| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu sản phẩm làng nghề ở thị xã Đông Triều

Thứ Ba 22/09/2020 , 08:40 (GMT+7)

Là vùng trọng điểm nông nghiệp của Quảng Ninh, thị xã Đông Triều từng bước hình thành chuỗi giá trị, đặc biệt là chương trình OCOP đạt hiệu quả rõ nét, tạo được thương hiệu.

Phát huy hiệu quả các vùng sản xuất tập trung

Trong những năm qua, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tạo ra những sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đặc trưng nên Đông Triều đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất tập trung.

Thương hiệu na dai Đông Triều. Ảnh: Mai Chiến

Thương hiệu na dai Đông Triều. Ảnh: Mai Chiến

Hiện thị xã có 8 vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng na dai, vùng trồng cam canh - bưởi diễn, vùng trồng vải thiều, vùng trồng rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây Atlantic. Các sản phẩm chủ lực địa phương đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình trong số đó là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây Atlantic với Công ty Orion Hàn Quốc. Hàng năm, đã sản xuất tiêu thụ trên 217 ha với tổng sản lượng khoai thương phẩm đạt tiêu chuẩn là 1.668 tấn, doanh thu đạt 11,676 tỷ đồng. Sau 3 tháng cho thu nhập bình quân 53,8 triệu đồng/ha tăng gấp 4 lần so với trồng lúa.

Bên cạnh đó là mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nếp cái hoa vàng đã được các công ty, HTX  (Công ty CP giống cây trồng Quảng Ninh, Hợp tác xã chất lương cao Hoa Phong, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Yên Đức...) liên kết sản xuất tiêu thụ với trên 20 nghìn tấn gạo nếp cái hoa vàng. Vùng hoa và cây cảnh sau khi lễ hội hoa cây cảnh được tổ chức tại xã Bình Khê đã có các doanh nghiệp, tư thương đến tận thu các vùng trồng hoa ký hợp đồng tiêu thụ cho người sản xuất.

Vùng na dai Đông Triều sau khi sản phẩm được chứng nhận VietGAP đã được Hợp tác xã Na dai Việt Dân và tư thương tới tận vườn ký kết thu mua với giá bán sản phẩm tăng từ 10 - 15% so với sản xuất thông thường. Vùng lúa chất lượng cao các địa phương (Nguyễn Huệ, Hưng Đạo, Tân Việt...) liên kết sản xuất tạo giống lúa để tiêu thụ sản phẩm cho Công ty CP giống cây trồng Quảng Ninh quy mô trên 100 ha giá bán tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với sản xuất bình thường.

Có thể thấy, thị xã Đông Triều đã tích cực phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP  và xác định đây là một chương trình phát triển kinh tế phát huy được sản phẩm chủ lực của địa phương, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt hiệu quả.

Đa dạng các sản phẩm OCOP

TX Đông Triều hiện có 30 sản phẩm của 14 đơn vị tham gia Chương trình OCOP tỉnh, trong đó có 21 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 5 sao. Đến nay, thị xã đã phát triển được 14 tổ chức kinh tế tham gia gồm 7 tổ chức là doanh nghiệp, Công ty cổ phần và Công ty TNHH; 5 tổ chức là Hợp tác xã; 2 tổ chức Tổ hợp tác. Hiện tại có 30 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và du lịch dịch vụ tham gia chương trình. Trong đó, sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp chiếm 50% số lượng sản phẩm với các sản phẩm tiêu biểu như gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, na dai, cam canh, nấm, sữa, rau sạch...

Có 25 sản phẩm đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chứng nhận sao (trong đó: 16 sản phẩm chứng nhận đạt 3 sao; 8 sản phẩm chứng nhận đạt 4 sao; 1 sản phẩm chứng nhận đạt 5 sao). 

Điển hình là thị xã đã thực hiện cấp mã số, mã vạch cho 22 sản phẩm; xây dựng được 5 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực (na dai, vải thiều, cam canh, bưởi diễn, nếp cái hoa vàng), đặc biệt sản phẩm Gốm sứ mỹ nghệ đạt 5 sao đã trở thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Sản phẩm bột sắn dây tinh khiết của Đông Triều. Ảnh: Mai Chiến

Sản phẩm bột sắn dây tinh khiết của Đông Triều. Ảnh: Mai Chiến

Điều đáng mừng là các sản phẩm OCOP của thị xã tham gia Hội chợ được các Sở, ngành và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và số lượng sản phẩm tham gia. Tiêu biểu như tham gia Hội chợ OCOP - Xuân 2020 tại Hạ Long, thị xã có 11 gian hàng của 11 đơn vị tham gia. Tổng doanh thu trong 6 ngày là 650 triệu đồng (giảm 100 triệu đồng so với Hội chợ Hè năm 2019 - do lượng khách du lịch đến tham quan và mua hàng đông so với dịp Tết nguyên đán), trong đó sản phẩm sữa bán tốt nhất với doanh số 190 triệu đồng, sản phẩm gốm 100 triệu đồng, sản phẩm nấm 55 triệu đồng...

Trong năm 2020, có 11 sản phẩm mới đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trên cơ sở các quy định tiêu chí sản phẩm của Trung ương và của tỉnh. Ban Chỉ đạo OCOP thị xã đã lựa chọn được 8 sản phẩm mới đăng ký tham gia Chương trình OCOP (vượt 4 sản phẩm so với kế hoạch đầu năm).

Trao đổi về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Ngoãn- Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết: Để nâng cao giá trị thương hiệu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị sản xuất cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; mẫu mã bao bì phải bắt mắt, thuận tiện và an toàn khi vận chuyển; tăng cường sự quảng bá bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức bán hàng online. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xúc tiến thương mại, như: Quảng bá, truyền thông; xây dựng hệ thống, các kênh phân phối, bản lẻ sản phẩm OCOP.

Thị xã cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì và phát triển sản phẩm OCOP hiện có, hướng tới đưa vào các siêu thị lớn tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Hà Nội đối với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của thị xã Đông Triều, như: Sữa tươi của Công ty CP sữa An Sinh và Công ty CP sữa Đông Triều; nếp cái hoa vàng của Hiệp hội nếp cái Đông Triều; gốm sứ mỹ nghệ của Công ty TNHH Quang Vinh; nấm của Công ty TNHH Long Hải; rau sạch của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188. Mục tiêu của thị xã là 100% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc theo quy định”.

Sản phẩm OCOP gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều. Ảnh: Thu Trang

Sản phẩm OCOP gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều. Ảnh: Thu Trang

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” năm 2020 của thị xã Đông Triều đã và đang khẳng định chất lượng, thương hiệu và uy tín với những sản phẩm nông nghiệp riêng có, được du khách và người tiêu dùng tin yêu, lựa chọn. Từ đó tạo sự kích cầu tiêu dùng của người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.