Đây là những phóng viên, biên tập viên, nhà báo thường tham gia công tác đưa tin, bài về tình hình dịch Covid-19. Loại vacxin phòng Covid-19 được triển khai tiêm là vacxin AstraZeneca.
Với đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người, nhiều đối tượng và đi nhiều nơi, thậm chí phóng viên phải “xâm nhập” vào những “điểm nóng Covid-19”, đặc biệt là phóng viên theo dõi mảng y tế để đồng hành cùng ngành y tế, Chính phủ trong công tác đưa tin, tuyên truyền phòng chống Covid-19 đến người dân một cách hiệu quả, lực lượng phóng viên cũng có nguy cơ cao mắc Covid-19.
Do đó, Nghị quyết 21 của Chính phủ đã xếp lực lượng phóng viên vào nhóm đối tượng “Tuyến đầu chống dịch Covid-19” cùng với thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; người làm việc ở các khu cách ly; làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ; Tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên.
Trước khi tiêm, các phóng viên đều được nhân viên y tế tư vấn kiểm tra sức khỏe như đo huyết áp, đo thân nhiệt và khai thác tiền sử sức khỏe. Sau khi tiêm vacxin phòng Covid-19, các phóng viên đều được yêu cầu ở lại ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm.
Một trong những người được tiêm vacxin phòng Covid-19 đợt này là nhà báo Hoàng Lộc, báo Tuổi Trẻ. Ngồi tại khu vực theo dõi sau tiêm chủng, anh Hoàng Lộc chia sẻ: “Cùng với nhiều đồng nghiệp phụ trách mảng y tế, tôi cảm thấy may mắn vì được Bộ Y tế, Viện pasteur TP.HCM tạo điều kiện tiêm vacxin phòng Covid-19 đợt này. Trước, trong và sau tiêm tôi cảm thấy thoải mái, và chưa gặp vấn đề gì về sức khỏe.
"Với công việc thường xuyên phải tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm, việc được tiêm vacxin cũng là một cách giúp chúng tôi phòng ngừa virus SARS-CoV-2, an tâm trong tác nghiệp. Bên cạnh đó là tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế", nhà báo Hoàng Lộc cho hay.
Là một trong những người thường xuyên tác nghiệp trong tất cả các “điểm nóng Covid-19” như bệnh viện, khu cách ly, nhà ga, sân bay…, nhà báo Phạm Nguyễn Phú Thọ, báo Dân Trí chia sẻ: “Mặc dù có nhiều thông tin về tác dụng phụ của vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca, nhưng bản thân tôi cho rằng bên cạnh ý thức phòng chống dịch, thực hiện tốt 5K, thì vacxin chính là tấm lá chắn tốt nhất, giúp phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường có thể yên tâm để kịp thời đưa tin đến độc giả.
“Đây chính là sự quan tâm của Chính phủ dành cho lực lượng tuyến đầu trong mặt trận tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19”, nhà báo Phạm Nguyễn Phú Thọ chia sẻ.
Buổi tiêm vacxin phòng Covid-19 cho phóng viên, nhà báo có sự tham gia giám sát, theo dõi sau tiêm của hai bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng xe cấp cứu và trang thiết bị cấp cứu.
Hiện TP.HCM đang tổ chức tiêm vacxin phòng Covid-19 đợt 2 cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Cho tới nay, TP.HCM đã tiêm vacxin phòng Covid-19 cho hơn 45.000 người. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và tất cả đều ổn định. Chiến dịch tiêm chủng đợt 2 sẽ hoàn thành trước ngày 5/5.
Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng đến mục tiêu 80% dân số được tiêm phòng vacxin Covid-19. Tuy nhiên, nguồn cung vacxin hiện tại còn hạn chế, do đó, Việt Nam đang triển khai tiêm vacxin cho 11 nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ.