| Hotline: 0983.970.780

BIỂN CẠN CÁ TÔM

Tiếng thở dài sau những mẻ lưới trống rỗng

Thứ Hai 18/07/2022 , 08:56 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Lúc trước, dù đèn công suất nhỏ nhưng cá, tôm, mực, rắn biển... kéo đến nhiều lắm. Cá bơi dày đặc quanh tàu. Giờ thì chong mấy tiếng đồng hồ cũng không ăn thua...

Chong đèn mấy tiếng, cá vẫn biệt tăm

Tàu buông neo khi hoàng hôn bao phủ trên biển cả bao la. Gió ầm ào mang hơi lạnh phả vào da thịt. Sóng lớn bổ mạnh khiến tàu chao đảo. Chiều dần vào tối. Dàn đèn điện công suất lớn gắn trên hai bên mui tàu bật sáng rực rỡ. Những ngôi sao cô đơn nhấp nháy phía trời xa. Bạn chài nằm trên sàn tàu rầm rì trò chuyện.

Ngư dân câu mực trên biển đêm, nhưng mực ngày càng hiếm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ngư dân câu mực trên biển đêm, nhưng mực ngày càng hiếm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Bài liên quan

Ông Võ Xuân Cẩm chăm chú nhìn vào màn hình máy dò đang phát chùm tia sóng siêu âm tìm tín hiệu đàn cá. Xa xa, đèn điện trên tàu cá tỏa ánh vàng lung linh như thành phố về đêm. Tôi cẩn thận từng bước chân dạo quanh boong tàu hứng làn gió lạnh đêm hè. Vùng nước quanh tàu sáng tỏ nhưng vắng cá.

Thấy tôi nhìn chăm chú, một bạn chài đến bên gợi chuyện: "Lúc trước hải sản dồi dào nên dù đèn công suất nhỏ nhưng cá, tôm, mực, rắn biển... kéo đến nhiều lắm. Cá bơi dày đặc quanh tàu thấy mà ham. Giờ biển cạn kiệt cá tôm nên chong mấy tiếng đồng hồ cũng không ăn thua. Với lại, bữa nay sóng lớn quá nên cá lặn sâu xuống dưới cũng không chừng?".

Vài ngư dân ngồi trên boong vẩy cần câu mực đang lượn lờ đâu đó trong biển đêm. Những người còn lại vẫn nằm trên sàn tán gẫu vì "sóng to gió lớn làm gì có mà câu". Dụng cụ câu mực khá đơn giản nhưng có thể giúp họ kiếm thêm mỗi đêm vài trăm nghìn đồng. Họ thường dùng ống tre cắt ngắn để cuộn sợi lưới khá dài gắn với mồi là hai con tôm giả bằng nhựa màu sắc sặc sỡ.

Cần câu là cành tre chừng ngón tay cái, dài cỡ bảy tấc, đầu gắn khoen kim loại để luồn sợi cước vào trong. Hai con tôm giả treo lủng lẳng đầu cần bay vút ra xa rồi rơi tõm xuống nước sau cú vẩy khá điệu nghệ. Người câu tháo dài sợi cước để hải lưu cuốn mồi trôi xa. Sau đó, giật nhẹ thu dây cuốn vào ống cho mồi giả chuyển động giống từng nhịp tôm bơi trong nước thu hút lũ mực đang tìm mồi.

Những mẻ lưới trống hoác cá tôm sau những lần nhọc nhằn buông - kéo. Ảnh: Thanh Kỳ.

Những mẻ lưới trống hoác cá tôm sau những lần nhọc nhằn buông - kéo. Ảnh: Thanh Kỳ.

"Cần thủ" vội thu dây khi tay kéo nằng nặng, lòng dạ khấp khởi mừng vì mực đã dính câu. Mực bị kéo lên khỏi mặt nước với làn da lấp lánh như dát kim tuyến giữa ánh đèn điện sáng vàng rực rỡ. "Số mực mỗi người câu được tính riêng chứ không gộp chung vô cả tàu. Bạn chài có quyền đem về ăn hay bán tùy thích. Chủ tàu khuyến khích anh em câu mực để kiếm thêm tiền lo cho gia đình lúc rỗi rãi khi chong đèn dụ cá. Nhiều đêm, có người câu mực bán được dăm ba trăm ngàn", anh Nguyễn Thành Phim cho biết.  

Một mẻ lưới, chỉ vài chục cân cá

Mãi rồi những chấm nhỏ li ti màu vàng nhạt cũng xuất hiện trên màn hình máy tầm ngư. Ông Cẩm vẫy tay ra hiệu chuẩn bị buông lưới. Chiếc thúng chai cùng một ngư dân rời tàu bên mạn trái kéo theo phao gắn đèn điện thắp sáng bằng pin dập dềnh trên sóng nước dẫn dụ đàn cá. Bên phải, ngư dân và thúng chai cũng rời tàu để canh giữ mép lưới ngăn ngừa cá thoát ra ngoài. Bạn chài đứng trên boong nắm mép lưới với vẻ mặt căng thẳng như sắp xung trận.

Dàn đèn điện trên tàu phụt tắt khiến mọi vật chìm trong đêm đen. Ông Cẩm kéo ga, tàu rẽ sóng vẽ hình tròn khá rộng trên biển. Ngư dân nhanh tay buông lưới vây quanh cá mực lượn lờ bơi theo ánh sáng đèn điện dập dềnh trên sóng nước. Lát sau, hai đầu lưới được gắn vào máy kéo đặt trên boong tàu. Những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt kéo trợ lực cùng máy. Lưng áo bạn chài đẫm mồ hôi trong đêm lạnh.

Ngư dân buồn bã bởi hết mẻ lưới này tới mẻ khác, tôm cá vẫn biệt tăm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ngư dân buồn bã bởi hết mẻ lưới này tới mẻ khác, tôm cá vẫn biệt tăm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Vòng vây hẹp dần, cá, mực hoảng loạng tìm cách thoát thân dưới ánh sáng bóng đèn mờ nơi mũi tàu. Lượng cá chỉ vài chục cân nên không cần dùng vợt xúc. Mọi người kéo luôn đáy lưới đổ vào thùng nhựa, cá tràn cả ra boong tàu. Những con cá nục lấp lánh ánh bạc trông thật đẹp mắt. Cá hố dài ngoẵng giương vây như ra vẻ đe dọa. Mực với làn da óng ánh ngoe nguẩy những sợi râu như nghệ sĩ múa dẻo chân tay.

"Bữa nay biển động nên cá, mực không ăn đèn. Gặp bữa trúng đậm mỗi mẻ lưới được vài tạ, đánh bắt cả đêm được hơn tấn. Thời điểm này cá vào gần bờ, là vụ đánh bắt chính trong năm, nhưng chỉ thu được bấy nhiêu là quá ít", ông Cẩm thở dài.

Tàu lại rẽ sóng chạy đến nơi khác trong đêm tối. Những ngư dân trẻ cặm cụi vo gạo thổi cơm. Bếp ga đặt nơi đuôi tàu được che chắn cẩn thận để ngăn gió lùa. Mớ mực trứng lớn tầm ngón tay cái vừa vớt lên khỏi mặt nước tươi rói được rửa sạch và cho vào nồi xào mặn. Tàu cá dừng hẳn rồi buông neo tại điểm đã định trước khi xuất bến. Đèn điện bật sáng soi tỏ làn da nhăn nheo vì gió lạnh trên biển đêm.

Cơm gạo trắng tinh và mực xào thơm dịu được bày ra sàn tàu chật hẹp. Mọi người quây quần xúc cơm và gắp mực vào tô rồi lui ra bên ngoài ngồi ăn ngon lành. Do sóng lớn nên họ không nấu canh để khỏi bị hất đổ. "Tụi tui không nấu cơm chiều vì chờ đánh bắt có cá hay mực tươi ăn mới ngon. Vậy nên thường ăn cơm tối khoảng chừng 11 giờ đêm. Chú em ráng ăn cho có sức để đỡ say sóng mới quay phim và chụp hình được. Lâu lâu mới đi mà không nôn ói là tốt đấy...", một lão ngư động viên.

Mỗi mẻ lưới có khi thu lác đác, chưa nổi một chiếc xô cá. Ảnh: Thanh Kỳ.

Mỗi mẻ lưới có khi thu lác đác, chưa nổi một chiếc xô cá. Ảnh: Thanh Kỳ.

Xong bữa cơm, ngư dân nghỉ ngơi rồi lại hối hả buông - kéo lưới. Tàu lại di chuyển đến điểm khác buông neo và chong đèn sáng rực với hi vọng khi quay vào bờ tôm cá đầy khoang. Lần thứ ba và cũng là mẻ lưới cuối cùng lúc hơn 3 giờ sáng chỉ thu được ít cá, mực. Bạn chài đẩy tiếng thở dài qua khói thuốc vờn bay. Ông Cẩm quay mũi tàu vào bờ, mở hết tốc lực hướng vào bến cá Mỹ Á.

"Phải tranh thủ chạy vào để bán cá còn tươi mới có giá. Biển giã mà. Hôm nay đánh bắt được ít nhưng bữa sau có thể được nhiều hơn. Trời yên biển lặng mà siêng đi thì cũng kiếm sống được", ông tâm sự.

Nhớ thời biển lắm cá nhiều tôm

Qua tuổi lục tuần nhưng dáng dấp ông Cẩm vẫn khỏe mạnh sau hơn 40 năm nhọc nhằn mưu sinh trên sóng nước. Trong tâm trí ông luôn hiển hiện thời biển còn lắm cá nhiều tôm. Thuở ấy, ghe thuyền công suất nhỏ và dụng cụ khai thác thô sơ nên nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ. Mỗi bữa đi biển buông lưới là thuyền khẳm cá tôm cùng nụ cười rạng rỡ khi về bến.

Ông cùng bạn chài thả chà cho cá quần tụ làm "của để dành" như người nông dân tích trữ lúa gạo sau vụ gặt. Họ chặt tre đằng ngà to lớn, đục lỗ rồi dùng dây cột chặt vào nhau thành hình chữ V. Mọi người cùng vượt sông Thoa sang núi Cửa cạy những tảng đá lớn rồi hì hục khiêng lên thuyền chở về bến. Họ mua sợi ni lông kết thành chùm lớn tựa những đóa hoa vạn thọ dâng lên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết.

Mờ sáng, tàu về bến, những lái buôn chờ tàu cá về để thua mua cũng buồn bã vì tàu không có cá. Ảnh: Thanh Kỳ.

Mờ sáng, tàu về bến, những lái buôn chờ tàu cá về để thua mua cũng buồn bã vì tàu không có cá. Ảnh: Thanh Kỳ.

Vào ngày đẹp trời, họ chuyển các thứ lên tàu và cùng nhau ra biển, đến những nơi có ghềnh đá ẩn mình dưới sóng nước. Họ thả những tảng đá lớn buộc dây chắc chắn vào khe rộng vào giữa ghềnh. Sau đó, ghép 3 chữ V bằng thân tre rồi nhấn xuống nước tựa khung đỉnh tháp hình lục giác lật ngửa hướng lên trời xanh.

Những sợi dây nối vào đá thả xuống ghềnh trước đó được cột chặt với khung tre đang ẩn hiện trong sóng nước. Ngư dân giỏi bơi lặn mang những chùm sợi ni lông buộc vào dây cuốn hút cá tôm đến trú ngụ. Gặp bữa đánh bắt ít cá, họ đưa tàu đến gần chà rồi chong đèn ngồi đợi. Lát sau, cá, mực bơi đến cạnh thân tàu và chỉ cần bủa lưới gom bắt rồi quay về bờ. "Lúc trước, tôi thả vài khóm chà nhưng bị tàu cá giã cào kéo phá hư hỏng mất rồi. Chú muốn biết chuyện làm chà thì gặp anh Sáu Xết (Nguyễn Xết), ảnh rành rẽ lắm...", ông Cẩm cho biết.

Nhớ bận theo ông Nguyễn Xết - Vạn trưởng vạn chài Hải Tân (phường Phổ Quang, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cùng bạn chài đánh bắt trên biển đêm. Mẻ lưới đầu tiên thu được ít cá, thế là ông lái tàu đến gần khóm chà với những đầu tre ẩn hiện giữa sóng nước. Tàu buông neo gần chà và chong đèn sáng rực giữa đêm đen. Lát sau, cá, mực, tôm và cả rắn biển kéo đến cạnh tàu tung tăng bơi lượn như muốn trình diễn vũ điệu biển khơi, trông khá đẹp mắt. Bạn chài vẩy cần rồi thu dây kéo những con mực ống gần bằng cổ tay lên khỏi mặt nước với gương mặt rạng ngời niềm vui.

Cá vây quanh tàu càng nhiều, ông Xết nhỏ nhẹ: "Ở trong chà ra đấy!". Ông ra hiệu bạn chài chuẩn bị buông lưới. Dàn đèn hai bên mui tàu phụt tắt. Con tàu lướt sóng lượn thành vòng tròn trên biển. Ngư dân nhanh tay buông lưới vào làn nước. Mẻ lưới thu được hơn 100kg cá, mực và tôm tươi rói.

"Thời ông nội tôi đã thả chà rồi đến đời cha và cả tôi. Lúc trước chưa có dây rợ nên các cụ phải lội bộ hàng chục cây số để mua tre và chặt cành cây rừng. Dây thừng cũng làm bằng nan tre. Sau này có dây rợ nên làm chà đỡ tốn công hơn trước. Có chà phải luôn canh chừng không cho ngư dân nơi khác đến lén đánh thuốc nổ. Mỗi lần bị thuốc nổ hơn nửa năm sau chưa có cá vào chà", ông cho biết.

"Nhờ có 3 khóm chà nên tụi tui không lo lỗ phí tổn. Những lúc đánh bắt nơi khác không có thì chạy đến đây cũng kiếm được ít tiền nuôi sống gia đình", lão ngư Nguyễn Lý, bạn chài trên tàu cá ông Xết góp chuyện.

         

   

               

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm