| Hotline: 0983.970.780

Tích cực hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm động vật và thủy sản

Thứ Hai 16/12/2019 , 09:32 (GMT+7)

Năm 2019, ngành NN-PTNT dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 41,3 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới.

tt-tien172922933
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự Hội nghị Tổng kết công tác Thú y năm 2019. Ảnh: Kế Toại.

Để có được thành tựu đó là sự nỗ lực, chủ động, tích cực hỗ trợ xuất khẩu của các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Cục Thú y. 

Ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh

Bùng phát từ tháng 2/2019, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 8.553 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.947.473 con; trọng lượng 340.370 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước) gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống ngành Thú y, đến nay, DTLCP đã cơ bản được khống chế, với 5.751 xã (chiếm 67,2 tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, TP đã qua 30 ngày dịch không tái bùng phát. Hưng Yên đã hết dịch, Hải Dương đã có 100% xã đã qua 30 ngày; 16 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

Dịch cúm gia cầm (CGC) tiếp tục được khống chế. Năm 2019 dịch xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, TP, tiêu hủy 133.203 con gia cầm. Đến nay, cả nước chỉ còn 1 ổ dịch CGC A/H5N6 tại tỉnh Tuyên Quang và 1 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Vĩnh Long chưa qua 21 ngày. 

Hỗ trợ đắc lực, xuất khẩu lợn, gà, sữa, trứng, yến sào tăng mạnh

Năm 2019, xuất khẩu (XK) các sản phẩm động vật đã đánh dấu thêm một mốc son quan trọng khi Tập đoàn TH xuất khẩu chính ngạch lô sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, “mở đường” cho sản phẩm sữa của Việt Nam tiến vào thị trường khổng lồ này.

Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam XK sang Trung Quốc là kết quả của Cục Thú y (đơn vị chủ trì) và phối hợp với các đơn vị có liên quan đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; tổ chức đàm phán, phổ biến, hướng dẫn khai báo, đăng ký, xây dựng, triển khai thực hiện.

Đối với sản phẩm yến sào, đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang hoàn tất việc thẩm định hồ sơ và sẽ tổ chức đoàn thanh tra sang Việt Nam kiểm tra các cơ sở nuôi yến đăng ký XK sang Trung Quốc vào đầu năm 2020. Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác đi rà soát điều kiện vệ sinh thú y của các DN sản xuất yến để chuẩn bị đón đoàn thanh tra Trung Quốc sang kiểm tra.

toi172734949
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Kế Toại.

Còn với thị trường Hồng Kông, cơ quan Thú y Hồng Kông đồng ý NK tổ yến từ Việt Nam với điều kiện các lô hàng XK sang Hồng Kông phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch XK do Cục Thú y cấp và chứng nhận sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phù hợp cho người tiêu dùng.

Sau khi khai mở được thị trường lớn Nhật Bản XK thịt gà chế biến vào năm 2018, năm 2019 XK thịt gà chế biến sang Nhật Bản đã đạt 11 triệu USD. Sau những nỗ lực đàm phán của Cục Thú y, đến nay, đã có thêm 2 nhà máy chế biến thịt gà của Công ty cổ phần C.P Việt Nam được gửi tới Cục Thú y Nhật Bản để xem xét hồ sơ và dự kiến sẽ cử đoàn thanh tra sang kiểm tra thực tế vào tháng 6/2020.

Dự báo năm 2020, sẽ có thêm nhiều DN tham gia XK nữa như Cty Phú Gia (Thanh Hóa) và sản lượng XK thịt gà chế biến sang Nhật Bản sẽ tăng mạnh, riêng Cty Koyu & Unitek tại Đồng Nai sẽ XK khoảng 3.625 tấn thịt gà chế biến, trị giá khoảng gần 20 triệu USD.

Ngoài Nhật Bản, Cục Thú y cũng đã xúc tiến XK sang thị trường Hồng Kông và Nga. Vừa qua, Cục Vệ sinh thực phẩm và Môi trường Hồng Kông đã có thư thông báo chấp thuận NK thịt gà chế biến từ Việt Nam với điều kiện các lô thịt gà chế biến XK từ Việt Nam sang Hồng Kông phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch XK do Cục Thú y cấp và xác nhận các điều kiện an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo mẫu đã được thống nhất.

Còn với thị trường Nga, vừa qua đại diện cơ quan thú y của Liên bang Nga đã thăm chuỗi sản xuất thịt gà chế biến của Việt Nam và đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ xem xét NK thịt gà chế biến của Việt Nam, trước mắt sẽ xem xét và chấp thuận hồ sơ của 2 DN đã được Nhật Bản cho phép NK.

Đối với XK thịt lợn mảnh, Cục Vệ sinh thực phẩm và Môi trường Hồng Kông đang đánh giá về các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm đối với thịt lợn mảnh đông lạnh của Việt Nam. Sau quá trình thảo luận, đàm phán, tháng 9 vừa qua, Cục này đã có thư thông báo chấp thuận NK thịt lợn mảnh đông lạnh của Việt Nam và đồng ý mẫu dấu chứng nhận kiểm dịch XK do Cục Thú y đề xuất. Trong tháng 10/2019, các lô hàng thịt lợn mảnh đông lạnh đầu tiên của Việt Nam đã được XK thành công sang thị trường Hồng Kông.

XK trứng gia cầm chế biến từ Việt Nam sang Singpore, Hồng Kông vẫn đang diễn ra thuận lợi. Mỗi năm trung bình các DN XK khoảng gần 20 triệu quả trứng các loại sang các thị trường này.

thu-truong-tien172741472
Ảnh: Kế Toại.

Cục Thú y cũng đẩy mạnh, chủ động hỗ trợ XK thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản: XK thủy sản (bao gồm tôm) sang Hàn Quốc; XK tôm sang Úc; XK tôm sú sống sang Trung Quốc; ứng phó với Lệnh cấm NK tôm của Chính phủ Ả rập Xê út; thúc đẩy XK thủy sản sang Braxin; tháo gỡ vướng mắc xuất khẩu thủy sản sang Liên bang Nga...

Ngày 3/12/2019, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) đã có thư chính thức gửi Cục trưởng Cục Thú y thông báo chấp thuận dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản cho 5 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam kể từ ngày 4/12/2019.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai công tác năm 2020 của Cục Thú y diễn ra ngày 16/12, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ trình Trung ương Đảng, Chính phủ, ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, điều hành để ngăn chặn, khống chế DTLCP, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả, tái sản xuất, đồng thời điều tiết tăng thịt gà, trứng, sữa, trâu, bò, dê, cừu,… để bù đắp thiếu lượng thịt lợn, bình ổn thị trường.

“Bên cạnh đó, Cục Thú y đã chủ động, tích cực hỗ trợ DN XTTM, mở rộng thị trường XK sản phẩm động vật và thủy sản, đặc biệt là đối với sản phẩm sữa XK sang thị trường Trung Quốc, thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản, yến sào sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông...; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho DN XNK... Năm 2020 Cục Thú y cần tiếp tục phát huy những thành tựu này” – Thứ trưởng Tiến nói.

Thứ trưởng lưu ý, năm 2020 sẽ là năm tập trung tái đàn lợn, tốc độ phát triển sẽ cao, do đó, yêu cầu đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học để chủ động phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh XK phải được đặt lên hàng đầu. Về hệ thống ngành thú y, Cục Thú y cần tổng kết thực trạng, báo cáo đề xuất cụ thể.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm