Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng để cải cách hành chính thành công, thì không riêng gì TP Hồ Chí Minh, mà cả nước cần phải có sự đột phá về tiền lương và thu nhập (cho đội ngũ công chức), cùng với xã hội hóa dịch vụ công.
Quá đúng!
Không phải bây giờ, mà rất nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã nói đến chuyện đó từ hàng chục năm nay. Và từ hàng chục năm nay, câu hỏi “bao giờ công chức sống được bằng lương” vẫn là một câu hỏi không có lời đáp.
Một sinh viên đại học mới ra trường, nếu thi đỗ vào công chức, thì lương khởi điểm là 2,34 hệ số, nhân với 1.210.000 đồng/hệ số, được 2,83 triệu đồng. Trừ đóng bảo hiểm với các loại phí, còn được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Trong khi để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu (kể cả tiền thuê nhà) thì công chức đó cần 6 đến 7 triệu mỗi tháng.
Câu chuyện của GS Nguyễn Lân Dũng về cô con gái của mình, sau khi bảo vệ xong luận án tiến sỹ ở Mỹ, đã trở về nước làm việc với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Mãi mấy năm sau mới được tăng lên 3,9 triệu đồng/tháng, trong khi mỗi tháng cô phải trả lương cho osin 5 triệu đồng, chưa kể phải nuôi ăn, vẫn đang gây “bão” trong dư luận.
Để có được 6-7 triệu đồng trong khi lương chỉ có 2,5 triệu đồng. Để có 5 triệu đồng trả lương cho osin và số tiền còn cao hơn nữa để nuôi sống mình và gia đình, trong khi lương mỗi tháng chỉ có 3,9 triệu. Những kỹ sư và tiến sỹ đó làm thế nào? Đương nhiên họ phải tìm cách “xoay” bên ngoài hoặc “xoay” ở hầu bao người dân. Mà một khi công chức đã phải dành phần lớn thời gian để “xoay” thì làm thế nào mà nền hành chính có hiệu quả được? Làm thế nào để “nhanh, gọn, thuận tiện, đáp ứng nhanh yêu cầu của người dân” trong giải quyết các thủ tục hành chính được?
Muốn nền hành chính có hiệu quả, thì phải đột phá về tiền lương cho đội ngũ công chức. Để họ không phải “xoay”, để họ có thể toàn tâm toàn ý cho công vụ. Không ai có thể phản bác được điều hợp lý đó. Nhưng... lấy đâu ra tiền để tạo “đột phá” về lương và thu nhập, trong điều kiện ngân sách đang thiếu trước hụt sau? Tăng thuế và phí ư?
Còn tăng đến thế nào nữa? Thứ đơn giản nhất là xăng dầu thì trong mỗi lít xăng, người dân đã phải “cõng” đến 7 nghìn đồng các loại thuế và phí. Còn hàng trăm loại thuế và phí khác nữa, cũng đều cao ngất ngưởng rồi.
Cách duy nhất để “đột phá” về lương và thu nhập cho công chức, là tinh giản đội ngũ công chức đã quá cồng kềnh, chồng chéo, song trùng hiện nay, trong đó có tới “30% là những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhưng, không biết bao nhiêu là nghị định, thông tư về vấn đề trên đã được ban hành, mà chẳng giảm được bao nhiêu, trong khi bộ nào, ngành nào cũng kêu thiếu người, lực lượng mỏng...
Muốn cải cách thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải cải cách. Xem ra, câu chuyện này cũng chẳng khác gì chuyện “muốn có hộ khẩu Hà Nội thì phải có nhà. Muốn có nhà ở Hà Nội thì phải có hộ khẩu” một thời vậy.