| Hotline: 0983.970.780

Biển cạn cá tôm

Thứ Sáu 15/07/2022 , 09:15 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI 'Ngư dân phải bám biển để mưu sinh', nhưng trong lòng họ chất chứa bao nỗi âu lo khi biển cạn tôm cá.

Dật dờ trên sóng lớn 

Gần 4h chiều, nắng hạ nóng rát như hơ trên than lửa. Nhiều tàu cá rời bến Mỹ Á, phường Phổ Quang (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) tiến ra biển Đông mênh mông sóng nước. Tôi bước lên tàu cá QNg-48957TS của 2 ngư dân Võ Xuân Cẩm và Nguyễn Thành Phim ở Tổ dân phố Hải Tân, phường Phổ Quang ra khơi buông lưới. Chuyến đi nhọc nhằn hơn hẳn những lần tác nghiệp trên biển tôi từng trải qua trước đó.       

Chiếc tàu cá với công suất trên 100 mã lực do ông Cẩm điều khiển đưa tôi cùng 11 thuyền viên ra biển qua cửa Mỹ Á. Cờ Tổ quốc gắn trên cột phía mũi tàu phần phật tung bay trước gió. Xa xa, nhiều tàu xuôi Nam - ngược Bắc dò tìm luồng cá trên biển rộng trong nắng chiều. Sóng bổ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa. Chốc lát, sóng xô mạnh và phủ lên boong khiến tàu nghiêng ngả, khó nhọc tiến về phía trước.

Ngư dân Phổ Quang sắp lưới gọn gàng trước khi vươn khơi. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ngư dân Phổ Quang sắp lưới gọn gàng trước khi vươn khơi. Ảnh: Thanh Kỳ.

Trên mui tàu, ông Cẩm nắm chặt tay lái và kéo ga, tiếng máy nổ giòn nhả khói đen hòa theo gió lướt trên sóng nước. Nhiều ngư dân nhìn tôi với ánh mắt ái ngại xen lẫn sự động viên, khích lệ tinh thần vượt qua sóng gió. Một lão ngư chép miệng: "Rủi cho chú em đi biển gặp bữa gió săn (mạnh) nên sóng lớn quá chừng!". Tôi cố ghìm cơn say sóng, gắng mỉm cười với mọi người rồi ngoái nhìn về bờ, xóm làng dần trôi xa tầm mắt.

Hoàng hôn bao phủ trên biển mênh mông. Làn nước quanh thân tàu từ màu ngọc bích chuyển sang xanh xám ẩn chứa bao điều huyền bí của đại dương. Tàu buông neo trong chiều muộn. Sóng vẫn ầm ào khiến con tàu nhô lên hụp xuống như cánh chim chấp chới, gáng sức vượt gió trong bão giông.

Ông Cẩm trao cho tôi 3 viên thuốc bằng đầu đũa ăn cơm cùng lời căn dặn: "Uống đi chứ say sóng chịu không nổi đâu!". Bạn chài mỏi mệt nằm chen chúc trên sàn tàu. Tôi cảm thấy đầu óc choáng váng, chân tay rã rời, tưởng chừng bao nhiêu sức lực đều tuột khỏi cơ thể. "Tụi tui còn thấy mệt thì anh chịu sao nổi. Nghề biển vất vả lắm, có lúc sóng to gió lớn hơn nhiều nhưng phải ráng sức buông rồi kéo lưới để bắt cá...", anh Phim tâm sự.  

Vượt qua sóng cả 

Hơn 20 năm lênh đênh mưu sinh trên sóng nước, anh Phim bao lần đối diện cuồng phong giữa biển cả. Khi ấy, con tàu vỏ gỗ tựa chiếc lá nhỏ nhoi nhấp nhô giữa muôn trùng sóng nước. Ranh giới sống - chết cận kề trong gang tấc với những phận đời bé nhỏ giữa biển khơi. Ngày nọ, anh cùng bạn chài đang buông - kéo lưới trên vùng biển Hoàng Sa thì nhận tin báo bão từ đất liền. Anh và những ngư dân cùng làng điều khiển 3 tàu cá hối hả chạy vào bờ.

Tàu cá của ngư dân Phổ Quang nối nhau ra biển qua cửa Mỹ Á. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tàu cá của ngư dân Phổ Quang nối nhau ra biển qua cửa Mỹ Á. Ảnh: Thanh Kỳ.

Trời mây u ám ẩn chứa hiểm họa khôn lường. Vẻ âu lo hiện lên trên từng gương mặt của anh và bạn chài. Giữa chừng, tàu của anh bị phá nước (bung ván gỗ đóng tàu khiến nước tràn vào khoang) nên không thể chạy nhanh về bến. Gió ầm ào lướt trên sóng dữ xô đẩy con tàu chao đảo liên hồi. Biển gầm gào như hung thần đe dọa nhấn chìm con tàu và những ngư dân can trường xuống đáy sâu.

Vào cách bờ chừng 50 hải lý, sóng gió quăng quật khiến tàu tròng trành như sắp lật nhào, hiểm nguy vô cùng. Anh ra hiệu cho bạn chài thả dàm (may bằng vải, khi thả xuống nước bung ra tựa chiếc dù) để giảm bớt sức mạnh của sóng bổ vào thân tàu. Con tàu ngả nghiêng trôi dần về phía nam đến tận vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), cách hàng trăm hải lý.

"Dân đi biển ai cũng chú ý theo dõi thời tiết nhưng vẫn phải gặp sóng to gió lớn. Thường thì tôi theo dõi dự báo khoảng 10 ngày nhưng khi ra không có cá nên chuyến biển kéo dài đến nửa tháng. Khi nghe tin gió bão chạy vào bờ không kịp vì quá xa hay gặp lúc tàu cá trục trặc...", anh cho biết.

Hơn 40 năm "gắn đời với biển", ông Cẩm trải qua bao hiểm nguy lẫn nhọc nhằn. Bữa nọ, gió từ đất liền thổi ra lạ thường khi ông và bạn chài đang buông lưới cách bờ hơn 10 hải lý. Mọi người vội thu lưới trước khi đưa tàu về bến, gương mặt sạm đen vì nắng gió không giấu nổi vẻ âu lo. Dẫu vội vàng nhưng đã muộn, những con sóng lớn tiếp nối bổ vào thân tàu. Ông gắng giữ cần lái cho tàu tiến lên phía trước hết sức khó khăn. Con tàu chao đảo như người say rượu bước trên đường đá gập ghềnh.

Tàu cá đang hoạt động trên biển. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tàu cá đang hoạt động trên biển. Ảnh: Thanh Kỳ.

Hôm ấy, cha ông cùng ra biển với con vội thắp hương lầm rầm khấn nguyện, vái lạy tứ phương cầu cho sóng yên biển lặng. Vào cách bờ chừng 2 hải lý, sóng dữ bổ mạnh khiến tàu chúi nhủi, tưởng chìm xuống biển sâu. Ông thét gào bảo bạn chài buông neo giữa tiếng gió hú ghê rợn. Dòng hải lưu gần bờ và sóng lớn đẩy tàu trôi về phía nam, cách đấy hàng chục hải lý.

Rồi bão cũng qua, tàu về bến trong nỗi mừng vui lẫn xót xa từ những người thân phập phồng lo sợ dưới mái nhà đơn sơ che mưa gió. "Cha ông truyền lại những kinh nghiệm đi biển, nhất là cách đoán biết sóng to gió lớn để tìm nơi tránh né. Tụi tui cũng luôn theo dõi dự báo thời tiết nhưng vẫn gặp nguy hiểm bởi thời tiết ngày càng diễn biết thất thường", ông Cẩm tâm sự.         

Xăng dầu đắt đỏ, sức ép tổn phí đè nặng

17 tuổi, anh Phim theo cha cùng bạn chài ra biển mưu sinh trên chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ. Sau nhiều năm dành dụm cùng khoản tiền vay mượn, anh đóng tàu công suất lớn để vươn ra khơi xa. Tai họa ập đến khiến anh choáng váng, vợ chết lặng khi tàu đang sửa chữa trên bãi bị lửa thiêu trụi trong đêm. Hơn 700 triệu đồng hóa thành tro bụi khiến lòng anh rối bời giữa lời thăm hỏi, động viên từ những người dân trong làng.

Anh cố trấn tĩnh sau sự việc, thế chấp căn nhà để vay 500 triệu đồng mua tàu cá tiếp tục ra khơi. Quyết tâm bám biển của anh khiến bạn chài đem lòng cảm mến. Họ đồng lòng cùng anh vượt sóng gió ra khơi đem lại khoản thu nhập cao khi tàu về bến. Anh hùn vốn với người thân mua thêm tàu cá công suất lớn đánh bắt trên các vùng biển khơi xa.

Ông Cẩm (bên phải) cùng tác giả ăn bữa tối lúc 11 giờ đêm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ông Cẩm (bên phải) cùng tác giả ăn bữa tối lúc 11 giờ đêm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nhưng biển giã khó lường. Thu nhập phập phù vì biển cả dần vơi tôm cá và chi phí tăng cao so với trước. Anh bán tàu và rút phần hùn vốn trả nợ vay để quẳng nỗi lo âu đè nặng cõi lòng. Khoản tiền còn lại anh mua nửa chiếc tàu và một phần lưới để cùng ông Cẩm với bạn chài bám biển mưu sinh.

"Lúc nợ hơn cả tỉ bạc tôi lo lắng lắm, lo đến sụt cân luôn. Sợ làm ăn thua lỗ thì họ lấy mất nhà, không còn chỗ ở. Vậy nên tôi bán tàu lớn và rút phần hùn vốn để trả nợ cho nhẹ người. Giờ đánh bắt gần bờ nên chi phí thấp, nếu có lỗ cũng ít thôi. Mà hôm nay có lỗ phí tổn thì bữa khác làm ăn được, cũng kiếm chút đỉnh lo cho gia đình...", anh cho biết.

Giá xăng dầu cứ tăng vun vút khiến chi phí mỗi chuyến biển vượt trội so với trước. Ngư dân nhiều làng chài ven biển thở dài ngao ngán, không dám đưa tàu ra khơi vì ngại lỗ phí tổn. Bến cá vắng lặng thay cho cảnh nhộn nhịp như từng diễn ra trong quá khứ. Tàu cá im lìm nằm phơi mình nơi bến đậu, dẫu đây là thời vụ đánh bắt chính trong năm. Thế nhưng, ngư dân Phổ Quang vẫn động viên nhau kiên trì bám biển.

Với công suất hơn 100 mã lực, mỗi đêm hành nghề lưới vây rút gần bờ, tàu cá của ông Cẩm tiêu tốn trên dưới 100 lít dầu. Ông ước chừng chi phí nhiên liệu cùng thực phẩm khoảng 3 triệu đồng, "tăng hơn so với trước nhưng nếu lỗ cũng ít thôi". Vậy nên ông cùng anh Phim và 10 bạn chài vẫn buông - kéo lưới đêm đêm rồi về bến cá Mỹ Á khi trời vừa rạng sáng. Trên bến - dưới thuyền rộn rã tiếng nói cười, ngã giá bán mua.

Ngư dân trên tàu ông Cẩm kéo lưới vây rút trên biển đêm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ngư dân trên tàu ông Cẩm kéo lưới vây rút trên biển đêm. Ảnh: Thanh Kỳ.

"Bây giờ đang là thời điểm cá vào gần bờ nên phải tranh thủ đánh bắt. Có lúc khoản tiền thu được không đủ mua dầu nhưng gặp bữa kiếm được gần 10 triệu đồng, có khi cao hơn. Vậy nên phải đi làm, vì làm mới có chứ ở nhà thì tiền đâu trang trải trong gia đình", ông Cẩm tâm sự.

Lão ngư Nguyễn Thành Lin nhẩm tính, mỗi chuyến đánh bắt dài ngày trên biển khiến chủ tàu cá công suất lớn tốn thêm 60 - 80 triệu đồng so với năm trước. Dẫu vậy, họ vẫn ra khơi với hi vọng trở về tôm cá đầy khoang. Có tàu cá trúng đậm thu khoản lãi đến hàng trăm triệu đồng, ngư dân đi bạn được chia 15 - 20 triệu với nụ cười rạng ngời sau bao ngày cơ cực trên sóng nước. "Dù có khó khăn nhưng ngư dân vẫn phải bám biển để kiếm sống. Tôi mong muốn nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu hạ xuống thấp hơn nữa để bà con ngư dân đỡ khổ", ông bộc bạch.

Sóng gió trên biển với bao hiểm nguy chực chờ khiến ngư dân nặng trĩu âu lo. "Bão giá" nhiên liệu làm cho cuộc sống của họ thêm khốn khó. Nhưng rồi họ vẫn ra khơi.

Phổ Quang hiện có 321 tàu cá với tổng công suất trên 138 nghìn mã lực cùng hơn 2.400 ngư dân tham gia đánh bắt trên biển. Trong đó, có 220 tàu với chiều dài trên 15m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 6 tháng đầu năm, ngư dân trong phường khai thác gần 9.000 tấn hải sản với doanh thu hơn 447 tỷ đồng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động ngư dân cải hoán, nâng công suất tàu thuyền để vươn khơi bám biển; chuyển đổi ngành nghề phù hợp với ngư trường đánh bắt. Phường sẽ vận động phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng không được xâm phạm lãnh hải các nước khác", ông Võ Văn Xinh, Chủ tịch UBND phường Phổ Quang cho biết.

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 2] Đánh giá lượng chất thải tôm hùm

Để góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các nhà khoa học đã bố trí thí nghiệm xác định tải lượng chất thải từ hoạt động nuôi tôm hùm.

Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD và ngành này sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.