| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 23/11/2019 , 07:05 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:05 - 23/11/2019

Thương hiệu quốc gia và thế lực siêu nhiên

Thương hiệu Trung Nguyên là một biểu tượng kinh tế, xứng đáng để nêu gương cho phong trào khởi nghiệp tại nước ta.

11-30-26_vu_2
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên tòa xét xử vụ án ly dị nghìn tỷ.

Thế nhưng, ngoài tranh chấp kiện tụng kéo dài giữa vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo, thì công chúng còn ái ngại khi chứng kiến ông chủ tập đoàn cà phê lừng lẫy này có những biểu hiện vượt ngoài sự tưởng tượng của đám đông.

Phiên tòa xét xử vụ li dị giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo đã nảy sinh quá nhiều thị phi trên các diễn đàn. Công chúng quan tâm không chỉ vì tò mò, mà sự đổ vỡ ấy không chỉ liên quan đến tài sản nghìn tỷ của họ và bốn đứa con chung của họ, mà có thể dẫn đến nguy cơ hao tổn thương hiệu Trung Nguyên đã thành niềm tự hào của xã hội.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trước sau vẫn khẳng định: "Tôi không bao giờ muốn ly hôn với anh Vũ. Nhưng vì nhóm thao túng tại Trung Nguyên đang từng bước cướp đoạt tài sản của gia đình tôi, nên tôi buộc phải nộp đơn ly hôn để Tòa án có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản của gia đình mình".

Sau phiên tòa sơ thẩm tháng 3/2019 mà kết quả không làm hài lòng cả hai phía, phiên tòa phúc thẩm đã dời đi dời lại nhiều lần vì sức khỏe bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gặp trở ngại.

Cuối tháng 11/2019, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã phải nhập viện vì “đau lưng cấp tính, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và suy nhược cơ thể”, yêu cầu phải nằm điều trị lâu dài.

Chấp nhận điều trị lâu dài theo yêu cầu của bác sĩ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ: “Đây là giai đoạn khó khăn nhất, đau đớn nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng tôi sẽ vẫn gắng hết sức mình, đảm bảo sức khỏe để làm chỗ dựa vững chắc cho các con, bảo vệ được gia đình và doanh nghiệp”.

Còn phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì sao? Người thích tự xưng “qua” vẫn ẩn cư thiền định tại M’Drack. Mới đây, một nữ phóng viên thân quen đã được mời lên M’Drack để mục sở thị cõi “thông linh” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Hiện tại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm một cái hang khá quy mô để thiền định. Hang đá cũng được rải cát mịn giống hệt vài quán cà phê của Trung Nguyên tại TPHCM, không có gì lạ. Thế nhưng, những tâm tư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì khó tin thật.

Trước đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng đứng tên một bản thảo cuốn sách là “Thiên mệnh Việt”. Bây giờ ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng tên thêm một bản thảo cuốn sách là "Kiến tạo dân tộc siêu việt, dân tộc minh triết, dân tộc trung tâm, dân tộc thiện lành và trách nhiệm toàn diện với toàn thể nhân loại còn lại".

Bản thảo cuốn sách không chỉ có cái tựa dài dòng mà còn có nhiều biểu đồ và dày trên 300 trang khổ A4, được ông Đặng Lê Nguyên Vũ chú thích: "Ghi chép theo chỉ dạy thiện lành của NGƯỜI TÔN KÍNH". Khái niệm “NGƯỜI TÔN KÍNH” hiểu đơn giản chính là… Thượng Đế.

Nói rõ hơn về bản thảo cuốn sách đặc biệt của mình, ông Đặng Lê Nguyên Vũ trình bày: “Những cái này đối với thế gian là bản đồ dẫn đường. Nhưng đó vẫn là công truyền thôi.

Rồi sau này mật truyền là lên độ cao, phải đủ nền tảng đạo đức mới cho thâm nhập được. Không ai cho phép sở hữu những thứ có thể hủy diệt trên nền tảng không thiện lương.

Đây, Qua thiết kế cho nguyên lý cơ bản cho lối sống minh triết, lối sống mặc khải và lối sống thành công, hạnh phúc toàn vẹn cho mỗi gia đình, quốc gia được Người chọn. Giờ toàn bộ kinh, kệ cái gì Qua cũng biết. Ôm một đống biết mà phải chứng kiến những thứ tùm lum như vậy... buồn chứ. Nhưng họ đâu có biết cái Qua có thể quyết định cái sống cái chết của họ.

Quyền của Qua ghê gớm lắm, canh thiên đường và gác cửa địa ngục. Nhưng Qua không muốn ai sợ Qua. Qua luôn nhẹ nhàng, thiện tâm với tất cả, kể cả người ăn người ở trong nhà. Luôn luôn Qua sợ tổn thương người khác. Nếu Qua không thiện Trời không cho Qua như vậy. Nếu Qua không cương kỷ thì Qua không bao giờ biết nhiều thứ như vậy”.

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là một người có ý chí và có khát vọng. Thế nhưng, khoảng cách giữa một nhà tài phiệt và một nhà tư tưởng hoàn toàn không gần gũi.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhờ ai đó viết dùm những suy nghĩ cao siêu của mình cũng là câu chuyện thú vị. Tuy nhiên, để dẫn dắt cộng đồng không thể không có tư duy tỉnh táo tuyệt đối và tư duy phản biện nghiêm túc.

Đã có nhiều sự hoài nghi về sức khỏe tâm thần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng chính chủ nhân Trung Nguyên vẫn mặc định bản thân ở một cõi khác, bay bổng hơn, huyền ảo hơn và quyền lực hơn.

Bằng một cảnh giới riêng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thuyết giảng: “Người (trời) có hết trong hiện hữu, từ hạt cát cho tới những gì lớn lao. Qua biết dữ liệu của người chị em bởi vì trên đó có cái máy tổng. Người chị em làm gì thì nó thu lên cái máy tổng đó.

Khi chọn Qua, Người cho Qua biết tiền kiếp người chị em, dữ liệu của người chị em. Qua biết hết. Thâm cung bí sử, nghĩ gì, Qua đều biết hết. Nói không thể tưởng tượng nổi nhưng giờ ông Putin nghĩ gì Qua cũng biết luôn. Nhưng thôi biết nghe vậy chứ không để làm gì hết.

Chừng nào xảy ra cái gì thì Qua nói, phải có cương kỷ như vậy. Chứ Qua không can thiệp. Vì đó là phận số của mỗi sinh linh. Nên Qua chỉ khuyên thiện, để thăng chứ không giáng. Sống với thế gian trong hoàn cảnh, nghịch cảnh nào cũng phải giữ cái đó. Chỉ có vậy thôi. Sau này hiểu những gì Qua nói. Trời chỉ muốn thế thôi".

11-30-26_vu_1
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong một lần “hạ sơn”.

Dĩ nhiên, có người sẽ bật cười khi nghe những lời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Và dĩ nhiên ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có quyền bảo lưu đức tin rực rỡ của mình.

Có điều đáng băn khoăn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ không giấu giếm đưa Việt Nam trở thành một dân tộc lãnh tụ theo cách mà những nhà làm phim khoa học viễn tưởng cũng phải bái phục: “Lãnh tụ không phải là đi thống trị kiểu cũ. Lãnh tụ ở đây là phải mang lại lợi lộc gì cho chúng sinh còn lại, nghĩa là gần 8 tỉ con người trên trái đất này.

Muốn vậy thì phải hiểu được toàn bộ 216 quốc gia hiện nay đang mong cầu cái gì, sợ cái gì? Phải hiểu được nỗi niềm của họ, phải thấu hiểu lòng người thì mới thiết kế chính sách được. Qua đã chuẩn bị 6 năm nay, hãy nhớ điều đó. Qua đã đại chúng hóa nó tới từng gia đình luôn. Tạo ra một dân tộc lãnh tụ nó phải được thiết kế chuẩn mực như thế nào, một nhà trường phải được thiết kế chuẩn mực như thế nào? Mọi tổ chức phải được thiết kế như thế nào.

Qua đã chuẩn bị hết ở trong bảo thảo cuốn sách. Qua sẽ gởi cho các nhà lãnh đạo đất nước. Đầu tiên là chuẩn bị cái chí hướng lãnh tụ cho nó. Hơn 4.000 năm dân tộc này chỉ dựng và giữ nước. Hiện vẫn đang lo sinh tồn đủ thứ chuyện mà bảo làm lãnh tụ thì phải chuẩn bị cái tâm thức, cái chí hướng lãnh tụ.

Thứ 2 phải chuẩn bị cái học lãnh tụ. Là chuẩn bị cái nhân sinh quan toàn quán, chuẩn bị cái thế giới quan toàn quán và cái vũ trụ quan toàn quán cho nó. Người dạy cho Qua cái bản đồ dẫn đường, cái bản đồ không chữ này (chỉ tay vào một đồ hình không chữ để trên bàn).

Đây là kinh của mọi kinh, học thuyết của mọi học thuyết, khoa học của mọi khoa học. Đó là cái mô hình vận hành vũ trụ của tạo hóa. Cái này không ai hiểu được đâu, chỉ trừ Qua. Thế nên mới phải học lãnh tụ cho nó!".

Bản thảo cuốn sách "Kiến tạo dân tộc siêu việt, dân tộc minh triết, dân tộc trung tâm, dân tộc thiện lành và trách nhiệm toàn diện với toàn thể nhân loại còn lại" được ông Đặng Lê Nguyên Vũ đinh ninh về giá trị: “Không có nhà lập thuyết nào ở thế gian viết nổi những cái này. Những nhà bác học, đại bác học cũng vậy. Làm sao ai dạy được, thế gian có ai dạy, chỉ có Trời dạy. Giờ Qua kiện toàn hết ở trong này. Phải hiểu như vậy nghe!”.

Nghe thì nghe vậy, nhưng muốn hiểu lại là vấn đề khác. Những người có thiện cảm với cà phê Trung Nguyên chỉ thấy ái ngại khi một thương hiệu quốc gia được mang đi đánh cược với thế lực siêu nhiên! Càng nghĩ càng thấy lo.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm