về tỉ lệ thanh long đỏ so với thanh long trắng để phục vụ phát triển chế biến, chủ động đưa vào chế biến khi cần.

10h10

Sẵn sàng đảm bảo chất lượng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến

thanh long

Thanh long là một trong hai loại nông sản có sản lượng lớn nhất tỉnh Bình Thuận.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết: Hiện nay, thanh long và điều là hai loại nông sản có sản lượng lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Đối với điều, diện tích hơn 17.000 ha, công tác chế biến, xuất khẩu tương đối ổn định, chưa có nhiều khó khăn. Trái lại, thanh long đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 110 cơ sở chế biến thanh long, tuy nhiên chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế. Các mặt hàng chế biến chủ yếu là thanh long sấy khô, dẻo, kẹo, nước ép… Năng lực chế biến đạt khoảng 25%/năm tổng sản lượng (tương đương 600- 700.000 tấn).

Với thực tế đó, Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho các HTX, hộ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mối liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, HTX và người sản xuất còn lỏng lẻo nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Trên cơ sở đó, ông Tấn bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ Bình Thuận trong công tác xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đồng hành với người nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững.

Về phía tỉnh Bình Thuận, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, người sản xuất trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có chính sách để phát triển các vùng nguyên liệu, sẵn sàng đảm bảo mọi tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp chế biến.

9h50

Cần cuộc cách mạng trong chế biến, xuất khẩu hoa quả

nafoods-group-tu-bo-vuc-pha-san-den-muc-tieu-doanh-nghiep-ti-do-145724_20201015_212

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods.

“Tôi rất tâm đắc câu chuyện Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt ra. Thời gian vừa rồi, Bộ thành lập nhiều đoàn để chủ trì việc tiêu thụ nông sản. Trong khủng hoảng, chúng ta có giải pháp quyết liệt để tiêu thụ cho bà con nông dân là điều rất tốt. Tuy nhiên, tôi cũng trăn trở trước câu hỏi của Thứ trưởng: Làm sao phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản Việt? Làm sao tránh việc Bộ cứ thi thoảng phải xử lý khủng hoảng?”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods, phát biểu.

Ông Hùng cho biết Nafoods cũng hòa mình vào cái chung của các doanh nghiệp sản xuất, chung tay xử lý việc ùn ứ ở cửa khẩu. Doanh nghiệp này mỗi ngày tiêu thụ 500-600 tấn thanh long, xoài tại các nhà máy chế biến ở khắp 3 miền đất nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Nafoods cũng nêu vấn đề về “sản lượng nguyên liệu nhiều thì nhà máy chế biến rất mừng”, song câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật vẫn là thách thức. “Chúng tôi vẫn đang tích cực xử lý, hoặc đưa vào thị trường dễ tính hơn”.

Phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững

Trong phần nêu giải pháp để trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Hùng cho biết nếu nói về chuỗi, thường nói đến 4 mắt xích: giống, vùng trồng, sản xuất – logicstic, tiêu thụ.

Về giống, Chủ tịch HĐQT Nafoods mong muốn Bộ NN-PTNT hạn chế nhập khẩu với những giống mà doanh nghiệp trong nước đã chủ động. “Nafoods đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm nên giống chanh leo thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi mong rằng các địa phương cần quản lý chặt chẽ với các đơn vị nhỏ lẻ làm giống giả. Đây là việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Không thể để việc một hộ chỉ bỏ ra vài chục triệu để làm giống giả, rồi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu”.

Đề cập tới mong muốn của Thủ tướng về việc Việt Nam lọt vào Top 10 nước chế biến, xuất khẩu nông sản hàng đầu, ông Hùng nói cần đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về vùng trồng. “Tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi. Cần truyền thông để thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn”.

Ông Hùng nói gần như “Trung Quốc đã bao hết thanh long”, doanh nghiệp nước bạn yêu cầu phun thuốc gì thì phun, nông dân không biết. Đây là vấn đề cần đặt ra với cơ quan quản lý.

Về truy xuất nguồn gốc, Nafoods khẳng định đơn vị này đã đi tiên phong. Còn về việc xây dựng nhà máy chế biến, ông Hùng kiến nghị Bộ NN-PTNT cũng như Cục Chế biến Phát triển thị trường nông sản cho doanh nghiệp vay ưu đãi bằng vốn từ ngân sách.

“Một vấn đề khác tôi cũng xin đề cập, bởi hôm nay có nhiều địa phương đang tham dự hội nghị. Thực tế là có những nhà máy chỉ hoạt động được 30%. Nafoods đầu tư liên tục, mở rộng. Hiện chúng tôi chuẩn bị đầu tư 1.000 tỷ để mở rộng đầu tư nhà máy giai đoạn 2 ở Long An. Ở Tây Nguyên do Covid-19 nên chưa khởi công, nhưng trong đầu năm nay chúng tôi sẽ khởi công ở Pleiku một nhà máy đóng gói, chế biến trái cây, đặc biệt là chanh leo”. Tại Tây Ninh, Nafoods đang chủ trì cùng tỉnh này quy hoạch khu công nghệ cao 1.800ha.

Về logicstic, Nafoods đang phối hợp với một đối tác Nhật Bản, cung cấp thiết bị gắn vào container lạnh để tăng thời gian bảo quản lên 30-40 ngày.

“Chúng tôi cũng mạo muội đề xuất với lãnh đạo Bộ và các địa phương về kinh phí xúc tiến thương mại. Đề nghị Bộ có thêm ngân sách để xúc tiến thương mại , đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam. Hiện chúng ta làm cũng đã có tiến triển, nhưng nhìn sang Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc thì vẫn hơi buồn. Ví dụ ở Dubai, chúng tôi muốn đăng ký 40m2 nhưng chỉ được 9m2 thì thật sự rất khó làm. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, nhưng mong các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện hơn”.

Văn hóa kinh doanh là vấn đề cuối cùng mà lãnh đạo cao nhất của Nafoods đề cập. Ông Hùng nêu mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý các hiệp hội, tránh việc tranh mua tranh bán.

“Doanh nghiệp phải nắm tay nhau như ở Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Tôi lấy ví dụ, Nafoods với Đồng Giao đang bán chanh leo cô đặc với giá 4.500đ, song có doanh nghiệp nhỏ vừa ra mắt đã rao giá 4.000đ. Sản lượng của họ ít, thậm chí là không có. Song khách hàng dựa vào đó ép giá chúng tôi. Mà khi bị mất đầu ra, chúng tôi buộc phải mua của nông dân với giá thấp hơn. Thiệt hại theo chuỗi như thế là điều rất đáng buồn”.

Kết thúc phần tham luận, ông Hùng cam kết tiếp tục đầu tư ở các địa phương, song hành với nông dân để tiêu thụ, chế biến nông sản.

9h40

Đồng Nai xây dựng hai cụm chế biến sâu cho nông nghiệp

chuoi_01

Đồng Nai hiện có 13.000 ha chuối, cho sản lượng hơn 200.000 tấn (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh thuộc mức trung bình so với khu vực ĐBSCL. Cụ thể, Chuối - 13.000 ha, sản lượng hơn 200.000 tấn; Xoài - 12.000 ha, sản lượng 180.000 tấn. Địa bàn tỉnh có 46 mã số đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, New Zealand…, đồng thời có 131 đơn vị chế biến được cấp chứng nhận.

Thời gian qua, tỉnh có nhiều phương án chủ động tiêu thụ nông sản cho người dân ở các vùng sản xuất tập trung bằng cách liên kết 177 HTX nông nghiệp, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con.

“Các khâu đầu vào sản xuất của người dân được quan tâm từ sớm. Hiện tỉnh đang xây dựng hai cụm chế biến sâu cho nông nghiệp, với diện tích khoảng 100 ha, tại huyện Cẩm Mỹ và Định Quán”, ông Thắng nói.

Đồng Nai có nhiều sản phẩm được đánh giá cao, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường như hành, gia vị… Qua diễn đàn, ông Thắng đề nghị các đơn vị quan tâm và tạo điều kiện kết nối, tiêu thụ cho nông sản Đồng Nai.

9h30

Xây dựng trung tâm kết nối thông tin thị trường để kiểm soát tốt hơn

Dưới góc độ là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit (Công ty Vinamit) Nguyễn Lâm Viên (ảnh) cho biết, năm 2021, có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 cá nhân của Việt Nam và 3 cá nhân Trung Quốc.

“Điều đó cho thấy, đây là cuộc chơi mang tính cá nhân của các thương nhân, thương lái Việt Nam và Trung Quốc. Nếu chúng ta không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin, tình hình diễn biến thị trường”, ông Nguyễn Lâm Viên nhận định.

Theo đó, đại diện Công ty Vinamit cho rằng, để xây dựng những đầu mối trong nước kết nối thông tin thị trường Trung Quốc bằng đường biên mậu, thậm chí theo đường chính ngạch, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng. Bên cạnh đó, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển sang chính ngạch là việc rất khó khăn.

“Hiện nay, các thương nhân Việt Nam sẽ đứng ra làm điểm thu mua và bán sang biên giới. Nếu không bán được sang biên giới thì họ sẽ không bán được cho ai khác. Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ bị o ép, khó khăn nhưng bắt buộc vẫn phải đi. Chưa kể đi chính ngạch sẽ bị áp thuế VAT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần”, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit phân tích.

Theo đó, ông Viên đề xuất các địa phương cần xây dựng, đầu tư nâng cao năng lực sơ chế, chế biến. Vấn đề cối lõi là kết nối thị trường nên rất cần có những trung tâm tiếp nhận thông tin sau đó phân bổ cho các vùng trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng cũng như kiểm soát thị trường.

9h20

Cần có kế hoạch cụ thể đàm phán, thỏa thuận, hợp đồng nếu muốn container lạnh

Ông Lê Duy Hiệp (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam chia sẻ: Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cần phải có thời gian vì liên quan tới rất nhiều vấn đề như thủ tục thông quan, Logistic… Hiện nay, trong vấn đề xuất khẩu, chúng ta đang thiếu một số vấn đề so với các nước trên thế giới như: Chuyển dần sang đường biển; xây dựng trung tâm bảo quản, sơ chế tại nguồn; cải tiến công nghệ quản trị sau thu hoạch (làm lạnh, làm sạch, phân loại, đóng gói).

Về vấn đề vận tải, hiện có trên 30 hãng tàu, trong đó có 20 hãng tàu phục vụ khu vực nội vùng châu Á, còn lại là các tàu chạy tuyến xa như Mỹ, châu Âu… Tuy nhiên, các hãng tàu này nắm tới 96-97% thị phần vận tải quốc tế, nhất là container, nên các đơn vị xuất khẩu vẫn đang phải phụ thuộc vào những hãng tàu này.

Cũng theo ông Hiệp, vỏ container lạnh thuộc sở hữu của các hãng tàu. Do đó, các đơn vị có nhu cầu sử dụng cần có kế hoạch cụ thể, đàm phán, thỏa thuận, hợp đồng với hãng tàu mới được cung cấp dịch vụ.

Một thực tế hiện nay là vỏ lạnh container đang mất cân đối giữa nhập khẩu từ nước ngoài về và xuất khẩu từ Việt Nam đi. Muốn xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi các nước phải chuyển rỗng container lạnh từ nước ngoài về, trong khi việc này chi phí lớn mà các hãng tàu phải chi trả, do đó số lượng container lạnh sẽ ít hơn so với nhu cầu. Bên cạnh đó, để có được vỏ container lạnh cần thời gian và tốn rất nhiều chi phí.

9h10

Gia Lai: Không ảnh hưởng nhiều bởi thị trường Trung Quốc

Dua180512

Gia Lai có khoảng 1.600 tấn dưa hấu bị ảnh hưởng do không xuất được sang Trung Quốc (Ảnh minh họa).

“Toàn tỉnh hiện có 800.000ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm hơn 500.000 ha. Đến thời điểm này, Gia Lai đã thu hoạch tương đối. Sản lượng rau quả hàng năm của tỉnh là hơn 10.200 tấn, thị trường chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết.

Nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc ùn tắc ở cửa khẩu với Trung Quốc là dưa hấu. Theo ông Có, giá dưa hấu bình quân tại ruộng là 2.000-3.000đ/kg. Gia Lai có khoảng 1.600 tấn dưa hấu bị ảnh hưởng do không xuất được sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Sở đã sớm phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị vào cuộc tháo gỡ khó khăn.

Nông sản chủ lực khác của tỉnh là thanh long, từ nay đến tết dự kiến hơn 3.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Trong tình hình hiện tại, Gia Lai đã chủ động liên kết với các siêu thị nên “không gặp nhiều khó khăn”.

8h50

Thay đổi tư duy để xuất khẩu đường biển đạt hiệu quả

z3105041701292_8fda5c588307e9c9bc84bb475e78b386

Tháng 12/2021, Việt Nam xuất khoảng 4.000 container lạnh từ TP. HCM đi Trung Quốc. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN.

Phát biểu những giải pháp tháo gỡ vấn đề container lạnh, logistics phục vụ xuất khẩu rau quả ứng phó dịch Covid-19, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tập trung ở Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai. Ưu điểm của việc xuất khẩu qua đường bộ là phù hợp với số lượng nhỏ, cơ động, từ nhà vườn lên thẳng biên giới. Nhược điểm là năng lực thông quan thấp, dễ bị ùn tắc khi vào chính vụ.

“Do chính sách điều tiết biên mậu của Trung Quốc nên một số loại nông sản tập trung vào cửa khẩu phụ Tân Thanh, Lạng Sơn mặc dù có thể đi cửa khẩu quốc tế. Việc ùn tắc hiện nay do tác động kép - trái cây vào vụ và Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng hóa để phòng chống Covid-19”, ông Trần Thanh Hải nêu vấn đề.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đối với đường biển, Việt Nam xuất hàng hóa, nông thủy sản cần sử dụng container lạnh. Ngược lại, nhập hàng khô từ Trung Quốc bằng container thường nên gây ra mất cân đối, thiếu vỏ container lạnh, bắt buộc phải nhập vỏ container lạnh rỗng từ Trung Quốc hoặc từ những nơi khác về.

Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển bằng container lạnh đòi hỏi phải có ổ cắm điện trên tàu cũng như ở cảng, bãi để duy trì nhiệt độ thấp. Khi nhu cầu xuất khẩu cao, số lượng ổ cắm điện sẽ không đủ để đáp ứng. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán theo hướng lâu dài.

Ông Trần Thanh Hải thông tin, tháng 11/2021, Việt Nam xuất khoảng 1.400 container lạnh từ TP. HCM đi Trung Quốc. Tháng 12/2021 tăng lên trên 4.000 container.

“Nhu cầu vận chuyển dịch chuyển đến từ việc ùn tắc đường bộ nên các doanh nghiệp chuyển sang đường biển. Đó là tín hiệu rất mừng vì các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm chuyển sang đường biển. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của vận tải biển trên toàn thế giới, các chủ tàu thường ưu tiên hàng khô hơn hàng lạnh vì hàng khô giá trị cao hơn, lại không phải bảo quản nghiêm ngặt như hàng lạnh”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Còn đối với xuất khẩu đường sắt đi Trung Quốc, từ tháng 2/2020, đường sắt Việt Nam đã khai thác tàu container lạnh liên vận quốc tế từ ga Yên Viên lên ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường. Bình quân mỗi tháng vận chuyển được 100 container, có tháng đạt 180-200 container.

Ông Hải cho biết, dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, các mặt hàng của Việt Nam đều phải đáp ứng được những yêu cầu từ phía Trung Quốc. Đó là vấn đề về: An toàn thực phẩm; Kiểm dịch thực vật; Truy xuất nguồn gốc (vùng trồng, cơ sở đóng gói); Đóng gói, nhãn mác.

Theo đó, để có thể chuyển đổi xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển một cách hiệu quả, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, người nông dân cũng như người tiêu dùng Việt Nam cần thay đổi tư duy, từ bỏ thói quen để tiêu thụ ổn định, giảm bớt rủi ro.

“Bên cạnh đó phải thay đổi khách hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng. Thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt đã khai thác tốt đường biển, nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ. Để mở tuyến hoặc nâng cấp tuyến hiện có đi Trung Quốc, hãng tàu cần có sự cam kết ổn định về lượng hàng”, ông Trần Thanh Hải nói.

Ông Hải cho rằng các địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động trong thông tin, hướng dẫn cho nông dân và thương lái để thay đổi phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro. Bên cạnh đó, cần kết nối từ sớm, từ xa. Quy hoạch các kho lạnh, kho mát cho nông sản.

“Đây là lúc để nông dân, thương lái, doanh nghiệp quyết định thay đổi. Và Covid-19 là một áp lực, một chất xúc tác cho quá trình thay đổi này”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

8h50

- Công ty Gatelink Việt Nam, chuyên về các giải pháp vận chuyển, kho bãi và xuất nhập khẩu hàng nông sản ra thị trường quốc tế, hy vọng có thể đồng hành, kết nối với nhà nông, công ty chế biến và xuất khẩu nông sản trên toàn quốc. Zalo: 0979 431 602 (Miley Nguyễn).

8h45

Sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ

z3104923173581_ea282e28ca37c55c097a96f5346bf791

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đề xuất phương án quy hoạch theo tiểu vùng để giải quyết một cách căn cơ việc tiêu thụ mít.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng Quý I hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong Quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến. Riêng Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.

Về cây ăn quả, thanh long là cây cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Sau đó là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn). So với khu vực phía Bắc, lợi thế của phía Nam là cho cây ăn quả, rau quanh năm.

Về cơ cấu, sản lượng cây ăn quả ở ĐBSCL chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam. Nhưng khu vực này còn ít cơ sở chế biến, và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

“Suốt một tuần qua, Cục Trồng trọt liên tục cập nhật, theo dõi sản lượng các loại cây ăn quả. Đề nghị các tỉnh phía Nam theo dõi, để chủ động liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Tùng nói.

Trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Ông Tùng cũng nhận định, sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ. Để giải quyết việc tiêu thụ một cách căn cơ, lãnh đạo Cục Trồng trọt đề xuất phương án quy hoạch theo tiểu vùng.

Lấy ví dụ về cây mít, ông Tùng nêu, ĐBSCL có sản lượng chiếm khoảng 80%. Do đó, những tiểu vùng khác có thể chuyển cây trồng khác, thay vì tập trung vào mít. Liên quan tới áp lực tiêu thụ trái cây, ông Tùng cho rằng khó ước tính nhu cầu tiêu dùng trong nước, bởi sở thích, tập quán, và thói quen tiêu dùng của người dân. Một vấn đề nữa, là sản lượng cây ăn quả ở miền Nam rất lớn, thời gian bảo quản hạn chế.

“Trái cây của Việt Nam hiện thiếu đồng đều, cả về chất lượng lẫn kích thước. Bên cạnh các vấn đề liên quan tới kiểm dịch thực vật, cũng như an toàn thực phẩm, người sản xuất phải nắm chắc yêu cầu của doanh nghiệp liên kết, cũng như thị trường xuất khẩu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Một số đề xuất của Cục Trồng trọt cho các tỉnh phía Nam là: (1) dự báo sản lượng, chất lượng, đồng thời đánh giá, cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói; (2) xây dựng kết hoạch tiêu thụ; (3) kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất; (4) đẩy mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu.

“Để tránh rơi vào tình trạng chữa cháy như thời gian qua, sau khi trái cây đã thu hoạch, các cơ quan quản lý Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng”, ông Tùng kết luận.

8h30

Tăng cường kết nối sản phẩm đầu vào chế biến nông sản đạt chuẩn

ong nguyen quoc toan

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản phát biểu tại điểm cầu báo Nông nghiệp Việt Nam.

“Năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức 'trung bình tiên tiến'. Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%. Đây là vấn đề cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả trong phiên diễn đàn hôm nay”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết trong phần mở đầu phát biểu.

Ông Toản cho rằng vai trò chủ lực để giải quyết vấn đề này nằm ở các doanh nghiệp, hiệp hội. Về phía người sản xuất, thì mấu chốt nằm ở việc nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn. Đề cập vấn đề ở quy mô rộng, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng hiện Việt Nam đã kiểm soát được tính chất mùa vụ.

“Vấn đề đặt ra là quả tươi đi vào đâu, vùng chuyên canh phục vụ chế biến ở đâu, như thế nào. Ví dụ như quả cam ở Cao Phong, Hòa Bình là để dùng tươi. Quan điểm về hoa quả chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm. Đơn cử như Nafoods, đơn vị này chế biến nhiều loại quả sấy khô, sấy dẻo, yêu cầu cao về mặt đầu vào”, ông Toản thông tin.

Theo thống kê của Cục, trong 3-4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ 2018-2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều rau củ quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại. Ông Toản khẳng định để gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, chỉ có duy nhất con đường xuất khẩu chính ngạch.

“Chúng ta đều đã thấy việc ùn tắc ở cửa khẩu thời gian qua. Câu chuyện về chi phí đường bộ, chi phí bảo quản, rồi thì chuyện ‘làm luật’, báo chí đã phản ánh rất nhiều. Do đó, khâu chế biến, thiết lập chuỗi liên kết, xuất khẩu chính ngạch là rất quan trọng”, ông Toản nhấn mạnh.

Một số vấn đề còn tồn tại được Cục chỉ ra là tỷ lệ chế biến còn thấp. “Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến. Tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo”, ông Toản dẫn chứng.

Theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản, vấn đề thứ hai cần nhắc tới là công suất nhà máy chế biến mới 60%, do không đủ nguyên liệu. “Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trực tiếp chỉ đạo vùng nguyên liệu để đáp ứng cho vùng chế biến, đa dạng hóa mô đun chế biến. Mô hình của Đồng Giao ở Ninh Bình đa dạng từ chuối, dứa... nên thành công nhiều năm qua”.

Ông Toản cho biết Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết đặc thù cho TP. Cần Thơ; trong đó có nội dung xây dựng cụm liên kết chế biến bảo quản nông sản vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ, đảm bảo kết nối vùng nguyên liệu và đường đi của sản phẩm.

8h20

Thay đổi tư duy trong tiêu thụ nông sản

547-9281-1641792399

Xe hàng đỗ tại khu vực cầu Bắc Luân 2 những ngày đầu tháng 1. Ảnh: Bình Minh/VnExpress.

Mở đầu diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ: Sáng 13/1, Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long của Việt Nam. Đây là một thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý các doanh nghiệp, trong bối cảnh nhiều loại nông sản của Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, sản lượng có nhu cầu tiêu thụ là rất lớn, các doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ với các đơn vị chức năng ở các cửa khẩu để nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình, điều tiết xe lên cửa khẩu xuất đi Trung Quốc một cách hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ, thiệt hại sẽ rất lớn.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả ăn tươi, mà không tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, Bộ NN-PTNT đã triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Bên cạnh đó, hiện nay các nhà máy chế biến rất cần và thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người sản xuất lâu dài, bền chặt, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, HTX,… mới có thể đảm bảo gia tăng giá trị cho các sản phẩm. Bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm của mình vào các nhà máy chế biến.

Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Nam, việc làm đầu tiên là phải chuyển biến về mặt tư duy nhận thức trong chế biến các mặt hàng nông lâm sản. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào xuất khẩu thô mà quan tâm nhiều hơn đến việc đưa các sản phẩm vào chuỗi liên kết chế biến. Trên cơ sở những ý kiến, góp ý, kiến nghị từ các đơn vị trong diễn đàn, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu để ban hành những chính sách đích đáng, giúp công tác tiêu thụ thuận lợi nhất.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất