| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 29/03/2019 , 07:58 (GMT+7)

07:58 - 29/03/2019

Tiện tay gây họa

Nhà báo Phạm Trung Tuyến có những ý kiến từ góc nhìn báo chí trước sự dễ dãi trong sử dụng truyền thông xã hội, góp phần dẫn đến những hệ lụy không lường trước được.

Người nông dân chăn đàn lợn, đàn gà để mưu sinh, gặp khi có dịch bệnh đã khốn đốn đủ đường, có khi tiêu tan cả cơ nghiệp, rồi mang nợ vào thân. Nhưng, ngay cả khi giữ gìn để vật nuôi của mình không mắc dịch thì họ cũng có cơ sạt nghiệp, chỉ vì cái ác hồn nhiên của đồng bào.

Có lẽ những người tung tin sai sự thật, thổi phồng nguy cơ, mức độ của bệnh dịch gia súc, gia cầm không cố tình gây họa cho nông dân. Có lẽ họ chỉ mong muốn chớp lấy những cơ hội để thu hút sự chú ý của công chúng đối với trang facebook của bản thân, để bán hàng, hoặc chỉ để thỏa mãn mong ước được biết đến. Họ có thể không đủ khả năng nhận thức được mình đã góp phần vu oan giá họa cho những đồng bào cùng khổ của mình.

Có lẽ những cơ quan, doanh nghiệp, trường học vội vàng công bố rộng rãi quyết định không sử dụng thịt lợn trong đợt dịch này chỉ đơn giản vì muốn thể hiện trách nhiệm với sự an toàn của khách hàng, người lao động, học sinh của mình. Nhưng đó là một hình thức thể hiện trách nhiệm dễ dãi, bất chấp hậu quả có thể khiến rất nhiều hộ chăn nuôi bị tẩy chay oan ức, dù đàn lợn của họ không hề bị nhiễm dịch.

Hồn nhiên gây họa, tiện tay gây họa cho cả một cộng đồng chỉ vì lợi ích nhỏ của mình, đó là cái ác của sự vô minh, cái ác mà con người ta khó phòng ngừa nhất, bởi không biết được vì sao, vào lúc nào nó có thể xảy ra.

Người ta có thể phòng ngừa một kẻ vô gia cư làm liều, có thể phòng ngừa một tên biến thái với ánh mắt bệnh hoạn. Nhưng người ta không thể phòng ngừa những kẻ sát nhân không tín hiệu, những con người làm điều ác cho người khác mà bản thân họ cũng không hề nghĩ biết nạn nhân là ai, không nhận biết tác động từ hành vi của mình sẽ ra sao.

Một cơ quan, một doanh nghiệp có thể hạn chế các nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm khi lựa chọn không sử dụng sản phẩm có khả năng lây bệnh. Nhưng, khi dùng quyết định cực đoan đó như một giải pháp truyền thông để tăng uy tín của mình, các cơ quan, doanh nghiệp đã vô tình phổ biến nỗi sợ hãi cực đoan tới cộng đồng.

Một người nội trợ có thể chia sẻ nỗi lo lắng về một loại thực phẩm. Nhưng khi cô ta dùng những thông tin sai sự thật, hoặc được bóp méo, để thuyết phục người khác lo lắng giống mình, thì cô ta đã vi phạm pháp luật về quản lý thông tin.

Mạng xã hội cung cấp cho mọi người công cụ để có cơ hội bình đẳng về truyền thông. Nhưng sự bình đẳng ấy vẫn cần dựa trên những nguyên tắc cộng đồng. Đó là sự trung thực, là trách nhiệm đối với thông tin mà mình cung cấp tới cộng đồng. Tuy nhiên, đó lại là những nguyên tắc chỉ được đề cập trong các cơ quan báo chí chứ không phổ biến ngoài cộng đồng, nơi mà giờ đây người người đều có thể đưa tin, có thể bấm nút xuất bản tin tức như các tổng biên tập.

Người phụ nữ bán hàng online khi đưa tin giả mạo để câu like đã bị xử phạt hành chính. Đó có thể là một bài học đối với chị ta. Song, bài học đó không có ý nghĩa gì khi hàng ngàn hộ chăn nuôi vì những thông tin như thế mà sạt nghiệp. Bao nhiêu quyết định xử phạt hành chính cũng không thể bù đắp được những mất mát của những người nông dân. Bởi thế, đã đến lúc cần nhìn nhận những hành vi đưa tin giả mạo, gây hại cho cộng đồng không chỉ là sai phạm hành chính. Khi đó, người ta mới không còn hồn nhiên mà tiện tay gây họa.

Bình luận mới nhất