Về dưới bóng cao su
Những ngày cuối năm, mới 5h chiều mà trời Lai Châu đã nhập nhoạng tối. Trên đỉnh đồi bạt ngàn cao su của xã Chăn Nưa, tiếng sáo Mông đang len lỏi giữa 10 nóc nhà lợp tôn xanh đỏ, thi thoảng có tiếng trẻ em nói cười, tiếng phụ nữ trò chuyện.
Nằm cách quốc lộ 12 chỉ khoảng 1km, nhưng để tiếp cận được dãy nhà biệt lập này cũng phải mất 15 phút. Khó nhất là khoảng 500m cuối với những đoạn dốc tưởng như dựng đứng, đường hẹp, nứt nẻ buộc phải đi bằng xe máy.
Đây là nơi an cư lạc nghiệp của Tráng A Lềnh và họ hàng, dưới bóng những cây cao su lực lưỡng, cao vút. Chỉ 3 năm trước, Tráng A Lềnh vẫn còn ở bản Phi Én, xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ), cách ngọn đồi này 70km nếu đi quốc lộ, còn băng rừng, xuyên núi thì cũng đến 30km.
Thế rồi bế tắc vì không có đất canh tác, không còn được phá rừng làm nương, chàng trai người Mông đi theo tiếng gọi của cao su. Sinh năm 1980, Tráng A Lềnh là người đầu tiên đến cắm dùi ở ngọn đồi này. Một thời gian sau, công việc, thu nhập ổn, anh rủ hết gia đình, họ hàng ở Phi Én về Chăn Nưa.
"A Lềnh rủ hết anh em bạn bè về đây làm cao su. Cả bố mẹ A Lềnh cũng về cùng luôn. Thêm 3 con trâu, 2 con nghé cũng dắt về nốt", ông ngoại tuổi 44 phấn khởi kể, tay chỉ về đám gia súc đang thủng thẳng gặm cỏ ở cuối dãy nhà.
Hiện nay gia đình anh có 7 người chưa kể dâu, rể. Gồm, 2 vợ chồng, 4 người con và 1 đứa cháu. Anh nói, sinh năm 1980 mà có 2 rể, 1 dâu là chuyện bình thường của người Mông. "Già thế này mà chưa có dâu, rể thì có mà mất giống à", A Lềnh nói rồi cười sảng khoái dưới tán rừng cao su lúc sâm sẩm tối.
Trong số 4 người con, ngoài đứa út đang còn đi học ở Chăn Nưa thì 3 anh chị đã lập gia đình. Cũng có lúc lứa trẻ đòi về xuôi kiếm việc nhưng A Lềnh không đồng ý, anh nói có cao su là sống đàng hoàng rồi, không phải đi đâu cả, cứ ở Chăn Nưa cho gần gũi gia đình.
10 ngôi nhà nhỏ nằm dọc trên sống đồi cao su, trước mặt nhìn xuống quốc lộ 12, sau lưng là thung lũng nhỏ, có mảnh ruộng bậc thang đã thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ.
Đây là công trình của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II xây dựng cho những công nhân người Mông của mình, đúng theo tập quán ở trên cao của dân tộc này.
Trong gần 5.000ha cao su trên đất dốc của công ty, có hàng trăm lều lán được dựng lên để công nhân sinh sống và lao động, nhưng khu nhà của A Lềnh là tập trung nhất, khang trang nhất.
Chiều về, cánh đàn ông người Mông tụ lại uống rượu, phụ nữ chăm trẻ con, còn vài cậu trai mới lớn thì ngồi tập tành thổi sáo. Một cộng đồng dù nhỏ nhưng quây quần, ấm cúng. Trên hết là sự sung túc, no ấm đã hiện diện. Những người Mông như Tráng A Lềnh không còn lang thang, không còn đói nghèo nữa, dù mới chỉ 3 năm.
"Ở Phi Én giờ gần như không còn ai. Về Chăn Nưa làm cao su nhưng ở rải rác khắp nơi. Đến Tết anh em A Lềnh mới về thăm quê thôi", câu chuyện tiếp tục đưa đẩy trong men rượu. Thế nhưng chỉ vài chén, họ dừng, không uống nữa. Theo quan điểm mới của A Lềnh, uống say thì sáng mai không đi cạo mủ cao su, không đi chăn trâu được, nên dừng.
Những triền núi, triền đồi ở Tây Bắc mà trồng cao su, có những nơi nếu không phải người Mông thì khó có ai mà chăm sóc, khai thác nổi. Hiểu được điều đó, lại hiểu được tập quán của bà con, công ty cho dựng nhiều lán, trại trên các đỉnh đồi, đỉnh núi cho công nhân người Mông.
Nhờ vậy, những con người ngàn năm sống trên đỉnh núi, giờ lại bước đi giữa lô cao su dốc ngược, bàn tay thoăn thoắt dùng dao cạo để thu được dòng "vàng trắng".
Từ khi làm cao su, A Lềnh thường dậy từ 2 - 3h sáng, chuẩn bị rồi lên lô cạo mủ, công việc thường kết thúc vào lúc 7h30. Mùa đông với mùa hè thường chênh nhau khoảng 30 - 45 phút, do thời tiết. "Làm cao su về thì đi chăn trâu hoặc làm ruộng", A Lềnh kể.
Ngày mới đến Chăn Nưa, thấy cao su đủ ăn nên anh không đi đâu nữa, vận động mọi người đến làm cùng. Đến nay, thu nhập bình quân mỗi lao động trong nhóm của A Lềnh cũng đạt từ 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng, cũng có lúc dao động lên xuống, tùy theo năng suất.
Ăn thì đủ rồi, nhưng mua sắm, lễ Tết thì thực sự là chưa dư giả. Vì vậy, A Lềnh mong sao Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II có thêm chính sách giúp tăng năng suất, nâng thu nhập cho những công nhân như anh. Để những thế hệ người Mông tiếp theo ở Chăn Nưa có thể yên tâm an cư, lạc nghiệp dưới bóng cao su.
Trời đã tối hẳn, ai về nhà nấy. Tiếng sáo Mông cũng ngưng từ lâu, chỉ còn tiếng nói chuyện râm ran nghe không rõ trong những ngôi nhà mái tôn xanh đỏ, tiếng lá cao su xào xạo theo từng con gió, thi thoảng lẫn tiếng lục lạc của đàn trâu vọng về từ cuối xóm.
Góp đất, đổi đời
Hơn 10 năm trước, khi đưa cây cao su lên Tây Bắc, ngoài những hoài nghi của giới khoa học về tính khả thi, người dân bản địa cũng rất mơ hồ về loài cây vốn có thủ phủ tận Đông Nam bộ này.
Bên cạnh khó khăn về địa hình, đất canh tác cũng là thách thức lớn đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thời điểm đầu những năm 2010, có lẽ ít người dám tin, một phần không nhỏ diện tích cao su ở Lai Châu, Điện Biên lại là đất của đồng bào bản địa góp vào.
Cả xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) góp đến hơn 3.000ha đất trồng cao su với Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II, góp trong 30 năm. Người góp đất thì thường làm công nhân luôn, ngoài thu nhập từ khai thác, chăm sóc cao su, cuối năm còn có một khoản, được chia theo tỷ lệ diện tích đóng góp. Trong xã, có bản Nậm Cày là 100% số hộ đều tham gia góp đất, trồng cao su.
Nậm Cày là bản người Thái trắng, nằm sát sông Nậm Na, bao quanh là đồi cao su và ruộng bậc thang. Gần 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu ở đây 100% là người Thái. Trước đây, cuộc sống của bà con gắn liền với lúa, ngô, sắn, được hay mất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, đời sống từ đó cũng bấp bênh theo.
“Thế hệ trước chỉ làm nương, làm ruộng, rất khó khăn và khổ cực”, anh Lường Văn Nghìn, người góp nhiều đất trồng cao su nhất trong bản nói. Trước, sống trong nhà thưng vách nứa. Giờ, nhờ cao su, anh Nghìn có căn nhà sàn gỗ khang trang, kiên cố. Gian bếp thấy đủ cả bếp ga, tủ lạnh, nồi cơm điện rồi cả nồi chiên không dầu, chẳng khác gì miền xuôi.
Tiền mua sắm đồ đạc, vật dụng trong nhà, đều từ cao su mà ra. Kể từ khi cây cao su đi vào chu kỳ khai thác, thu nhập trung bình mỗi tháng của người đàn ông sinh năm 1970 này vào khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, nhà anh Nghìn còn góp khoảng 15ha trồng cao su. Như 2023, hết năm anh đến công ty nhận hơn 11 triệu đồng tiền góp đất.
12 năm trước, Lường Văn Nghìn chưa biết cây cao su ngang dọc thế nào. Nghe cán bộ xã, cán bộ công ty vận động, anh quyết tâm bỏ lúa, ngô, sắn sang làm cao su với niềm tin “sau này sẽ phát triển tốt”. Mà đúng là tốt thật. Từ những mơ hồ ban đầu, người đàn ông dân tộc Thái này bây giờ nắm rõ cây cao su trong lòng bàn tay, hiểu được sinh lý của chúng, biết cạo giờ nào, cạo góc nào là cho nhiều mủ nhất.
Nhìn ra xung quanh, cả bản Nậm Cày gần như nhà nào cũng có người làm cao su. Tổ số 4 của Nông trường Nậm Na, thuộc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II 2 có 50 công nhân, toàn bộ là người Nậm Cày, người Thái Trắng.
Nếu ai từng gắn bó với người Thái thì biết, họ rất sợ ra ngoài vào ban đêm. Thế nhưng khi làm cao su, công việc đòi hỏi nề nếp, giờ giấc thì việc lên đồi từ 4h sáng trở thành bình thường. “Việc dậy sớm đi làm thành nếp rồi, cứ đến giờ là dậy, là đi”, Lường Văn Thắng, tổ trưởng Tổ 4 của Nông trường Nậm Na nói.
Tiếp cận cây cao su từ năm 2014, Thắng nói nhà cũng góp hơn 5ha vào quỹ đất của công ty. Diện tích này trước chủ yếu làm lúa nương nhưng thu nhập bấp bênh, nhiều năm thời tiết bất thuận, lúa lép, còn đói ăn. Với năm 5ha này, cuối năm 2023 nhà anh được nhận 3,6 triệu đồng tiền góp đất.
Về thu nhập hằng tháng, mỗi công nhân ở tổ của Thắng trung bình có từ 5 - 6 triệu đồng, ổn định và giúp họ lo được cho gia đình, con cái ăn học đầy đủ.
Hằng ngày, công việc của họ bắt đầu từ 4h30 vào mùa đông và 4h vào mùa hè, cạo cho đến khi hết việc, thường kết thúc vào khoảng 9h sáng. Do đặc tính của cây cao su, giờ đó mới có mủ. Sau khi xong việc, thời gian còn lại trong ngày công nhân có thể làm ruộng, chăn nuôi nhỏ hoặc chăm sóc con cái.
“Không phải làm cao su mà bênh đâu, nhưng ở xã có vài bản không làm cao su, điều kiện đời sống kém hơn Nậm Cày bọn em nhiều”, Thắng quả quyết khi đang ngồi nghỉ dưới rặng cao su. Xung quanh tổ trưởng, anh chị em công nhân vẫn đang tất bật với những đường cạo của mùa cao điểm, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm.
Nông thôn mới đi đầu, cao su đi thứ hai
Chăn Nưa là xã đầu tiền của huyện Sìn Hồ về đích nông thôn mới, vào năm 2015. Còn với cao su, đây là điểm triển khai thứ hai trên toàn huyện, từ năm 2009.
Với hơn 90% dân số là người dân tộc Thái trắng, trước đây bà con chủ yếu canh tác nông nghiệp trên nước, kèm theo một ít lúa nước. Về cơ bản là nông nghiệp nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu.
“Hơn 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã rất cao. Bây giờ toàn xã có gần 750 hộ, khoảng 100 hộ vẫn diện nghèo nhưng đa phần là người già, neo đơn, không muốn sống cùng con cái”, anh Lò Văn Phong, Chủ tịch UBND xã thông tin.
Theo lãnh đạo 8X này, hiện nay có khoảng 40% dân số Chăn Nưa sống dựa vào cây cao su, một phần thanh niên thì về xuôi làm công nhân khu công nghiệp hoặc lao động tự do.
“Từ khi làm việc trong công ty cao su, nề nếp, giờ giấc sinh hoạt của bà con cũng nhiều thay đổi, về cơ bản là quy củ, kỷ luật hơn”, Chủ tịch xã nói. Theo anh, đây là cây trồng có tiềm lực và ổn định nhất ở địa phương, đặc biệt là từ khi đi vào khai thác, diện mạo của xã đổi thay rõ rệt.
Ngoài thu nhập cho công nhân, người góp đất, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II cũng hỗ trợ địa phương xây dựng trường học, làm đường giao thông. Điều này giúp con em của xã có điều kiện tốt hơn để học tập, sinh hoạt.
“Có thể có người chưa giàu được từ cao su nhưng thu nhập ổn định hơn, đời sống được nâng lên”, anh Lò Văn Phong khẳng định. Chưa kể, do yêu cầu về kỷ luật, thời gian làm việc, người dân cũng ít rượu chè say xỉn, xóa bỏ nhiều hủ tục trong sinh hoạt.
Vốn là xã miền núi khó khăn, Chăn Nưa từng thử nghiệm nhiều đối tượng cây trồng để giúp nhân dân thoát nghèo, làm giàu nhưng về cơ bản là không thành công. Chủ tịch Lò Văn Phong nói, khó khăn nhất mỗi khi muốn tái cơ cấu nông nghiệp cho địa phương là đầu ra của sản phẩm.
Có những cây trồng đã sinh trưởng, phát triển rất tốt ở Chăn Nưa nhưng đến lúc bán thì tắc. Không lo nổi đầu ra, lại phải bỏ. Chỉ có cao su, dù lúc thăng lúc trầm nhưng luôn bền bỉ và ổn định.
Giống với chủ trương của lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II, như Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Phú đã nói: “Cho dù phải giảm tất cả mọi thứ thì lương của anh chị công nhân không được giảm”.
"Trái tim" cao su trên ngã tư sông
Nậm Nhùn là huyện cuối cùng của Lai Châu nằm trên quốc lộ 12 trước khi chuyển sang địa phận thị xã Mường Lay của Điện Biên. Đây cũng là nơi giao nhau giữa sông Nậm Na và sông Đà.
Hai dòng nước lao vào nhau, tạo thành một ngã tư sông rộng lớn, bao quanh là ngọn núi hùng vỹ, đặc sản của Tây Bắc. Những ngày cuối năm, mùa nước dâng, mặt sông xanh ngắt và phẳng lặng, sơn thủy hữu tình.
Nơi ngã tư ấy, có một bán đảo nhô ra, chiếm đến già nửa lòng sông Nậm Na. Trong góc nhìn của flycam từ 500m phóng xuống, bán đảo này hao hao một trái tim. Trong trái tim đó là nhà máy chế biến mủ của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II, hình hài đang dần hoàn thiện.
Được tập đoàn đồng ý chủ trương từ năm 2021 nhưng đến ngày 29/5 vừa qua công trình này mới thực sự được triển khai. Hơn nửa năm "công trường rộn tiếng ca", giờ đây một nhà máy chế biến đẹp đẽ, hiện đại đã đi đến những công đoạn cuối cùng.
Những ngày này, hàng loạt nhà thầu, hàng chục hạng mục đang chạy đua để kịp tiến độ vận hành thử trong tháng 12/2024. Trong tiếng gầm gừ của máy móc công trường, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Phú nói: "Một khi có nhà máy, chi phí vận chuyển mủ sẽ giảm, giá thành hạ, lợi nhuận sẽ tăng".
Khái quát là thế, còn nếu mổ xẻ chi tiết, lãnh đạo công ty khẳng định không chỉ người dân góp đất được lợi, anh chị em công nhận được lợi mà ngân sách của tỉnh cũng tăng theo.
"Nếu chở mủ đi bán ở nơi khác, tỉnh không có thu ngân sách. Nhưng sản xuất ở đây rồi mới đem bán thì tỉnh sẽ được lợi", ông Phú quả quyết và nói thêm, nhà máy cũng sẽ tạo thêm một lượng việc làm nhất định cho bà con Nậm Nhùn, Sìn Hồ...
Ngoài chi phí, khi vận chuyển mủ đi xa doanh nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ thất thoát. Khi có nhà máy, vấn đề được giải quyết, chưa kể còn bảo quản, tích trữ sản phẩm được tốt hơn.
Lý giải về bài toán kinh tế, ông Phú phân tích: "Nếu chở vào miền Nam bán, mỗi tấn mủ chịu chi phí vận chuyển khoảng 2,7 triệu đồng. Khi có nhà máy, tiêu thụ qua các cửa khẩu lân cận thì con số này rút xuống 500.000 đồng/tấn".
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu như vậy, cần mở được thị trường với các đối tác Trung Quốc. Đây sẽ là vấn đề mấu chốt để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm mủ sau chế biến của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II.
Với kho chứa có khả năng lưu trữ 30.000 tấn, ông Phú tin rằng đó là điều kiện để công ty có thể tích trữ sản phẩm trong những giai đoạn giá xuống và tung hàng ra khi thị trường khởi sắc hơn.
Một trong những vấn đề nhức nhối của các nhà máy chế biến mủ cao su nói chung là môi trường, cụ thể là mùi và nước thải. Tuy nhiên, nhà máy này được trang bị dây chuyền sản xuất tối tân, có khả năng khử mùi khi chế biến. Về nước thải, hệ thống bể lắng, bể lọc dung tích lớn, nhiều lớp sẽ giải quyết được vấn đề.
Ngoài ra, đây cũng là nhà máy được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại nhất trong chuỗi các nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.