| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề khai thác 'vàng trắng' ở rẻo cao

Thứ Năm 07/12/2023 , 21:58 (GMT+7)

Lai Châu Từ bỏ thói quen làm nông nghiệp tự do, bà con đồng bào dân tộc ở huyện Sìn Hồ được đào tạo trở thành công nhân, giúp cải thiện được mức thu nhập.

Đồng bào người Mông được tấp huấn, dạy nghề khai thác mủ cao su tại huyện Sìn Hồ. Ảnh: Bảo Thắng.

Đồng bào người Mông được tấp huấn, dạy nghề khai thác mủ cao su tại huyện Sìn Hồ. Ảnh: Bảo Thắng.

"Trước đây, muốn tiêu gì mua gì thì đều phải mang thóc, ngô đi bán, đi đổi", Chang Thị Si ở xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ nhớ lại cuộc sống thuở mới lập gia đình. Theo lời người phụ nữ dân tộc Mông, nếu không có cao su về đóng trên địa bàn, chắc cuộc sống không bao giờ thay đổi.

Si không phải trường hợp hiếm tại Lùng Thàng. Vốn quen làm nông nghiệp tự do, bà con tại xã vài năm trước hầu như chỉ biết làm ruộng, làm nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Có đôi lúc, họ muốn đổi đời nhưng rào cản về đường sá, trình độ và tay nghề lại ngăn cản giấc mơ ấy.

Từ khi cây cao su được đưa lên Tây Bắc, nhất là vào giai đoạn những lứa mủ đầu tiên cho thu hoạch, nhận thức cho người dân thay đổi dần. Đặc biệt là khi các công ty cao su về tận bản, mở các lớp học tại chỗ để đào tạo nghề khai thác mủ.

Trong thời gian từ 15 ngày đến 1 tháng, người dân được tập huấn quy chế quản lý trong khai thác, kỹ thuật lựa chọn cây, cạo và bảo quản mủ cao su; các kỹ thuật bảo vệ, quản lý vườn cây sau khi khai thác; cách phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp để chăm sóc và bảo vệ tốt vườn cây. Bên cạnh đó, các học viên còn được giảng viên (thường là những công nhân lành nghề) trực tiếp hướng dẫn thực hành cạo mủ trên thân cây.

Vốn cần cù chịu khó, nên hầu hết các thanh niên ở Lùng Thàng tiếp thu nhanh. Kết thúc các lớp đào tạo ngắn ngày, gần như 100% công nhân đạt yêu cầu và được tuyển vào làm việc ở những đội sản xuất gần nhà.

“Trước kia em cứ nghĩ cạo mủ cao su là nghề khó học, vất vả. Nhưng được thầy hướng dẫn và các bạn giúp, em đã được nhận vào làm công nhân. Các kỹ thuật thiết kế cạo, mở miệng cạo, tạo đường cạo... em nắm vững”, Si bày tỏ.

Một bà mẹ trẻ địu con học nghề khai thác mủ cao su tại xã Chăn Nưa. Ảnh: Bảo Thắng.

Một bà mẹ trẻ địu con học nghề khai thác mủ cao su tại xã Chăn Nưa. Ảnh: Bảo Thắng.

Lứa công nhân trẻ giống Si ở các huyện vùng cao thuộc tỉnh Lai Châu, nơi cây cao su đã phủ bóng như Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, giờ đã quen với giờ giấc làm việc khoa học. Với các phần việc chăm sóc, cạo mủ hàng ngày, thu nhập hàng tháng của các công nhân không ngừng được nâng cao. Tính trung bình, mỗi công nhận có thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. 

So với việc đi làm nương, làm rẫy trước đây, một năm Si chỉ thu được khoảng 1 tấn thóc, tương đương với 6 - 7 triệu đồng. Lúc nông nhàn, cô phải đi làm ngoài kiếm thêm thu nhập nhưng rất ít. Giờ thì không những có việc làm và thu nhập ổn định, Si còn thời gian rảnh và tranh thủ làm được việc nhà, chăn nuôi, tra ngô, trồng lúa, cũng như chăm sóc con cái.

Cách nhà Si không xa, tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, một lớp học khai thác mủ cao su vừa mới mở. Đối tượng học của lớp này chủ yếu là thanh niên, hoặc các cặp vợ chồng trẻ. Nhiều phụ nữ đi học từ sớm, còn địu cả con trên lưng.

Anh Lò Văn Nam, người dân bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa cho biết, trong thời gian học việc, anh nhận lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Sau khi làm quen với khung thời gian và cách vận chuyển mủ, sản lượng cạo của anh tăng. Thu nhập, vì thế, tăng lên thành hơn 6 triệu đồng/tháng. 

Xã Chăn Nưa được xem là thủ phủ cao su. Nằm trên khu vực sông Nậm Na, xã có khoảng 200 người dân địa phương xin vào làm công nhân cao su. Bộ mặt nông thôn của xã, từ khi cao su cho thu hoạch, có nhiều khởi sắc, với những ngôi nhà kiên cố mọc lên. 

Ông Lò Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa cho biết, toàn xã có 6 bản, với gần 800 hộ, trên 3.000 nhân khẩu. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cao su, nên thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã cũng tăng lên 32 triệu đồng/người/năm. Đến nay, địa phương đã hoàn thành và đang duy trì xã nông thôn mới. Cùng với đó, tỷ lệ đói nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 12%.

Các lớp học nghề khai thác mủ cao su mọc lên ngày càng nhiều tại Lai Châu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các lớp học nghề khai thác mủ cao su mọc lên ngày càng nhiều tại Lai Châu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ có tái định cư, phát triển cây cao su, không những đời sống của người dân trong xã Chăn Nưa được từng bước nâng cao, mà cơ sở hạ tầng cũng phát triển. Đường nhựa giờ đã vươn đến các bản. Điện, nước, trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Tất cả các nhà dân đều được làm bằng gỗ lợp tôn kiên cố. 

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II cho biết, để duy trì sản xuất kinh doanh, công ty liên tục tuyển dụng lao động. Tính đến nay, hàng nghìn người dân tại các huyện đã được nhận vào làm việc. 

Ngoài ra, công ty sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, có thể là 1 hoặc 3 tháng cho nông dân, đồng thời ưu tiên mở tại các vùng dự án phát triển cây cao su có nhiều diện tích đưa vào khai thác mủ.

Hiện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cũng đang liên kết với các trường nghề để mở lớp đào tạo nghề khai thác mủ cao su, thu hút học viên trên địa bàn và một số từ các tỉnh lân cận như Điện Biên, Sơn La tham gia. Học viên đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ và nhận vào làm tại các công ty cao su khu vực Tây Bắc, đồng thời cam kết trả lương theo sản phẩm. 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.