| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản, chăn nuôi 'thổi hồn' cho những dư địa của nông nghiệp

Thứ Tư 04/09/2024 , 10:26 (GMT+7)

Đóng góp hơn 50% vào tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản chính là hai lĩnh vực còn nhiều dư địa, cũng như tiềm năng khai thác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trong chuyến công tác tỉnh Sơn La cuối năm 2021. Ảnh: Trung Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trong chuyến công tác tỉnh Sơn La cuối năm 2021. Ảnh: Trung Hiếu.

Mang bản sắc Việt Nam

Trong hơn 70 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, lĩnh vực chăn nuôi đã từng bước đưa hoạt động chăn nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp chuyển dịch thành một ngành kinh tế, có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới.

Sự chuyển dịch ấy trở nên rõ nét trong vài năm trở lại đây, khi tỷ lệ trang trại, khu công nghiệp đã chiếm trên 45% về quy mô sản xuất và trên 55% về sản lượng. Loại hình kinh tế này tạo ra được hàng triệu việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân khu vực lân cận, đồng thời đóng góp vào việc hình thành, phát triển của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như sự thay da đổi thịt của khu vực nông thôn.

Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt gần 6%, đóng góp khoảng 26% vào GDP nông nghiệp. Chăn nuôi lợn, lĩnh vực chủ lực, tăng trưởng hơn 4%, giữ đàn lợn cả nước ở ngưỡng 30 triệu con. Ngoài ra, đàn gia cầm cũng tăng trưởng gần 3%, với tổng đàn lên tới hơn 550 triệu con. Từ chỗ phải nhập khẩu, ngành chăn nuôi đã đảm bảo nguồn cung ứng thịt, trứng, sữa cho 100 triệu dân và tăng dần giá trị xuất khẩu.

Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhanh, bền vững, ngoài đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để chọn tạo ra những giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, sản xuất theo quy mô công nghiệp thì khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa cũng cần được quan tâm. Những cái tên như gà đồi Tiên Yên, gà đồi Phú Bình, lợn sạch Tân Yên; mật ong Hà Giang, vịt bầu Minh Hương… xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường. Không hề quá khi nói rằng, nhóm đặc sản địa phương này định hình một bản sắc Việt Nam cho lĩnh vực chăn nuôi.

Tuy nhiên, do chủ yếu nuôi theo quy mô nông hộ, nên số lượng những sản phẩm có thương hiệu này hạn chế, khó tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cũng như phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, giá thành phẩm cũng chưa thật sự khác biệt so với sản phẩm thông thường, khiến người nuôi dễ tâm tư.

TS Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cơ quan quản lý, doanh nghiệp nên có những chương trình hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế gắn với du lịch sinh thái. Cùng với đó, quản lý và sản xuất giống vật nuôi theo tháp giống gắn với mã định danh quốc gia.

Năm 2017, ngành chăn nuôi gây tiếng vang lớn khi nhân bản thành công lợn ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng làm chủ được công nghệ cấy phôi tươi, phôi đông lạnh trên lợn nái sinh sản với kết quả lợn nái đã sinh trung bình 12 - 16 con/ổ. Kết hợp với việc nghiên cứu phân tích đa hình các gen ứng cử liên quan đến tính trạng sản xuất của vật nuôi như tốc độ sinh trưởng, chất lượng thịt và số con sơ sinh sống/lứa của lợn, khoa học công nghệ chắc chắn sẽ thổi một luồng sinh khí về công nghệ lai tạo cho đàn vật nuôi ở các địa phương.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm trang trại nuôi lợn tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đầu năm 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm trang trại nuôi lợn tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đầu năm 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Chuyển dịch theo quốc tế hóa

Nếu như yếu tố “bản địa” đã định hình tương đối rõ nét ở lĩnh vực chăn nuôi, thì ngành thủy sản lại đang chuyển mình vươn ra biển lớn. Cơ cấu ngành, vì thế, đã thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác, nhất là những nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tăng chế biến sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Một trong những nội dung quan trọng của việc hội nhập thế giới được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ tại Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nuôi biển. Ông phân tích, Việt Nam có thế mạnh về biển, với đường bờ biển dài hơn 3.200km, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, cùng hơn 3.000 hòn đảo. Do trong khu vực nhiệt đới, Việt Nam có trữ lượng thủy sản phong phú, với hơn 2.000 loài cá, trong đó hơn 100 loài có giá trị kinh tế cao.

Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2 tỷ USD. “Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tương lai”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ và nhấn mạnh rằng, toàn ngành thủy sản quyết tâm phấn đấu theo hướng “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, có kiểm soát, được quản lý theo khuyến nghị của quốc tế. Tất cả nhằm tạo dựng hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu.

Một số quốc gia như Na Uy, Chile, Hoa Kỳ… đã đi tiên phong và thực sự trở thành những cường quốc về nuôi biển. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm, trở thành một nước “mạnh về biển, giàu vì biển”.

Không chỉ có vậy, phương thức nuôi trồng hiện đại này sẽ đẩy giá trị sản xuất thủy sản tăng trưởng mạnh trong khoảng 5 - 10 năm tới, thậm chí giữ được tốc độ tăng 3 - 4%/năm. Với nhiều đối tượng nuôi có giá trị cao, nuôi biển có thể giúp giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD trong tương lai gần, đồng thời giúp sản lượng nuôi trồng vượt mốc 5 triệu tấn.

Trước mắt, Bộ NN-PTNT đang tích cực chỉ đạo và hỗ trợ địa phương xây dựng, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thí điểm nuôi biển quy mô công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư phối hợp tổ chức đa dạng các mô hình cho ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác ven bờ sang nuôi trồng và chế biến (cá, rong biển, nhuyễn thể…) theo mô hình quản lý cộng đồng. Ở đó, người dân, nhà chế biến, tiêu thụ sản phẩm sẽ liên kết thành chuỗi, đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đi cùng với nuôi biển công nghiệp là phát triển các hệ thống phụ trợ như nghiên cứu, sản xuất giống, thức ăn. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nuôi biển cũng cần được thực hiện chuyên sâu, chuyên biệt.

“Chúng ta cần tổ chức hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy người dân làm trung tâm. Ở đó, có sự kết nối giữa các bên liên quan, nhằm phát triển đồng bộ chuỗi giá trị ngành hàng”, Thứ trưởng định hướng và cho biết thêm, rằng việc nuôi biển cần đảm bảo nhiều khâu, làm khâu nào chắc khâu đấy, từ công nghệ lồng bè, nuôi trồng, cho đến kiểm soát dịch bệnh, môi trường, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics…

Trong dài hạn, Thứ trưởng kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển, làm cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về nuôi biển. Kèm theo là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương để hạn chế các xung đột lợi ích trong không gian biển.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Hàng trăm ngàn sản phẩm sữa tươi, nước tinh khiết TH đến với người dân vùng ngập lũ

Ngoài những hỗ trợ chính thức từ tập đoàn, Công đoàn các công ty thành viên của Tập đoàn TH tại các tỉnh cũng thực hiện quyên góp để nhanh chóng đưa những món quà thiết thực tới người dân vùng lũ.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.