| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/04/2024 , 12:02 (GMT+7)
Trần Thanh Sơn

Trần Thanh Sơn

Nhà báo 12:02 - 15/04/2024

Chuốc cho trái sầu thêm... sầu

Nam bộ đang trong những ngày nóng nhất kể từ đầu mùa khô. Nhưng ngoài cái nóng do trời, nhiều chủ vườn sầu riêng còn đang 'nóng trong người' bởi chuyện bỏ cọc, bẻ kèo.

Nguồn cơn dẫn đến chuyện bỏ cọc, bẻ kèo là do giá sầu riêng trên thị trường đang giảm xuống và hiện ở mức thấp hơn khá nhiều so với thời điểm thương lái đặt cọc để mua “sầu riêng non” (chốt giá và đặt cọc để mua khi còn cách khá xa thời điểm thu hoạch).

Việc thương lái bỏ cọc, bẻ kèo mua sầu riêng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các chủ vườn sầu riêng đang hoặc chuẩn bị thu hoạch. Bởi các nhà vườn lại phải tất tả tìm mối tiêu thụ khác với giá hiện tại, tức là thấp hơn nhiều so với giá lúc bán “sầu riêng non”.

Tuy nhiên, trong chuyện bỏ cọc, bẻ kèo này, người trồng sầu riêng cũng không vô can. Bởi năm ngoái, khi giá sầu riêng liên tục tăng cao do nhu cầu thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều chủ vườn sầu riêng đã bẻ giao kèo trước đó với doanh nghiệp để bán sầu riêng cho thương lái với giá cao hơn.

Việc bẻ kèo của các chủ vườn đã khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lao đao, thậm chí thua lỗ vì doanh nghiệp lâm vào tình cảnh trở tay không kịp, gặp khó khăn lớn trong việc gom đủ lượng sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu. Doanh nghiệp buộc phải “đua” giá thu mua với thương lái để gom đủ lượng hàng cần thiết, mà giá thì bị đẩy lên từng ngày, trong khi giá xuất khẩu của đơn hàng thì không thể thay đổi.

Cuộc tranh mua, tranh bán sầu riêng trong năm ngoái còn đe dọa tới uy tín và sự phát triển bền vững của sầu riêng Việt Nam. Vì khi người ta đua nhau bẻ kèo, đẩy giá lên trong cuộc tranh mua, tranh bán, yếu tố chất lượng sẽ bị xem nhẹ và những gian lận về mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cũng xảy ra nhiều hơn…

Chuyện bỏ cọc, bẻ kèo không chỉ đang xảy ra với sầu riêng mà cũng đã xảy ra trong ngành lúa gạo. Cuối năm ngoái, khi giá lúa hàng hóa và giá gạo xuất khẩu tăng cao, nhiều nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bẻ giao kèo với doanh nghiệp, thương lái để bán lúa cho doanh nghiệp hay thương lái khác với giá cao hơn. Những tháng gần đây, khi giá gạo xuất khẩu giảm, kéo giá lúa gạo hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống khá nhiều, thì lại xảy ra chuyện doanh nghiệp hay thương lái hủy bỏ giao kèo với nông dân.

Giá lên, nông dân bẻ kèo với doanh nghiệp, thương lái. Giá xuống, đến lượt doanh nghiệp, thương lái bẻ kèo với nông dân. Chưa biết ai lợi, ai thiệt trong những cuộc “tương tàn” ấy, nhưng những cái mất rất lớn thì ai cũng thấy, đó là mất chữ “tín” trong kinh doanh, mất sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng sầu riêng, lúa gạo hay các nông sản khác.

Không giữ chữ “tín”, không tin tưởng lẫn nhau, đang là những nguyên nhân lớn cản trở sự phát triển kinh tế hợp tác, sự hình thành các liên kết dọc, ngành để tạo nên những chuỗi giá trị nông sản bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Chưa hết, không giữ chữ tín còn có thể gây mất uy tín cho cả một ngành hàng nông sản chủ lực Việt Nam trước các khách hàng quốc tế. Đây là chuyện đang xảy ra trong ngành cà phê khi trong thời gian qua, nhiều nhà cung ứng cà phê Việt Nam đã quá chậm trễ, thậm chí là không giao cà phê theo hợp đồng đã ký với các nhà xuất khẩu (trong đó có nhiều công ty FDI). Điều này khiến cho nhiều khách hàng nước ngoài đã có những lời phàn nàn gửi tới Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam. Đây là điều chưa từng xảy ra trong ngành cà phê Việt Nam suốt hàng chục năm qua.

Việc không giữ chữ “tín” trong kinh doanh nông sản ở Việt Nam là chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng tình trạng “Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ” như lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, hiện vẫn còn khá phổ biến trong ngành nông nghiệp nước ta, thành ra chữ "tín" vẫn luôn mong manh và rất dễ vỡ trước những biến động về giá cả, thị trường.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm