Xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay mức độ cơ giới hoá (CGH) ở một số khâu trong lĩnh vực nông nghiệp đạt tỷ lệ khá cao như: trồng trọt đạt từ 70 - 100%, chăn nuôi đạt từ 55 - 90%. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo thứ trưởng, hội thảo "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững" lần này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển CGH nông nghiệp theo hướng đồng bộ, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, gia tăng chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp để đạt các mục tiêu của CGH đồng bộ đến năm 2030. Đặc biệt đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, một trong những giải pháp chính trong thời gian tới là phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp. Hướng đến nền nông nghiệp thông minh.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu, đơn vị đặc biệt quan tâm đến các giải pháp canh tác trồng trọt thông minh (nông nghiệp 4.0), ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp. Điển hình, Công ty Bayer Việt Nam mang đến giải pháp số hóa hướng đến nền nông nghiệp thông minh, bền vững.
Số hóa là được xem xu hướng tất yếu không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà của nhiều lĩnh vực khác. Trong nông nghiệp, ngoài việc hiệu quả thì tính tinh gọn, dễ quản lý cũng là một yếu tố cần được cân nhắc. Trong đó số hoá là cách tiếp cận hiệu quả, có thể mở rộng ở quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Từ đó, gia tăng chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả quản lý theo thời gian thực mọi lúc, mọi nơi.
Theo ông Bùi Văn Kịp, Cố vấn cấp cao, Công ty Bayer Việt Nam, đơn vị đã có nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu chứng minh rằng máy bay không người lái có thể mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, máy bay không người lái còn được sử dụng cho mục đích bón phân, gieo sạ, quản lý tăng trưởng của cây trồng và nhiều ứng dụng tiên tiến khác đang được phát triển. “Đây được xem như là một giải pháp có nhiều điểm tối ưu và dễ tiếp cận đối với nhà nông”, ông Kịp nhấn mạnh.
Máy bay không người lái mang lại hiệu quả kinh tế bằng cách tiết kiệm thời gian phun tưới, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng thời góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân công lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những thách thức của nhà nông trong nhiều năm qua. Cụ thể, đối với việc phun thuốc bảo vệ thực vật, sử máy bay không người lái mang giúp giảm lượng nước cần sử dụng, tăng hiệu suất lao động và hiệu quả phòng trừ sâu bệnh một cách đáng kể.
Giải pháp số hóa mang lợi ích tối đa cho nông dân
Airfarm là ứng dụng được Bayer Việt Nam phát triển với mục đích ban đầu kết nối nông dân với hệ thống nhà cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An và Kiên Giang. Mục đích tận dụng tối đa lợi thế về mạng lưới nhà phun độc lập đang không ngừng mở rộng tại những địa bàn trồng lúa quan trọng trên.
“Trong quá trình xây dựng và phát triển giải pháp Airfarm, chúng tôi nhận thấy ứng dụng này còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác nhằm mang đến nhiều giá trị cộng thêm cho nhà nông, và tầm nhìn của chúng tôi là đưa Airfarm là trở thành một nền tảng kết nối các đối tác trong cả chuỗi giá trị nông nghiệp”, ông Kịp chia sẻ.
Bước đầu Airfarm đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận khi đã kết nối hàng trăm nông dân với các nhà phun uy tín tại địa phương, giúp nông dân cập nhật kiến thức nông nghiệp và lợi ích của drone thông qua các hoạt động hỗ trợ tại địa bàn và các buổi chia sẻ kiến thức trực tuyến thu hút hàng ngàn nông dân tham dự.
Bên cạnh chức năng kết nối nông dân với hệ thống nhà phun, giải pháp Airfarm còn đang được nghiên cứu phát triển khả năng thu nhận thông tin, ghi nhận lịch sử canh tác nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó phân tích và đưa ra dự đoán và dự báo sâu bệnh, dư lượng thuốc. Với những chức năng này, nhà nông có thể xây dựng biện pháp quản lý đồng ruộng, kiểm soát dư lượng thuốc cũng như đưa ra giải pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả, đảm bảo năng suất và tiêu chuẩn chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu như châu Âu và Nhật Bản.
Với tất cả các tính năng đã đề cập, Airfarm hướng đến trở thành một nền tảng dựa trên công nghệ máy bay không người lái và kỹ thuật số. Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hoàn chỉnh, ở đó Bayer có thể mang lại lợi ích tối đa cho người nông dân nói riêng và chuỗi giá trị nông nghiệp nói chung.