Theo đề án này, tỉnh Bắc Giang đặt kế hoạch sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ nay đến năm 2025 bình quân mỗi năm trên 1 triệu m³, giai đoạn từ năm 2026-2030 bình quân mỗi năm trên 1,2 triệu m³ và 100% gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp. Phát triển lâm nghiệp theo hướng đa giá trị trong đó có các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng. Thúc đẩy các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp. Xây dựng thương hiệu cho các loại lâm sản mà đặc biệt là cây dược liệu và các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Nâng cao chất lượng đời sống của người làm rừng phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập của họ tăng 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 bằng 50% mức bình quân chung của người dân cả tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu trên, đề án đưa ra các giải pháp như xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông, lâm, ngư kết hợp như vườn rừng, trang trại rừng, trồng dược liệu, nuôi vật nuôi dưới tán rừng.
Phát triển rừng bền vững theo hướng trồng cây lâu năm để lấy gỗ lớn, trồng cây bản địa, khai thác theo băng chứ không khai thác trắng, khuyến cáo không đốt xử lý thực bì, tham gia chứng chỉ rừng…