Chảo lửa Cà Lò
Ở huyện biên giới Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng, có nhiều bản làng nép mình trên những dãy núi đá vôi trùng điệp. Ở đó, mùa nắng nóng cũng là lúc người dân trải qua thời điểm vất vả nhất trong năm. Ở đó, từng giọt nước quý như hạt thóc, hạt ngô của dân bản.
Đến Bảo Lạc, nói đến mùa hạn, phải nói đến thôn Cà Lò (xã Khánh Xuân). Từ tuyến đường nhựa liên xã, chúng tôi vượt gần 10km đường mòn để đến được Cà Lò. Dọc đường đi bộ, cả vùng toàn là những dãy núi đá vôi, tuyệt nhiên không có một dòng sông, dòng suối nào. Sau hai giờ đi bộ, Cà Lò hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, bản người Dao này ở ngay sát biên giới Việt - Trung.
Nhìn từ trên cao Cà Lò như một lòng chảo, những ngôi nhà xen kẽ, rải rác trên triền núi đá. Những ngày này, cả vùng như chảo lửa, đã nhiều tháng ở đây không có mưa.
Vừa đến đầu bản, chúng tôi gặp Chảo Lá Ú đang tất bật đi xách nước về nấu bữa trưa. Vừa thở hổn hển, Ú nhanh nhảu bắt lời với chúng tôi, bể chứa nước của gia đình đã hết phải đi xin nước của hàng xóm về nấu cơm.
Gia đình có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có một bể nước tầm chục m3, mùa mưa năm trước đã tích đầy bể, nhưng nhiều tháng nay không mưa nên đã cạn kiệt. "Nếu mấy hôm tới không có mưa, bể nước nhà hàng xóm mình hay sang xin cũng sẽ hết, lúc đó phải ra tận đường cái cách bản chục cây số chở nước về dùng", Ú nói trong lo lắng.
“Giờ chỉ đủ nước dùng để nấu ăn thôi, chứ tắm, rửa chân tay thì không có, nước rửa rau xong tích lại để giặt quần áo cho trẻ con hay dùng để cho trâu, bò uống”, Ú chia sẻ cách ứng phó của gia đình trong mùa nắng hạn năm nay.
Không xa nhà Ú là nhà của anh Chảo Vần Sang, ngay trước cửa nhà là bể nước. Nhà của Sang khá rộng, dưới sàn nhà chất đầy củi khô, dẫn chúng tôi đi xem bể nước, Sang bảo nước còn đủ dùng trong vài tuần nữa. Bể của nhà anh Sang chứa được hơn chục m3 nước, được xây ở vị trí thoáng nhất trong sân. Chiếc bể này là nguồn chứa nước mưa duy nhất của gia đình do Nhà nước hỗ trợ. Cũng như nhiều hộ khác, bể nước của Sang sắp hết, nhiều tuần nay gia đình phải dùng rất tiết kiệm.
Ở bản Cà Lò này, nhà nào cũng phải tiết kiệm nước, nước nhiều lúc còn quý hơn hạt thóc, hạt ngô. Năm nào mùa mưa đến sớm thì đỡ khổ, chứ năm nay nắng nóng kéo dài chưa biết đến lúc nào, anh Sang cho biết.
“Hai tháng nay phải tiết kiệm từng giọt nước, nước vo gạo xong để lại rửa chân tay, rửa chân tay xong lại mang đi cho gia súc uống. Nhiều nhà nước sắp hết, đàn ông vài ngày mới tắm một lần dành nước cho trẻ con, phụ nữ”, anh Sang chia sẻ.
Tất cả người dân trong thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Không có nguồn nước, cây lương thực chính của dân bản là ngô. Cây ngô được trồng trong những khe đá trên những triền núi đá vôi. Mùa khô không có nguồn nước, người dân ở đây cũng không thể trồng rau hay sản xuất nông nghiệp.
Anh Chảo Vần Sang cho biết, mỗi lần đi chợ mua được mớ rau mất một buổi, trời mưa đường trơn phải đi cả ngày. Trước đây, mùa khô hạn, nhiều nhà phải mang can ra tận trung tâm xã để lấy nước về sinh hoạt, rất vất vả.
“Cứu tinh” của dân bản
Sống ở Cà Lò từ bé, Chảo A Nảy hiểu rõ thiên nhiên ở đây khắc nghiệt như thế nào. Dân bản bám trụ lập làng, bảo vệ biên cương được đến ngày hôm nay cũng một phần do Nhà nước hỗ trợ rất nhiều.
“Trước năm 2017, mùa khô, Cà Lò như chảo lửa, xung quanh bản toàn núi đá vôi, cây cỏ ít nên rất nóng. Thời điểm ấy, người dân Cà Lò tích nước mưa trong chum, vại, ít nhà có bể lớn. Chuyện một tuần mới tắm một lần nói ít người tin, nhưng là câu chuyện có thật”, Nảy tâm sự.
Năm 2018, mỗi hộ ở Cà Lò được Nhà nước đầu tư một bể chứa nước mưa, bể được xây kiên cố bằng xi măng, thể tích khoảng 10 - 15m3. Mùa mưa, người dân sẽ tích nước đầy bể để chuẩn bị cho mùa khô khắc nghiệt kéo dài khoảng 3 đến 4 tháng. Từ khi có bể chứa nước, người dân Cà Lò tắm thỏa thích vào mùa mưa, chuyện tích nước cho mùa khô cũng dễ dàng hơn.
Cà Lò có 34 hộ, 198 nhân khẩu người dân tộc Dao, 100% là hộ nghèo, đây là xóm khó khăn nhất của xã Khánh Xuân. Trong số 34 hộ, 6 hộ chưa có bể chứa nước mưa, lý do là những hộ này mới tách ra ở riêng sau thời điểm Nhà nước đầu tư làm bể.
Dân bản chia sẻ, chính quyền, bộ đội biên phòng cũng đã đến bản khảo sát làm công trình cấp nước sạch cho người dân, nhưng do ở đây không có nguồn nước nên khó thực hiện. Xung quanh bản toàn núi đá cheo leo cũng không có mặt bằng làm các hồ lớn để chứa nước.
Ông Chảo Sành Phấu cho biết, bà con đã thích nghi với cuộc sống thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất. Những năm gần đây được Nhà nước quan tâm xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời, hỗ trợ làm đường nội thôn, xây dựng bể nước nên đời sống người dân ở đây đã đỡ vất vả hơn trước. Giờ mỗi năm chỉ còn khoảng 2 tháng thiếu nước sinh hoạt, so với trước đã đỡ hơn nhiều.
Những năm gần đây, điểm trường mầm non, tiểu học cũng đã mở ở Cà Lò, con em trong thôn không phải vượt hàng chục km đến trường nữa. Khi chúng tôi đến, dù đang trong thời gian cao điểm mùa khô, téc tích nước của điểm trường vẫn còn. Cô giáo ở đây cho biết, các cô phải làm hệ thống thu gom nước từ mái nhà để chảy vào téc, chum, bể mới đủ nước dùng vào mùa khô. Ngoài dùng cho giáo viên sinh hoạt còn nấu ăn cho các em học sinh mầm non.
Do không có nguồn nước, sản xuất nông nghiệp ở Cà Lò rất hạn chế, người dân chỉ trồng cây ngô ở nương xa bản khoảng 7km. Năm nào thời tiết thuận lợi thì đủ ăn, năm nào nắng nóng nhiều năng suất thấp. Nhưng để trồng được ngô, người dân Cà Lò cũng phải vượt khoảng 7km đến những nơi triền núi có độ dốc thấp, đất ẩm. Những khu đất này được người bản địa gọi là các lũng, những lũng bà con hay trồng ngô ở sát biên giới với Trung Quốc.
Trở lại câu chuyện thiếu nước ở Cà Lò, trong tương gần chính quyền đang nghiên cứu sửa chữa tuyến đường đến bản. Khi đường đi lại dễ hơn, khoảng cách từ thôn ra đến đường cái sẽ rút ngắn chỉ còn vài chục phút, lúc đó, nỗi lo về nước sinh hoạt sẽ được giải quyết triệt để.
Ở thời điểm hiện tại, Cà Lò vẫn như chảo lửa trong những ngày cao điểm nắng nóng. Anh Sang, anh Nảy và người dân Cà Lò vẫn phải gồng mình chống chọi, chắt chiu từng giọt nước.
Người Cà Lò ngóng chờ từ lâu cơn mưa để giải nhiệt, người Cà Lò cũng cần giải pháp để có nước sạch dùng ổn định, lâu dài. Và hơn hết, dù trong hoàn cảnh khó khăn, người Cà Lò vẫn bám bản, giữ đất miền biên cương của Tổ quốc.