| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 24/02/2023 , 12:22 (GMT+7)
Hoàng Anh

Hoàng Anh

Nhà báo 12:22 - 24/02/2023

Vĩnh Phúc và những bài học kinh nghiệm xuyên nhiệm kỳ

Từ nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ này, Vĩnh Phúc đều có những vi phạm, khuyết điểm, tồn tại hạn chế bị chỉ ra.

Còn nhớ ở các nhiệm kỳ trước, chính xác là nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Đã có những tập thể, cá nhân trong các nhiệm kỳ đó chịu những hình thức kỷ luật của Đảng và tưởng rằng sẽ là những bài học đắt giá để nhiệm kỳ sau có thể rút kinh nghiệm nhưng mới đây, tại Kỳ họp 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại tiếp tục chỉ ra những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ đương nhiệm.

Cụ thể, xem xét kết quả giám sát ở Vĩnh Phúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ghi nhận những ưu điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất; thực hiện các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiên quyết xử lý, để một số tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị và thực hiện một số dự án.

Vẫn là những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến quy hoạch, quản lý sử dụng đất và phát triển đô thị, thực hiện các dự án. Điều đó có nghĩa là những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ cũ lại tái diễn. Vì sao vậy?

Trước hết không thể phủ nhận những thành tựu nổi bật và dấu ấn rõ nét về nhiều mặt trong các nhiệm kỳ của tỉnh Vĩnh Phúc.

Đặc biệt là phát triển kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây giúp Vĩnh Phúc nằm trong tốp các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước. GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc.

Kết thúc năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã xác lập kỳ tích mới, vượt mốc 40.000 tỷ đồng, vượt xa số thu ngân sách dự toán được giao (trên 33.100 tỷ đồng). Đây là năm số thu ngân sách của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay, khẳng định quyết tâm, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân Vĩnh Phúc.

Đó là những con số rất đáng để tự hào, tuy nhiên, song hành với sự phát triển đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đối mặt với nhiều vấn đề, tồn tại, đặc biệt liên quan đến vấn đề đất đai. Hàng loạt diện tích đất lúa bị thu hồi làm các dự án đô thị, bất động sản; những nhức nhối, tồn tại trong quản lý đất công dẫn đến nhiều hành vi vi phạm.  

Điển hình như vụ việc quản lý đất công mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh. UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao hơn 240 ha đất cho Công ty TNHH Kim Long và Công ty TNHH Nhân Nghĩa tại các phường Liên Bảo, Khai Quang, xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên và xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương.

Sau một thời gian phát triển sản xuất không thực sự hiệu quả, trên diện tích đất này đã xảy ra hàng loạt những hiện tượng chiếm đất để xây dựng các công trình, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng không đúng mục đích... Những vi phạm diễn ra suốt thời gian rất dài, ngày càng phức tạp, các cơ quan Trung ương chỉ đạo xử lý tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Hay việc thu hồi đất lúa, đất rừng làm các dự án bất động sản, xây dựng sân golf quanh các khu vực hồ Đầm Vạc, hồ Đại Lải… mặc dù được tạo điều kiện thu hút đầu tư tối đa nhưng lại xảy ra nhiều vấn đề nhức nhối.

Đơn thư khiếu kiện kéo dài, người dân phản đối dự án và buộc chính quyền phải nhiều lần tổ chức cưỡng chế. Trong khi đó, những vấn đề an sinh xã hội, các dự án sát sườn với nhu cầu, nguyện vọng bức thiết của người dân như cấp thoát nước, xử lý nước thái sinh hoạt ở khu vực đô thị, xây dựng nghĩa trang nhân dân, xử lý rác thải nông thôn… lại còn rất bất cập.

Đơn cử như Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc là dự án vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 220 triệu USD, trong đó vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD. Trải dài dọc theo sông Phan trên địa bàn 7 huyện, thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 478,6 ha. Cuối tháng 9 năm 2018 dự án được khởi công với kỳ vọng khi hoàn thiện sẽ có thể kiểm soát tình trạng ngập úng, quản lý tốt nguồn nước, ổn định sản xuất và đời sống cho hơn nửa triệu người dân sinh sống xung quanh khu vực dự án.

Mặc dù vậy, sau hơn 5 năm triển khai, mặc dù thời gian Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới cho dự án đã kết thúc từ năm 2021 nhưng siêu dự án ODA ở Vĩnh Phúc vẫn là mớ bòng bong.

Hoặc Dự án Phát triển đô thị xanh có tên đầy đủ là "Chương trình Phát triển các đô thị loại II - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc” có tổng mức đầu tư là 2.234,6 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vay vốn ODA, OCR, vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh Vĩnh Phúc bố trí theo quy định…

Đó đều là những dự án nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân bởi vấn nạn cứ mưa là ngập, vấn nạn rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp quá tải, vấn nạn thiếu đất xây dựng nghĩa trang vốn nhức nhối suốt bao nhiêu năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đi nhiều vùng nông thôn Vĩnh Phúc bây giờ rất dễ nhận ra những vấn đề nhức nhối đó.

Nhưng dường như tỉnh Vĩnh Phúc chưa thực sự quyết liệt để giải quyết giống như cách “quê hương khoán hộ” ưu đãi thu hút đầu tư với công nghiệp, bất động sản và du lịch…

Đó phải chăng là căn cơ của những “tồn tại, hạn chế, khuyết điểm” xuyên các nhiệm kỳ mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra ở Vĩnh Phúc?