| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Thứ Tư 28/08/2024 , 13:59 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp - giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức sáng 28/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao (năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao). Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EC, Nhật Bản...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: Trung Quân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: Trung Quân.

Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định.

Trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản…; mô hình cánh đồng lớn; vườn cây ăn quả tập trung chuyên canh tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm; vùng xoài cát Hòa Lộc sản lượng 10.000 tấn/năm; nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu cho năng suất 80 tấn/ha/năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha...

Nhờ đó, cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng được mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt ở hơn 196 quốc gia, vùng lãnh thổ (đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 trên 155 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 - 56 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý thời gian tới, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý và sản xuất.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp; hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX kiểu mới. Phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam.

Đồng thời, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước. Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nông nghiệp xanh nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên…

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam đánh giá, trong gần 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Điều này phần nào khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, với trên 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân.

Hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX). Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm đáp ứng thị trường quốc tế đang tiếp tục được mở rộng với Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, cơ quan quản lý. Ảnh: Trung Quân.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, cơ quan quản lý. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang) cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.

Do đó, trong các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững và hiệu quả, không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. Thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước, việc "xanh hóa" nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Do đó, các chủ thể trong chuỗi phải hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi cho phù hợp.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.