Tin vui lớn là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã được 2 bên ký kết tại Hà Nội vào ngày 30/6. EU là thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới và là một trong những thị trường quan trọng nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Chính vì vậy, việc EVFTA được ký kết sẽ tạo một cú hích lớn cho xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường EU và tăng trưởng kinh tế của nước ta.
Đa số sản phẩm hàng hiệu xuất khẩu gắn mác 'Made in Vietnam' đều từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Ngọc Dương/Báo Thanh niên. |
Còn nỗi lo lại đến từ một thị trường cũng rất quan trọng khác của Việt Nam: thị trường Mỹ. Mới đây, trả lời phỏng vấn trên Fox Business Network, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Việt Nam là nước có tình trạng lạm dụng thương mại với Mỹ và cho rằng việc một số công ty Trung Quốc chuyển tới Việt Nam để né đòn áp thuế của Mỹ là hiện tượng "đáng quan tâm".
Những cáo buộc trên của ông Trump đã tạo nên một nỗi lo lớn cho Việt Nam. Bởi nếu bị coi là lạm dụng thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể sẽ bị Mỹ áp thuế bổ sung cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, giống như cách Mỹ đang làm với Trung Quốc. Khi ấy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp bất lợi lớn về thuế nhập khẩu.
Còn nếu bị Mỹ phát hiện trong những lô hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, thì hàng Việt Nam có thể bị Mỹ tăng cường những biện pháp kiểm soát phi thuế quan, thậm chí bị tạm dừng nhập khẩu, bị điều tra về gian lận thương mại... Khi ấy, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp thêm phải những trở ngại rất lớn.
Chính vì vậy, ngay sau phát biểu nói trên của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, đã lên tiếng khẳng định với quan điểm hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Mỹ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.
Bên cạnh phản ứng của Bộ Ngoại giao, một số bộ, ngành khác cũng đang ráo riết vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa nước ngoài (nhất là hàng Trung Quốc) lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.
Chẳng hạn, Bộ Công thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đề nghị kiểm soát chặt một mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà đang có thông tin bị phía Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ điều tra. Vì trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương cũng đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì đang theo dõi chặt chẽ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam để kịp thời ngăn chặn các dự án lợi dụng để gian lận xuất xứ...
Có thể nói, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang rất nỗ lực trong việc tạo sự cân bằng trong thương mại với Mỹ và nhất là chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ..., trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng nặng nề tới việc xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ.
Tuy nhiên, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành là không đủ, nếu một số doanh nghiệp vẫn vì lợi nhuận mà sẵng sàng tiếp tay cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất sang Mỹ, bất chấp những hậu quả lớn có thể xảy ra với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.
Dư luận cả nước đang xôn xao, phẫn nộ trước thông tin một tập đoàn điện tử nhập phần lớn linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp tivi, nhưng lại quảng cáo là hàng Việt Nam, công nghệ Nhật Bản. Sự gian lận này (nếu có), sẽ gây tổn thất không nhỏ về niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với hàng Việt Nam nói chung.
Nhưng sự gian lận xuất xứ, biến hàng Trung Quốc thành hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ, sẽ gây ra những tổn hại còn lớn hơn nhiều. Tổn hại không chỉ với xuất khẩu sang Mỹ, mà tới nền kinh tế nói chung và nhất là tổn hại tới uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên thương trường thế giới.
Bởi vậy, ngoài nỗ lực ngăn chặn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp cũng cần phải có ý thức không vì lợi nhuận mà tiếp tay cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ. Đó là hành vi phá hoại nền kinh tế và uy tín của nước nhà.