| Hotline: 0983.970.780

Xóa tư cách xuất khẩu sang Trung Quốc những doanh nghiệp làm ăn gian dối

Thứ Sáu 09/12/2022 , 17:56 (GMT+7)

Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu...

Gần 2.500 mã sản phẩm được cấp phép xuất sang Trung Quốc

Ngày 7/12, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) - Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, 249.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, sau gần 1 năm Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến ngày 5/12/2022, 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Empty

Sau gần 1 năm Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến ngày 5/12/2022, 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...

Thông tin về thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân.

“Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”, đại diện Cục BVTV thông tin.

Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và có sự thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể, phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; Ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống, hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, việc triển khai đáp ứng hai Lệnh 248, 249 trong 1 năm vừa qua đã cơ bản thỏa mãn được yêu cầu từ phía Trung Quốc. Những khó khăn, vướng mắc đều được Văn phòng SPS Việt Nam nhanh chóng kết nối với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ.

Empty

Ông Lê Thanh Hòa nhận định, việc triển khai đáp ứng hai Lệnh 248, 249 trong 1 năm vừa qua đã cơ bản thỏa mãn được yêu cầu từ phía Trung Quốc.

"Lệnh 248 không điều chỉnh việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Phía Trung Quốc không yêu cầu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hoa quả tươi, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam và Trung Quốc phải đăng ký và phải có mã số mới được cấp phép. Phía bạn chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, khi làm thủ tục kiểm dịch ở phía Trung Quốc thì hàng hóa trên bao bì nhãn mác phải rõ ràng thông tin, có mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng", ông Lê Thanh Hòa thông tin.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý thêm, đầu mối quản lý xuất khẩu hoa quả nhiệt đới sang Trung Quốc là Cục BVTV, do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất và Cục BVTV để cấp và quản lý được mã số khoa học, minh bạch. Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu. Bên cạnh đó, tất cả sản phẩm thực phẩm phải đăng ký thông qua cơ quan quản lý Nhà nước từ phía Việt Nam, mới đủ điều kiện để xuất đi Trung Quốc.

Theo ông Hòa, sắp tới, phía bạn sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp, bản thân các đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời để đảm bảo theo những yêu cầu từ phía bạn.

"Từ nay đến 30/6/2023, nếu doanh nghiệp nào được phép đăng ký trực tiếp phải chủ động cập nhật các hồ sơ, nếu trong trường hợp chưa đủ năng lực có thể thông qua các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ việc đăng ký. Các hồ sơ nên dịch ra tiếng Trung Quốc sẽ rất thuận lợi cho phía Hải quan Trung Quốc xem xét sau này", ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Công nghệ sinh học, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, nỗ lực của Văn phòng SPS Việt Nam trong thời gian qua trong việc triển khai Lệnh 248, 249 là một tiêu biểu cho sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trước diễn biến mới về yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Liên quan đến hoạt động đăng ký, giới thiệu xuất khẩu đối với doanh nghiệp thuộc 3 nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, ngay khi nhận được hướng dẫn của Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ đã ban hành hướng dẫn tới Sở Công thương của 63 tỉnh thành. Trên cơ sở doanh nghiệp đăng ký, cơ quan quản lý địa phương sẽ tập hợp hồ sơ, kiểm tra và báo cáo về Bộ. Từ đó, Bộ Công thương sẽ xác nhận việc đáp ứng và giới thiệu đăng ký với phía Trung Quốc.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.