| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Việt Nam: NK nguyên liệu để thành cường quốc... XK?

Thứ Ba 01/07/2008 , 08:00 (GMT+7)

Trong khi con cá tra ở ĐBSCL đang “khủng hoảng thừa” thì các NM chế biến thuỷ sản XK trên cả nước lại đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu một cách gay gắt. Phải chăng đây là nghịch cảnh của thuỷ sản Việt Nam?

Thiếu và mất cân đối

Theo ông Ngô Phước Hậu, PCT Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, đang có khá nhiều NM chế biến thuỷ sản ở miền Bắc và miền Trung phải tạm thời đóng cửa vì “đói” nguyên liệu, nhất là trong điểm giáp vụ. Nhiều DN ở 2 khu vực này hiện chỉ có thể trả lương cho CBCNV 3 tháng mỗi năm. Ngay cả khu vực Nam bộ vốn dồi dào nguyên liệu thuỷ sản, cũng đang có không ít NM hoạt động cầm chừng.

Nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu là do số lượng các NM cũng như công suất chế biến thuỷ sản đã tăng mạnh trong thời gian qua, vượt xa khả năng nuôi trồng và khai thác của ta. Chỉ tính riêng công suất cấp đông của các NM chế biến thuỷ sản đông lạnh đã lên tới 1,5-1,7 triệu tấn thành phẩm mỗi năm, tương ứng với khoảng 4,5-5,1 triệu tấn nguyên liệu. Trong khi đó, sản lượng khai thác hải sản chỉ vào khoảng 2,1 triệu tấn/năm, sản lượng tôm nuôi khoảng 350.000 tấn/năm, sản lượng cá tra khoảng trên 1 triệu tấn/năm... Bởi thế, ngành thuỷ sản vẫn đang lãng phí tới 50% công suất thiết kế.

Cá tra đang "khủng hoảng thừa" thì các NM chế biến lại đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu gay gắt

Sự khan hiếm nguyên liệu, không chỉ là vấn đề bức xúc trong năm nay, mà chắc chắn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những năm tới. Do nguồn lợi thuỷ sản ven bờ đã cạn kiệt, chương trình đánh bắt xa bờ vẫn chưa phát huy hiệu qủa (nhất là khi giá nguyên liệu đang có xu hướng tăng cao), sản lượng khai thác thuỷ sản trong những năm tới sẽ khó vượt qua được mức 2,1 triệu tấn.

Sản lượng tôm nuôi cũng khó có thể tăng thêm do nuôi tôm sú gặp nhiều rủi ro dịch bệnh, giá thành sản xuất cao, giá bán giảm, trong khi tôm chân trắng lại khó mở rộng diện tích. Sản lượng cá tra ở ĐBSCL tuy có tiềm năng tăng mạnh, thừa sức đạt tới trên dưới 2 triệu tấn, thậm chí là 3 triệu tấn, nhưng nhu cầu thị trường hiện nay và những năm tới lại chỉ cho phép tăng trưởng khoảng 10-15%/năm.

Nhập để gia tăng xuất?

Chính vì thế, trong mấy buổi hội thảo do VASEP tổ chức gần đây, hầu hết các DN đều cho rằng việc NK nguyên liệu thuỷ sản đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Nhập không chỉ đơn thuần để giải cơn “đói” cho các NM mà quan trọng hơn sẽ góp phần đưa Việt Nam lên hàng một cường quốc XK các sản phẩm thuỷ sản. Theo VASEP, nếu đón nhận được các dòng nguyên liệu thuỷ sản từ các nước xứ lạnh ở Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương, và các nước còn yếu kém trong chế biến thuỷ sản, với tổng giá trị NK vào khoảng 1-2 tỷ USD/năm, Việt Nam có thể gia tăng kim ngạch XK thêm 1,8-3,5 tỷ USD, đưa giá trị XK thuỷ sản lên từ 6-8 tỷ USD/năm để vượt qua Thái Lan, Mỹ, Canada và đứng hàng thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc).

Chế biến thủy sản để xuất khẩu

Cũng theo các chuyên gia thuỷ sản, việc nhập nguyên liệu không gây ảnh hưởng xấu tới nuôi trồng và khai thác trong nước. Bởi lẽ, nguồn nguyên liệu thuỷ hải sản nhập ngoại chủ yếu là những loại thuỷ hải sản trong nước chưa hoặc không đáp ứng được như mực, cá hồi, cá ngừ, cá trích... Với những loại nguyên liệu mà trong nước đã dư thừa như cá tra, tôm sú…vẫn sẽ ưu tiên sử dụng hàng trong nước vì giá rẻ hơn nhiều so hàng nhập. Hơn nữa, việc NK nguyên liệu thuỷ sản khối lượng lớn cũng sẽ là một động lực để thúc đẩy việc nuôi trồng và khai thác thuỷ sản nội địa.

Thực tế cho thấy, Cty CP Thuỷ sản Bình Định nhờ NK nguyên liệu mà đã tăng kim ngạch XK thuỷ sản từ 5 triệu USD (năm 2006) lên 17,8 triệu USD (năm 2007). Nhiều DN khác cũng duy trì được hoạt động và phát triển tốt nhờ có sự giúp sức của nguồn nguyên liệu ngoại như Cty Hải Việt (Vũng Tàu), Cty Hạ Long Simexco (Hải Phòng, Cty Incomfish và Cty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TP HCM) … Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 năm qua, Việt Nam đã nhập nguyên liệu thuỷ sản từ hơn 70 nước và vùng lãnh thổ, với giá trị từ 200-250 triệu USD/năm.

VASEP đã gửi công văn tới Bộ NN-PTNT, đề xuất phương án tăng cường mạnh việc NK nguyên liệu thuỷ sản. Mục tiêu  là sẽ NK khoảng 2 tỷ USD nguyên liệu thuỷ sản để đưa kim ngạch XK đạt ít nhất là 7,5-8 tỷ USD vào năm 2020. Để thực hiện được điều này, VASEP đề nghị giảm thuế nguyên liệu thuỷ sản NK xuống còn 0-0,5%; phát triển hệ thống kho lạnh; xây dựng đầu mối tìm nguồn nguyên liệu thuỷ sản để nhập khẩu và cung cấp cho các nhà máy chế biến; đơn giản hoá các thủ tục hải quan và kiểm tra ATTP nguyên liệu NK; có chính sách tín dụng với sự tham gia của các ngân hàng lớn phục vụ việc nhập nguyên liệu số lượng lớn, dự trữ lâu dài…

Nhập tôm nguyên liệu- Lợi hay hại?

Tôm nguyên liệuTin VASEP đề nghị cho nhập tôm nguyên liệu đã nhanh chóng loang xuống các vùng tôm ở miền Tây. Một giải pháp mới mở ra nhiều triển vọng cho ngành chế biển thủy sản trong nước chăng? Vì là mới nên chưa biết thực hư thế nào. Ngay ở vùng tôm sú mạnh nhất ĐBSCL là các tỉnh duyên hải và bán đảo Cà Mau, đa số các DN cũng còn bán tính, bán nghi. Còn nông dân nuôi tôm sú chỉ biết bàn ra bàn vào mà chưa thể biết chuyện gì sẽ đến trong nay mai?

Nhưng ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Cty Cafatex (Hậu Giang) thì lập tức lên tiếng ủng hộ: “Từ mấy năm trước, tôi đã từng đeo đuổi kiến nghị nên cho nhập tôm nguyên liệu. Thông thường người ta từng nghĩ nhiều về vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng suy xét và dõi theo những nước sản xuất tôm lớn như Thái Lan thì họ đã nhập tôm nguyên liệu vài ba năm nay rồi, dĩ nhiên là nhập để chế biến rồi tái xuất.

Đến nay Thái Lan đã chứng minh họ đúng và đi trước ta. Còn ở phía trong nước, nhìn vào lịch thời vụ từ đầu năm đến tháng 6-7, nghĩa là khoảng hơn nửa năm mới tới mùa thu hoạch tôm thì đương nhiên các NM chế biến hoạt động trong tình trạng lúc no dồn lúc đói góp. Thử hỏi một NM công suất chế biến 50 tấn/ngày nhưng vào những tháng đầu năm chỉ thu mua được 2 tấn nguyên liệu thì làm sao giữ chân công nhân?”.

Thực tế từ mấy năm qua ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và nhất là Cà Mau, nhiều NM đã lên tiếng vấn đề thiếu nguyên liệu, công nhân phải nghỉ luân phiên chờ việc, thu nhập giảm sút và hơn hết kim ngạch XK thủy sản khó có thể nâng cao như năng lực sản xuất vốn có. Thăm dò một số DN khác thì hầu hết tỏ ra đồng thuận, bởi không ít DN đã từng ngồi chờ từng xe tôm đông lạnh về là đưa luôn vào chế biến nên họ thấu hiểu cảnh nguyên liệu ăn đong.

Nhưng đứng ở góc độ người nông dân thì sao? Nhập tôm nguyên liệu về có giống chuyện nhập khẩu muối? GĐ một DN trấn an rằng, nếu tôm sú đang vào mùa thì không DN nào lại dại dột đi nhập tôm nguyên liệu, vì giá tôm nguyên liệu các nước đều được công khai. Hơn nữa chi phí nhập tôm, cước tàu…tính ra không thể rẻ hơn tôm trong nước. Vì vậy, để tránh lỗ DN chỉ có thể nhập tôm khi nguồn tôm nội địa thiếu hụt. Vị này kết luận: Suy xét cho cùng người nuôi tôm không nên quá lo lắng trước khuyến nghị của VASEP...

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai cá thể khỉ vàng mò vào vườn nhà dân

LÀO CAI Sau khi bắt được hai cá thể khỉ trong vườn, người dân đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng để đưa về trung tâm chăm sóc.