| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi cho vùng đất khó [Bài 4]: Hồ nước đổi vận xã nghèo

Thứ Năm 16/05/2024 , 09:58 (GMT+7)

Từ khi hồ thủy lợi Lái Bay đi vào hoạt động, đời sống, sản xuất của người dân xã Phổng Lái, Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Sơn La) đã thay da đổi thịt từng ngày.

Cứu tinh cho những mảnh vườn khô khát

Xã Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển dưới chân đèo Pha Đin. Độ dốc địa hình lớn khiến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong ký ức của người dân nơi đây, có lẽ chẳng bao giờ quên được những ngày “nối đuôi nhau” tới các mó nước cách nhà cả chục km, thậm chí vượt qua đèo Pha Đin sang huyện Tuần Giáo (Điện Biên) để gánh nước về sử dụng, hay nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền mua nước sạch mỗi khi mùa khô đến.

Hồ thủy lợi Lái Bay với dung tích hơn 1,3 triệu m3 đang cung cấp nước tưới cho 30 ha lúa/vụ (một năm 2 vụ), tưới ẩm cho hơn 468 ha chè, cà phê; gần 7 ha nuôi trồng thủy sản tại xã Phổng Lái. Ảnh: Trung Quân.

Hồ thủy lợi Lái Bay với dung tích hơn 1,3 triệu m3 đang cung cấp nước tưới cho 30 ha lúa/vụ (một năm 2 vụ), tưới ẩm cho hơn 468 ha chè, cà phê; gần 7 ha nuôi trồng thủy sản tại xã Phổng Lái. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Bá Vụ, Trưởng bản Đông Quan nhớ lại, trước đây toàn bộ nguồn nước dùng cho sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên (nước mưa, nước từ khe, suối) nên lúc nào người dân cũng trong tình trạng “lo ngay ngáy”. Toàn bộ sức người, sức kéo trâu bò được huy động tối đa để gùi, chở nước mới có thể đảm bảo đủ lượng dùng. Sau này, một số hộ vay mượn, đầu tư xây bể tích nước vào mùa mưa để dùng dần. Tuy nhiên, nguồn nước mưa cũng không ổn định vì có thời điểm mưa nhiều, mưa ít, dịp nào gặp mưa axit thì xác định không lấy được gì.

Nước dùng cho sinh hoạt đã hạn chế nên chẳng ai dám nghĩ đến việc phát triển trồng trọt hay chăn nuôi. Nước là khởi nguồn cho vạn vật sinh sôi, khi thiếu nước sản xuất trở nên trì trệ, kinh tế không phát triển, người dân thu nhập thấp, đời sống không được cải thiện, cái đói, cái nghèo đeo bám mãi không thôi.

Những tưởng cuộc sống của người dân Phổng Lái cứ lặng lẽ trôi trong vòng luẩn quẩn đó, nhưng từ khi hồ thủy lợi Lái Bay trên địa bàn xã đi vào hoạt động, mọi thứ thay đổi đến không ngờ. Nhìn lại hành trình “lột xác” của từng bản, người có trí tưởng tượng tốt nhất cũng không thể hình dung ra.

Ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lái phấn khởi chia sẻ, với dung tích hơn 1,3 triệu m3, được đầu tư xây dựng năm 2009, đưa vào khai thác năm 2013, công trình hồ thủy lợi Lái Bay có thể đáp ứng tưới cho 30 ha lúa/vụ (một năm 2 vụ); tưới ẩm cho hơn 468 ha chè, cà phê; gần 7 ha nuôi trồng thủy sản tại xã Phổng Lái và hơn 200 ha cây công nghiệp dài ngày tại xã Chiềng Pha (từ tháng 1/2024); tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho trên 7.000 nhân khẩu trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Bá Vụ, Trưởng bản Đông Quan, từ khi hồ thủy lợi Lái Bay đi vào hoạt động, đời sống, sản xuất của người dân thay đổi đến không ngờ. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Bá Vụ, Trưởng bản Đông Quan, từ khi hồ thủy lợi Lái Bay đi vào hoạt động, đời sống, sản xuất của người dân thay đổi đến không ngờ. Ảnh: Trung Quân.

Nguồn nước từ hồ đã giúp các hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh chóng. Bên cạnh các cây trồng chịu hạn như chè, cà phê, nhiều hộ đã phát triển được những vườn cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi lợn, trâu bò tập trung, nuôi cá. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những điều này trước đây không ai dám nghĩ đến.

Gia đình anh Phạm Tiến Nghĩa, bản Đông Quan là một điển hình như thế. Từ chỗ chạy ăn từng bữa vì sản xuất trì trệ, nhờ nguồn nước cấp từ hồ thủy lợi Lái Bay, anh thuận lợi phát triển được hơn 1 ha cây ăn quả, chăn nuôi 100 con lợn, xây dựng 500 m2 ao dùng để dự trữ nước và nuôi cá.

Anh Nghĩa bộc bạch, mỗi lần nghĩ lại cảnh trước đây cặm cụi đi gùi từng can nước về dùng, vườn tược để không mà bụng lúc nào cũng phải chịu đói vì nguồn nước tưới hạn chế, không thể canh tác lại nổi da gà. Nguồn nước từ hồ Lái Bay được đưa về tận nhà thực sự là cứu tinh cho người dân trong xã. Đời sống, sản xuất trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, việc tiết kiệm nước và dự trữ nước phòng thân để đương đầu với hạn hán có thể xảy ra bất cứ lúc nào đã ngấm vào máu của người dân Phổng Lái nên các hộ bảo nhau không dùng phung phí. Hộ thì đào ao, lót bạt để tích nước, hộ thì lắp khóa nước để thay đổi phương pháp tưới tràn. Gia đình anh Nghĩa ngoài việc đào ao tích nước còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, vừa tiết kiệm nước, giảm công lao động vừa đảm bảo độ đồng đều nước tưới cho cây trồng.

Gia đình anh Phạm Tiến Nghĩa, bản Đông Quan, xã Phổng Lái đã thuận lợi phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả nhờ nguồn nước từ hồ Lái Bay. Ảnh: Trung Quân.

Gia đình anh Phạm Tiến Nghĩa, bản Đông Quan, xã Phổng Lái đã thuận lợi phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả nhờ nguồn nước từ hồ Lái Bay. Ảnh: Trung Quân.

Đẩy mạnh tưới tiết kiệm, đảm bảo an ninh nguồn nước

Ông Lương Xuân Việt, Cụm trưởng Cụm Quản lý kỹ thuật công trình thủy lợi hồ Lái Bay (Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sơn La) cho biết, công trình có hệ thống dẫn nước gồm 2 phần là tuyến ống chính bằng ống gang phi 300 và tuyến nhánh bằng ống nhựa HDPE từ phi 90-200. Tổng chiều dài các đường ống hơn 50 km. Do đường ống dài nên việc dẫn nước và đảm bảo cấp nước cho tất cả các hộ từ đầu nguồn tới cuối nguồn gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, công trình chỉ phục vụ được 30 ha lúa nước (2 vụ) phía đầu nguồn, phần diện tích tưới ẩm và cấp nước sinh hoạt phía cuối nguồn luôn ở trong tình trạng thiếu.

Nguyên nhân là lượng nước đến từng hộ không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều gia đình ở đầu nguồn không sử dụng tiết kiệm dẫn tới thiếu công bằng giữa đầu nguồn và cuối nguồn vì không có thiết bị đo đếm. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý không thu được tiền nước của các hộ sử dụng nên không có kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên, dẫn đến hệ thống ống dẫn bị xuống cấp, không phát huy hết năng lực.

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sơn La thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân vận hành, sử dụng nguồn nước được cấp từ hồ Lái Bay hợp lý, tiết kiệm. Ảnh: Trung Quân.

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sơn La thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân vận hành, sử dụng nguồn nước được cấp từ hồ Lái Bay hợp lý, tiết kiệm. Ảnh: Trung Quân.

Trước thực trạng đó, năm 2015, Chi cục Thủy lợi Sơn La thí điểm mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước tại hồ Lái Bay bằng việc đầu tư đồng hồ đo nước và các thiết bị phụ trợ. Các hộ đóng góp tuyến ống từ sau đồng hồ đến nơi sử dụng, trả phí dịch vụ nên ý thức, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, từ nguồn kinh phí thu được, công trình được duy tu sửa chữa, kịp thời khắc phục ngay những hư hỏng phát sinh trong quá trình vận hành.

Theo ông Việt, hiện tại tổ đang quản lý 150 bể, mỗi bể có 10-15 đồng hồ (mỗi hộ 1 đồng hồ). Để đảm bảo hoạt động cấp nước diễn ra thuận lợi, tổ bố trí cán bộ trực 24/24; lên lịch cấp nước, thông báo cho từng bản nắm rõ; bố trí cán bộ hàng ngày đi theo các đường ống kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra sự cố như đá lăn, cây đổ… làm hỏng đường ống. Nếu lượng nước của hồ chứa xuống thấp hơn cửa xả sẽ bố trí máy bơm nước từ dưới lòng hồ vào cửa xả, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nước tưới và sinh hoạt cho người dân xã Phổng Lái.

Qua thời gian triển khai, mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước thực sự mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm gần 50% lượng nước, tăng khả năng đáp ứng của công trình hồ chứa nước, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân trên địa bàn.

Đặc biệt, năm 2017, khi mực nước có dấu hiệu bị thất thoát, xuống thấp, các cơ quan chức năng và đơn vị quản lý đã kiểm tra hồ chứa, phát hiện 4 hố sụt do các hang cacxtơ gây ra. Tỉnh đã trình và được Bộ NN-PTNT hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để xử lý, sửa chữa hồ Lái Bay. Việc thực hiện dự án xử lý cấp bách hồ chứa nước Lái Bay đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo nhu cầu tích nước vào mùa mưa, điều tiết nước tưới vào mùa khô, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Nhiều đợt nắng nóng, hạn hán xảy ra ở các địa phương trong tỉnh, song người dân trong khu vực vẫn có nước tưới đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng. Phổng Lái từ mảnh đất “khát” đã trở thành một khu vực phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp đứng đầu huyện Thuận Châu.

Tỉnh Sơn La đang khuyến khích người dân áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm để vừa đảm bảo an ninh nguồn nước vừa gia tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Tỉnh Sơn La đang khuyến khích người dân áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm để vừa đảm bảo an ninh nguồn nước vừa gia tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lê Xuân Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sơn La đánh giá, toàn tỉnh hiện có hơn 2.600 công trình thủy lợi, trong đó có 110 hồ chứa. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo hướng phát triển mạnh cây ăn quả, cây công nghiệp nên lĩnh vực thủy lợi cũng chuyển mình không ngừng để song hành, phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng các giải pháp tưới tiết kiệm bằng các công nghệ hiện đại để tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước (hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 ha tưới theo công nghệ tưới tiên tiến).

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.