| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ Mỹ nghiên cứu cây cao su ở Việt Nam

Thứ Hai 24/07/2023 , 21:29 (GMT+7)

Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso đã bỏ ra 10 năm để có được công trình nghiên cứu ‘Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897-1975’.

Tiến sĩ Michitake Aso.

Tiến sĩ Michitake Aso.

Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso là nhà sử học về môi trường toàn cầu, tập trung vào mảng đề tài về nông nghiệp và y tế ở Pháp và Việt Nam trong các thế kỷ 19, 20. Ông tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Albany và Đại học Texas - Austin (Mỹ), Đại học Quốc gia Singapore và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản).

Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso nói về lý do dành 10 năm nghiên cứu về cây cao su ở Việt Nam: “Đồn điền đã trở thành một biểu tượng mẫu mực của cả xã hội nô lệ và dân tộc tự do. Chúng ta sẽ không thể hiểu lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20, mà không tìm hiểu những tác động của các đồn điền lên mỗi người và sức khỏe con người”.

Trước đây từng có cuốn sách khá nổi tiếng về cây cao su, do người Việt Nam viết, là tác phẩm “100 năm cao su ở Việt Nam” của Đặng Văn Vĩnh. Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso không chỉ tham khảo tác phẩm nói trên, mà còn sang Việt Nam để gặp gỡ những chuyên gia về cao su và phong thổ Nam bộ như Phạm Thanh Hòa, Hồ Sơn Đài, Huỳnh Lứa, Nguyễn Văn Lịch, Trần Quang Toại, Phạm Văn Hy, Mạc Đường... để có thêm dữ liệu hoàn thành công trình “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897 - 1975”.

Cuốn sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897 – 1975” xuất bản tại Mỹ, tạo ra hiệu ứng xã hội không nhỏ, được trao Giải thưởng Henry A.Wallece của Hội Lịch sử Nông nghiệp năm 2018 và Giải thưởng Charles A. Weyerhaeuser của Hội Lịch sử Rừng. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa mua bản quyền để giới thiệu cuốn sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897 - 1975” tại Việt Nam, nhằm giúp công chúng hiểu thêm về cây cao su có nguồn gốc từ rừng Amazon đã đến nước ta như thế nào.

Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso khi thực hiện “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897-1975” đã chọn lối thuật chuyện, đi từ giai đoạn đế quốc thực dân Pháp đến thời kỳ quốc gia Việt Nam hậu thuộc địa. Cuốn sách cho thấy những thay đổi trong mối liên hệ giữa khoa học, tư bản tư nhân và chính phủ đã tác động như thế nào đến dự án thuộc địa về phát triển kinh tế và sứ mệnh khai hóa cũng như các dự án xây dựng quốc gia thời hậu thuộc địa.

“Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897-1975” mở đầu bằng câu chuyện về bác sĩ Yersin (1863-1943). Nhiều người khâm phục sự đóng góp của Yersin đối với lĩnh vực y học, nhưng ít ai nhận thức đầy đủ đóng góp của Yersin với lĩnh vực nông nghiệp. Yersin có thể xem là một trong những người đầu tiên trồng cao su ở khu vực Suối Dầu ngoại ô thành phố Nha Trang.

Giai đoạn quản lý Viện Paster, Yersin nghiên cứu về sản xuất cao su từ giống hevea. Thế nhưng, ông không chỉ quan tâm đến phương diện khoa học của nền nông nghiệp nhiệt đới mà còn xem cao su là nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động khác của Viện Paster, và dần dần mở rộng diện tích canh tác cây cao su ở đồn điền Suối Dầu. Vào năm 1897, Yersin nhận 200 cây con từ Vườn Bách thảo Sài Gòn. Năm 1900, Suối Dầu có khoảng 30 ha đất canh tác cao su, sau đó tăng lên 307 ha vào năm 1914.

Bác sĩ Yersin là một trong những người đầu tiên mở đồn điền cao su tại Việt Nam.

Bác sĩ Yersin là một trong những người đầu tiên mở đồn điền cao su tại Việt Nam.

Thời điểm tiếp theo, Yersin không phải là người duy nhất sử dụng cây cao su để tăng thêm nguồn thu nhập. Vào những năm 1920, một loạt các tổ chức lớn, từ Hội Thừa sai Paris tới Nhà thương điên Biên Hòa, cũng trồng cao su. Yersin cũng nhận thức được mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ, bắt đầu hợp tác với công ty Michelin.

Vào năm 1905, Michelin trả Yersin 28,5 franc cho 1,316 ký cao su được lấy mũ lần đầu từ đồn điền Suối Dầu. Vào thập niên 1940, mỗi năm đồn điền này đã sản xuất 100 tấn mủ khô, một con số bé nhỏ so với tổng sản lượng của toàn Đông Dương, nhưng cũng đủ để Yersin chi trả kinh phí cho các hoạt động của Viện Paster.

Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso chứng minh, sự có mặt của cây cao su rất được chính quyền thực dân Pháp chú trọng và đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo chặt chẽ. Nghị định năm 1891 đã chỉ rõ tầm môi trường đối với sinh vật sống. Ví dụ, điều 63 liệt kê những lý do để bảo tồn rừng, bao gồm 6 điểm. Thứ nhất, để giữ đất ở sườn núi. Thứ hai, để bảo vệ đất chống lại xói mòn do sông suối. Thứ ba, để duy trì nguồn nước. Thứ tư, để bảo vệ các cồn và bãi cát khỏi sự tác động của đại dương. Thứ năm, để bảo vệ biên giới, lãnh thổ. Thứ 6, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bốn lý do đầu tiên có liên quan mật thiết đến sự điều tiết của rừng đối với môi trường và khí hậu địa phương. Lý do thứ năm, xem rừng là yếu tố ngăn chặn sự tấn công từ kẻ địch. Trong khi đó, lý do thứ sáu cho thấy, vai trò của rừng với vùng nhiệt đới là có lợi cho con người.

Ban đầu, các chủ đồn điền tránh né khoa học về sinh thái, nhưng sau này, nhờ ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn mà đồn điền trở thành nơi được ưu tiên để khảo sát sự chuyển đổi từ sinh thái học thuộc địa sang sinh thái học nhiệt đới. Các đồn điền cao su là những phòng thí nghiệm, trong đó sự kiểm soát đối với con người và các loại bệnh trên cây trồng được thử nghiệm và ứng dụng trên địa thế vùng Đông Dương.

Chủng tộc là khái niệm then chốt trong việc sử dụng sự kiểm soát đó, và trong thập niên 1910, kiến thức y sinh học nổi bật về bệnh sốt rét được kết hợp với sự phát triển của công nghiệp hóa nông nghiệp để hình thành nên những ý tưởng về chủng tộc. Khi mà những kỹ thuật nông nghiệp xác định đặc điểm của người bản địa và người châu Âu, thì việc có hay không có ký sinh trùng plasmodia gây bệnh sốt rét thường được cho là điểm khác biệt giữa người Kinh, Khơ Me với người Thượng. Một số người và nhóm dân cư nhất định đã trở thành mục tiêu của các chương trình quốc gia. Lao động ở đồn điền nhận được phần lớn nhất trong số những nguồn lực ít ỏi để chống lại bệnh sốt rét, nhưng phần lớn dân cư nông thôn không được chăm sóc sức khỏe.

Trong sự hình thành và phát triển của cây cao su ở Việt Nam, không thể không nhắc đến việc chăm sóc tinh thần cho người lao động ở các đồn điền. Cuốn sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái 1897-1975” hé lộ sự tuyên truyền của các chủ đồn điền tập trung vào cả tiện ích vật chất và các mối quan hệ xã hội. Một tờ nguyệt san có tên Liên Lạc đã nhấn mạnh các khía cạnh “thiên đàng” trong đời sống của công nhân. Nguyệt san Liên Lạc đã phát hành ít nhất 30 số, trong khoảng thời gian từ tháng 1/1952 đến tháng 7/1954, và được in tại nhà in chính thức của chính phủ ở Sài Gòn.

Tiêu đề phụ của nguyệt san Liên Lạc là “cơ quan thông tin giữa các đồn điền cao su miền Nam và miền Bắc Việt Nam”. Mỗi số nguyệt san đều dành nhiều “đất” để đăng tải những lá thư ngắn từ công nhân đồn điền gửi cho người thân của họ ở các tỉnh phía Bắc.

Nhiều lá thư khá cảm động, trong thư cam đoan với các ông bố bà mẹ rằng người viết thư vẫn còn sống và sau đó hỏi thăm sức khỏe cô dì chú bác. Những dòng tâm sự trong các lá thư đến từ những thợ nhà máy có chút học vấn cho đến những người thợ cạo mủ hầu như không biết chữ. Có lý do để cho rằng, những người đầu tư cho tờ báo có thể đã cố gắng tạo dựng sự tin cậy bằng cách tìm kiếm những người lao động thực sự cho những câu chuyện này. Song lại chẳng có bức thư nào phàn nàn về điều kiện sinh hoạt trong các đồn điền, ngay cả khi các cuộc đình công của công nhân tiếp tục diễn ra, nghĩa là nguyệt san Liên Lạc do chủ đồn điền kiểm soát đã bị kiểm duyệt gắt gao.

Công trình nghiên cứu có giá trị khoa học về cây cao su ở Việt Nam.

Công trình nghiên cứu có giá trị khoa học về cây cao su ở Việt Nam.

Hành trình cây cao su ở Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm. Tiến sĩ Mỹ Michitake Aso đã có nhiều kiến giải, rất đáng để những người quan tâm đến cây cao su hôm nay phải tham khảo và suy ngẫm. Từ thập niên 1890 đến thập niên 1930, đất đai sẵn có với mức giá rẻ mạt khắp Đông Nam Á đã thúc đẩy các đồn điền mở rộng lấn vào đất rừng, và các nghiên cứu tập trung vào những kỹ thuật mở rộng này. Thêm nữa, trong thời kỳ thực dân, các nhà nghiên cứu ở Pháp chịu trách nhiệm về “các vấn đề nền tảng”, còn các nhà nghiên cứu ở Đông Dương đảm nhận “các vấn đề ứng dụng”.

Sau Thế chiến thứ hai, các nhà khoa học ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác vừa giành được độc lập phải thực hiện nghiên cứu cơ bản và tạo ra sự liên kết giữa lý thuyết và thực nghiệm nhằm gia tăng sản lượng cao su.

Đến lúc đó, sau hàng loạt thập kỷ mở rộng, vùng trồng cao su cùng với việc sáng lập các chính quyền do những người theo chủ nghĩa dân tộc điều hành đã bắt đầu đóng cửa vùng biên giới trồng cao su. Và khi không còn chế độ kiểm soát của chính quyền thực dân nữa, thì đất đai miễn phí và lao động giá rẻ không còn dễ tìm. Các nhà nghiên cứu buộc phải chuyển trọng tâm sang vấn đề làm sao để thu được thật nhiều mủ trên mỗi ha cao su.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm