| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/12/2022 , 09:37 (GMT+7)
Hoàng Anh

Hoàng Anh

Nhà báo 09:37 - 08/12/2022

Thực phẩm bẩn, phải có ai đó chịu trách nhiệm đi chứ?

Vụ việc 665 ca ngộ độc thực phẩm liên quan Trường iSchool Nha Trang trong đó khiến một học sinh lớp 1 tử vong chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm thực phẩm bẩn.

Trong một hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức, vấn đề ngộ độc thực phẩm tiếp tục được gióng lên những hồi chuông cảnh báo.

Chỉ trong vòng vòng 10 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 77 vụ ngộ độc thực phẩm, với số ca mắc là 1.900 người. Các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu do căn nguyên từ yếu tố tự nhiên (26 vụ), do vi sinh vật (29 vụ), do hóa chất (3 vụ)…

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, 11 người tử vong...

Gần như đã thành thông lệ thường niên, cứ mỗi dịp cuối năm, vấn đề thực phẩm bẩn lại được “xới xáo” lên để cảnh báo, để ra quân thanh kiểm tra, đẩy mạnh truy quét… Thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn nhức nhối năm này qua năm khác, là mối đe dọa thường trực của bất cứ ai, bất cứ gia đình nào. Và nhân dân dường như cũng đã quá quen với giai đoạn cao điểm tổng tấn công thực phẩm bẩn đến hẹn lại lên. Quen luôn với “quy trình” sau khi xảy ra một vụ việc đau lòng ở đâu đó thì một loạt cơ quan quản lý bắt đầu ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập đoàn liên ngành, thắt chặt kiểm tra…

Có một chuyên gia xã hội học trong những buổi trà dư tửu hậu với chúng tôi vẫn thường gợi mở, dư luận chúng ta cứ thấy vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là rộ lên chửi rủa, lên án đám con buôn vô lương tâm mà ít khi nghĩ về trách nhiệm của những người làm công tác quản lý.

Tức là quan tâm phần ngọn mà không bản chất sâu xa phần gốc nó như thế nào. Đó là công tác quản lý vẫn còn nặng kiểu phong trào, xong tết đâu lại vào đấy, vẫn còn chạy theo xã hội, chạy theo dư luận, vụ việc rộ lên một thời gian rồi lại thôi… 

Phân tích rồi tự hỏi, liệu chúng ta còn quản lý theo kiểu “chạy theo” như vậy đến bao giờ? Phải có ai đó phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này đi chứ?

Tất nhiên, trước hết phải khẳng định rằng chúng ta không thể phủ nhận những chiến tích trong cuộc chiến chống lại vấn nạn thực phẩm bẩn những năm qua. Nhưng với tiêu chuẩn đời sống ngày một nâng cao đồng nghĩa với nhu cầu an toàn của nhân dân ngày càng phải được đảm bảo. Đáng buồn thay, mở từng trang báo hay lên mạng xã hội có thể dễ dàng bắt gặp thông tin về tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ở khắp mọi nơi.  

Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm hết thời hạn sử dụng, thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn… Chỉ mới đây thôi, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lên tới hơn 90 tấn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh.

Hãy khoan nói về nguy cơ đối với người tiêu dùng sẽ tai hại như thế nào nếu số thực phẩm trên được buôn bán trót lọt, hãy nghĩ xem công tác quản lý như thế nào mà để một kho thực phẩm bẩn khổng lồ như thế hoạt động ngay ở giữa Thủ đô?

Về những con số thống kê, tại Hà Nội, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2022 đã có 699 đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra được 16.294 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn đường phố. Trong đó đã phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.140 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,2 tỉ đồng…

Tại TP Hồ Chí Minh, trong vòng 6 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố xác định công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm các cấp luôn là tiêu chí quan trọng. Qua đó, đã tổ chức tổng số đoàn kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm từ Thành phố đến quận, huyện và phường, xã, thị trấn với 488 cuộc.

Trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia 394 cuộc, phát hiện 14.472 cơ sở vi phạm, tổng số tiền do các cơ quan chuyên môn xử phạt là hơn 64,3 tỉ đồng, buộc tiêu hủy sản phẩm tại 5.808 cơ sở, buộc ngừng hoạt động là 120 cơ sở…

Đó thực sự là những con số nếu nhìn sơ qua sẽ thấy khá quyết liệt, ấn lượng, tuy nhiên vẫn chẳng là gì so với mối đe dọa khủng khiếp mà thực phẩm bẩn đang ám ảnh người dân mỗi ngày. Hầu hết trong các báo cáo tổng kết hay kiến nghị của các địa phương đều nêu khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là chế tài chưa hoàn thiện, lực lượng chấp pháp mỏng… Rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân về vấn nạn này.

Trở lại với vụ việc ở Trường iSchool Nha Trang, mới đây Trung tâm Y tế Nha Trang đã có báo cáo, sau khi nhận được thông tin có vụ ngộ độc thực phẩm, sáng 18/11 đoàn kiểm tra thành phố đã tổ chức phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Công an Môi trường tỉnh Khánh Hòa làm việc với ban giám hiệu trường học và tiến hành kiểm tra tại bếp ăn bán trú của trường.

Kết quả của Viện Pasteur Nha Trang thể hiện, có 3 loại vi khuẩn được phát hiện qua xét nghiệm mẫu cánh gà chiên là Salmonella spp, Escherichia coli và Bacillus cereus. Trong đó, Bacillus cereus - chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu - còn có trong mẫu nước mắm.

Theo lời khai của người giám sát và nhân viên bếp, nguyên liệu cánh gà được nhập chiều 16/11, sau khi nhập hàng, thực phẩm còn nguyên thùng được để trên bàn trong khu vực bếp đến sáng hôm sau thì chế biến món ăn. Khoảng 7h30 - 8h sáng 17/11, mở thùng nguyên liệu thấy cánh gà chưa rã đông, nhân viên bếp ngâm trực tiếp thực phẩm trong thau nước để rã đông, sau đó luộc sơ rồi chiên.

Trung tâm Y tế Nha Trang, "việc thực phẩm chưa rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển gây nhiễm khuẩn thức ăn".

Từ những thông tin kết luận ban đầu vụ việc ở iSchool Nha Trang có thể thấy nguy cơ thực phẩm bẩn ngày càng tấn công vào trường học, bếp ăn tập thể một cách tinh vi và rất khó để phát hiện bằng mắt thường. Có ai dám chắc mỗi bữa ăn hàng ngày của học sinh, cán bộ công nhân viên ở các bếp ăn tập thể đang an toàn?

Chắc chắn sẽ không có ai nếu công tác quản lý của chúng ta vẫn cứ đi sau và trách nhiệm người đứng đầu chưa được xem xét, xử lý thỏa đáng.  

Bình luận mới nhất