Đợt triều cường đúng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết) đẩy nước biển lấn sâu vào nội đồng đúng vào thời điểm nông dân đang cần lấy nước mặn để thả nuôi tôm nước lợ. Do đó, nhiều nông dân đã tranh thủ đỉnh triều đưa nước vào vuông nuôi, vừa nhẹ công bơm vừa có nguồn nước tốt.
Sau khi thu hoạch xong vụ lúa - tôm, ông Trần Thành Thưởng (xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) đón đợt triều cường để bơm nước vào ruộng, xử lý đạt chuẩn, sẵn sàng ngày thả tôm giống. Do kỳ nghỉ Tết dài ngày, ông Thưởng phải chờ các cơ sở bán tôm giống khai trương hoạt động trở lại.
Ông Thưởng cho biết: “Đại lý vừa khai trương đầu năm mới là tôi đặt mua hơn 90.000 con tôm sú giống để thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 3ha theo mô hình quảng canh tôm – lúa. Đây là đợt thả tôm chính trong năm nên tôi đã xử lý kỹ môi trường nuôi trước khi thả giống. Hy vọng vài tháng nữa sẽ có vụ tôm trúng mùa, được giá”.
Năm 2025, ngành nông nghị Kiên Giang có kế hoạch khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 811.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 390.700 tấn. Riêng với tôm nước lợ, diện tích thả nuôi trên 137.000ha, sản lượng thu hoạch 140.000 tấn. Trong đó thả nuôi theo mô hình tôm – lúa với diện tích 107.000ha, sản lượng thu hoạch trên 73.000 tấn.
Tiếp tục phát triển đa dạng các mô hình như nuôi quảng canh tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm - cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhật VietGAP, hữu cơ... Đặc biệt, tăng thêm diện tích, năng suất, sản lượng tôm càng xanh, cua trong mô hình kết hợp. Cải tiến quy trình nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với cấp mã số vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc.