| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 01/04/2024 , 05:31 (GMT+7)
Hoàng Anh

Hoàng Anh

Nhà báo 05:31 - 01/04/2024

Mở lòng để mở biển

Cuộc cách mạng nuôi biển sẽ bắt đầu từ chính con người, bởi thiết nghĩ biển chỉ mở cửa khi con người biết cách mở lòng.

Trước Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển một ngày, chiều ngày 31/3 Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy có cuộc tiếp xúc chưa từng có với những người nuôi biển, ở trên biển, ngay trên lồng bè taị vùng mặt nước nuôi biển của HTX có cái tên đầy khát vọng: HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Phất Cờ…

Giữa vịnh Bái Tử Long, giữa muôn trùng sóng vỗ, cứ ngỡ đó sẽ là một buổi gặp gỡ giao lưu đơn thuần. Nhưng rồi, không khí cứ nóng dần lên bởi những vấn đề của biển. Có câu chuyện của tiềm năng, lợi thế của nghề nuôi biển ở Quảng Ninh. Câu chuyện về những khát vọng lớn lao đã luôn cháy bỏng trong những con người lâu nay gắn bó với biển.

Và tất nhiên, cũng không ít ý kiến phàn nàn, lo lắng về cơ chế chính sách đâu đó vẫn còn đang là rào cản đối với mục tiêu nuôi biển. Chỉ vỏn vẹn mấy tiếng đồng hồ thôi mà bao nhiêu vấn đề liên quan đến một ngành hàng “mới và khó” được mang ra mổ xẻ, bàn luận. Sôi nổi, hào hứng đến mức ai đó đã thốt lên thế này: Một “Hội nghị Diên Hồng” giữa sóng nước Vân Đồn.

Giữa “hội nghị Diên Hồng trên biển” ấy, ông Trần Văn Bảo Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Thắng Lợi, người đầu tiên đại diện bà con nuôi biển ở Vân Đồn đã xúc động mà rằng: Sau bao nhiêu năm mong mỏi, đắng cay đến bây giờ bà con mới được giao mặt biển, mới được yên tâm mang sức lực, tiền tài để mà đánh thức tiềm năng lợi thế của biển quê hương.

Ở giữa sóng nước dập dềnh đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cam kết cùng cộng đồng nuôi biển ở Vân Đồn, cam kết với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch tỉnh Cao Tường Huy rồi đây sẽ xây dựng thành công mô hình xen canh và đưa sản phẩm hàu sữa, rong sụn, những sản phẩm đặc trưng của biển Vân Đồn đi ra thế giới.

Lẽ tất nhiên, xen lẫn giữa những ý tưởng, khát vọng lớn lao thì vẫn còn đó rất nhiều lo âu, trăn trở. Lo chuyện cơ chế chính sách đâu đó đang là rào cản, chuyện xây dựng chuỗi liên kết còn gặp khó bởi những cú “quay xe”, “bẻ kèo” của một khâu nào đó trong chuỗi, chuyện người nuôi biển khó tiếp cận vốn tín dụng, chuyện chế biến, chuyện thị trường…, Nhưng, như những chia sẻ của ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, mọi khó khăn, rào cản sẽ chẳng là gì cả nếu chúng ta cùng nhau tháo gỡ.

“Vùng lõm” chưa có sóng điện thoại thì gọi viễn thông, nơi chưa có điện thắp sáng, sản xuất thì mời điện lực vào…, rồi thì chuyện nhu cầu cấp thiết có cảng cá, có nhà máy chế biến, có vùng nuôi trồng…, tất cả đã có quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch nuôi biển mà Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai. Nghĩa là chính quyền tỉnh sẽ luôn cam kết giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, với mục tiêu cao nhất là đồng hành với bà con, đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển nghề nuôi biển của tỉnh xứng tầm với lợi thế, tiềm năng.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, dẫn câu nói nổi tiếng về sự hợp tác để cùng phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mong muốn mỗi người trong cộng đồng nuôi biển Quảng Ninh lấy sự đoàn kết, đồng lòng làm giá trị. Đoàn kết, đồng lòng giữa những người nuôi biển với nhau. Giữa kinh nghiệm nuôi biển của bà con với tiến bộ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp, giữa hợp tác xã này và hợp tác xã khác, giữa doanh nghiệp với chính quyền… Và cả giữa ngành nghề nuôi biển với các lĩnh vực khác như du lịch, công nghiệp…

“Phải cùng nhau liên kết để tạo thành cộng đồng nuôi biển Quảng Ninh lớn mạnh”, ông Cao Tường Huy nhắn nhủ, cũng là mong mỏi.

Tiếp lời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng viện dẫn một câu ngạn ngữ: Khi biển lặng ai cũng sẽ là hoa tiêu giỏi, nhưng biển đâu bao giờ yên ả như mong muốn của con người? Tư lệnh ngành NN-PTNT chia sẻ rất thực tiễn, Đề án nuôi biển của chúng ta mới chỉ triển khai được hai năm nay, chuyện thay đổi tư duy, thay đổi thực tiễn không hề dễ. Rào cản, khó khăn là lẽ thường tình, nhất là đối với một ngành hàng “mới và khó” như nuôi biển. Mãi vẫn là câu chuyện chiếc bánh giống như bao ngành hàng khác, cứ mãi nỗi muộn phiền sao tôi được phần ít, anh được phần nhiều mà không nghĩ rằng chúng ta phải cùng nhau để làm sao chiếc bánh đó lớn hơn, để ai cũng có phần nhiều cho mình cả.

Tư duy đó chính là nền tảng để trong hai năm đầu thực hiện Đề án nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh có thể chuyển đổi hơn 1 triệu chiếc phao xốp trên biển thành phao nhựa thân thiện với môi trường. Hai năm, Quảng Ninh có 125 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản được thành lập mới. Và Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên quy hoạch nuôi biển, xác định rõ nuôi biển là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh… Một cuộc cách mạng lớn lao đâu chỉ đơn thuần là quyết tâm chính trị, mà còn là chỉ dấu của sự đồng sức, đồng lòng của một cộng đồng mang khát vọng mở biển. Cùng nhau mở rộng không gian nuôi biển chính là cùng nhau mở rộng tương lai. Không gian đó, ngoài tư duy cũ chỉ dựa vào con cá, con tôm, con mực giờ đây đã mở mang thành những giá trị kinh tế mới từ rong sụn, sá sùng, từ thực phẩm công nghệ cao, từ mỹ phẩm… Một không gian đa tầng, đa chủng loài, đa giá trị, chắc chắn sẽ gấp trăm lần không gian nuôi biển hiện tại.

Nói nôm na là cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái nuôi biển mà ở đó mọi người đến với nhau bằng cả tấm lòng - tấm lòng của những người cùng nhau mở biển.

“Biển cho ta cá như lòng mẹ, nuôi lớn đời ta tự buổi nào". Tự bao đời nay, biển đã nuôi sống con người, giờ là lúc con người nuôi lại biển. Xu thế thời đại, xu thế tiêu dùng của thế giới đang đặt ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng khắt khe đòi hỏi tất cả các ngành hàng phải có giải pháp nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững. Và nuôi biển chính là giải pháp, là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người.

Một hành trình hoàn thiện một ngành hàng minh bạch - trách nhiệm - bền vững để phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, bằng khát vọng, quyết sách, chiến lược và sự đồng sức đồng lòng để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu.

Nuôi biển Việt Nam - không chỉ mang khát vọng góp phần xây dựng đất nước mạnh giàu, cùng với cộng đồng phát triển bền vững mà còn là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người.

Nhưng thiết nghĩ, cuộc cách mạng nuôi biển sẽ bắt đầu từ chính con người, bởi biển chỉ mở cửa khi con người biết cách mở lòng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm