| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt giải pháp để phát triển ngành lâm nghiệp phía Bắc năm 2020

Thứ Năm 12/12/2019 , 14:57 (GMT+7)

Nhiều giải pháp phát triển rừng được đưa ra trong hội nghị tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2019 và nhiệm vụ năm 2020 của các tỉnh phía Bắc sáng 12/12.

Thứ trưởng NN-PTNT Hà Công Tuấn và các đại biểu chủ trì hội nghị sáng 12/12.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, cơ bản nhiệm vụ phát triển rừng ở các tỉnh phía Bắc đã hoàn thành với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch như trồng rừng tập trung hay chăm sóc rừng.

Năm nay, giá trị xuất khẩu lâm sản của các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng, góp phần tăng giá trị xuất khẩu lâm sản cả nước năm 2019 ước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm 2018, vượt 2% so với kế hoạch.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19%; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD, tăng 34%. Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhận xét về 2019, Thứ trưởng NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng ngành lâm nghiệp nói chung và 31 tỉnh phía Bắc nói riêng tiếp tục hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ của ngành, trong đó có những chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, tạo ra những dấu mốc mới trong phát triển ngành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn như hạn hán, cháy rừng và cả khó khăn về thị trường.

Trong năm qua, ngành lâm nghiệp còn một số hạn chế như tình trạng phá rừng, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý.

"Vi phạm pháp luật về phá rừng và ứng phó hạn hán trong PCCR đã có những chuyển biến tích cực, số vụ giảm nhưng diện tích phá rừng vẫn còn lớn, chưa thể hài lòng được", ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương có phá rừng tự nhiên trong năm qua phải tự kiểm điểm sâu sắc.

Ở một số nơi, tiến độ giải ngân tiền Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho chủ rừng còn chậm một số tỉnh chi tiền DVMTR chưa đúng đối tượng, mục đích như Bình Phước, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông và Lai Châu.

Năm 2019, kết quả trồng rừng trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt thấp, chỉ được 72,6% so với kế hoạch và 60,8% so với cùng kỳ năm 2018, kết quả cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn thấp.

Do tiến độ sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên nhiều cán bộ, người lao động giao động tư tưởng theo hướng tiêu cực, không an tâm công tác, thậm chí có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng phá rừng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ về nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp trong năm 2020.


Cần nhiều giải pháp cho phía Bắc

Tiến tới năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng các tỉnh phía Bắc phải tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên toàn quốc, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên và đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi bước sang năm 2020, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu các địa phương và tổng cục cần chủ động rà soát kế hoạch, chuẩn bị triển khai ngay từ đầu năm theo phương hướng làm thế nào để lâm nghiệp tăng trưởng cao dựa trên đà đang có nhưng phải bền vững.

Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, trồng rừng là phải gắn với chế biến, tiêu thụ và áp dụng công nghệ cao, giống tốt. Theo ông, cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% sau 2020, tập trung nâng cao chất lượng rừng. Bên cạnh đó, giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế của lâm nghiệp không thấp hơn giai đoạn 2016-2020, hay không được dưới 6%.

Để thực hiện các mục tiêu tiêu trên, tổng cục đưa ra nhóm giải pháp gồm 6 nội dung, trước hết là bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, theo đó, tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều tra, triệt phá các đường dây khai khác, buôn bán gỗ lậu.

Giải pháp tiếp theo là thúc đẩy sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 có 300 ngàn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển chế biến gỗ và lâm sản theo chuỗi giá trị.

Với giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, cần phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm đủ tầm để tạo cơ hội, lợi thế cho các doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Do đó, cần đổi mới trong quản lý lưu thông hàng hóa lâm sản, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, khuyến khích, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.

Không chỉ có cơ quan quản lý, địa phương hay doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả, ngành lâm nghiệp cần huy động thêm nguồn lực như thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng hay chủ động hợp tác quốc tế, vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các hiệp định, chương trình, dự án quốc tế.

Về giải pháp liên quan cơ chế, chính sách, Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, cần triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các cơ chế, chính sách hiện hành và một số chính sách mới ban hành. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách để phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng, có chứng chỉ rừng bền vững được quốc tế công nhận.

Cuối cùng là giải pháp về khoa học, công nghệ, nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng, giống nhập nội có chất lượng cao, giống biến đổi gen phục vụ phát triển rừng sản xuất, công nghệ chế biến sau dăm gỗ và sản phẩm phụ trợ thay thế hành nhập khẩu.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.