| Hotline: 0983.970.780

Giá thành sản xuất lúa - Giảm trong tầm tay

Tiết kiệm tiền tỷ nhờ cánh đồng lớn

Thứ Ba 22/03/2022 , 08:25 (GMT+7)

Mỗi ha sản xuất lúa trong cánh đồng lớn, nông dân Kiên Giang giảm chi phí 3 - 4 triệu đồng, với tổng diện tích hơn 2.000ha, con số tiết kiệm lên đến tiền tỷ.

Giảm chi phí vẫn bội thu

Xã Giục Tượng (huyện Châu Thành, Kiên Giang) có trên 3.200ha đất trồng lúa. Nông dân trong xã đang bước vào thu hoạch vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 với niềm vui trúng mùa. Các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến càng vui hơn khi cùng nhau thực hiện cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai, tiết giảm được chi phí đầu tư, giữ ổn định mức lợi nhuận trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao.  

Nông dân thực hiện cánh đồng lớn tại Kiên Giang đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2021 - 2022, với niềm vui trúng mùa, giảm chi phí đầu tư nên vẫn giữ được lợi nhuận như kỳ vọng. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân thực hiện cánh đồng lớn tại Kiên Giang đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2021 - 2022, với niềm vui trúng mùa, giảm chi phí đầu tư nên vẫn giữ được lợi nhuận như kỳ vọng. Ảnh: Trung Chánh.

Trên cánh đồng lớn sản xuất lúa rộng 70ha của 30 hộ dân liên kết tham gia, lúa phát triển tốt, bông lúa chín cúi đầu màu vàng rực, năng suất ước đạt khá cao. Bà Thị Thủy phấn khởi cho biết: “Thực hiện cánh đồng lớn, nông dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa “1 phải, 5 giảm”, ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng nên biết được lời lỗ ngay sau khi thu hoạch xong”.

Bà Thị Thủy ước tính, 5 khoản chi giảm rõ rệt, gồm: Giảm lượng lúa giống gieo sạ, tiết kiệm được 800.000 đồng, giảm phân bón, chủ yếu là phân đạm tương đương 570.000 đồng, giảm thuốc cỏ 215.000 đồng, giảm thuốc phòng trừ sâu, bệnh 716.000 đồng và giảm các khoản chi khác như công lao động khoảng 800.000 đồng.

Để giảm chi phí, nông dân không đốt đồng sau khi thu hoạch lúa hè thu mà tiến hành trục vùi rơm rạ để tự phân hủy, chờ tới thời vụ thì trục trạc, sửa mặt bằng, mương phèn và xuống giống lúa đông xuân. Nhờ thời gian cách giữa hai vụ tương đối dài nên tránh được ngộ độc hữu cơ. Thực hiện quy trình sạ thưa từ 100kg lúa giống/ha trở xuống, lúa lên thưa đều, phát triển tốt, giảm dịch bệnh.

Theo bà Thị Thủy, việc sạ thưa giúp nông dân giảm chi phí rõ rệt, giảm giống, giảm phân bón hóa học nhờ có thêm hữu cơ tự phân hủy, đất được nghỉ ngơi, tái tạo dinh dưỡng và phun thêm phân hữu cơ vi sinh qua lá. Sạ thưa cũng ít sâu, bệnh phát sinh nên giảm được số lần phun thuốc, giảm lượng thuốc độc rải ra đồng ruộng. Cụ thể, qua hoạch toán từ việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, mỗi ha làm cánh đồng lớn nông dân tiết giảm chi phí đầu tư được hơn 3 triệu đồng.

Nông dân huyện Châu Thành cùng nhau thực hiện cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai, tiết giảm được chi phí đầu tư, giữ ổn định mức lợi nhuận trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân huyện Châu Thành cùng nhau thực hiện cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai, tiết giảm được chi phí đầu tư, giữ ổn định mức lợi nhuận trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ giảm lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, nông dân cũng giảm chi phí lao động, bảo vệ môi trường, sức khoẻ tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra sạch hơn. Giá thành sản xuất mỗi kg lúa giảm được 427 đồng, năng suất vẫn ổn định nên kết quả cuối cùng là lợi nhuận tăng thêm hơn 3,5 đồng/ha. Với diện tích rộng 70ha, các hộ dân trong cánh đồng lớn này thu thêm được lợi nhuận gần 250 triệu đồng, một con số hết sức ý nghĩa trong bối cảnh vật tư sản xuất liên tục đội giá.

Cơ giới hóa đồng bộ để hạ giá thành

ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, năm 2022, đơn vị thực hiện chương trình phát triển cây lúa với tổng diện tích là hơn 2.000ha. Trong đó, chủ yếu là xây dựng các cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đầu tư hiệu quả, tập trung cho giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, còn một số diện tích thực hiện mạng lưới nhân giống lúa cấp xác nhận và nhân giống lúa nông hộ.

Máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân ngay khi gieo hạt, hạn chế tình trạng thất thoát phân bón, giúp cây lúa hấp thụ phân bón hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho nhà nông trong bối cảnh giá phân bón đang rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân ngay khi gieo hạt, hạn chế tình trạng thất thoát phân bón, giúp cây lúa hấp thụ phân bón hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho nhà nông trong bối cảnh giá phân bón đang rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Kiên, hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa tại tỉnh Kiên Giang đều đạt khá cao, nhất là khâu làm đất, bơm tưới, thu hoạch… đạt tỷ lệ từ 90 - 97% diện tích gieo trồng. Riêng khâu chăm sóc như sạ phân bằng máy phun hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng dàn phun máy cũng khá phổ biến. Hiện yếu nhất vẫn là khâu gieo cấy bằng máy, tỷ lệ vẫn còn rất thấp.

Hiện nay, diện tích nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” ngày càng mở rộng. Lượng lúa giống gieo sạ thưa ở mức 100 - 120 kg/ha chiếm đa số. Tuy nhiên, nếu áp dụng tốt khâu cơ giới hóa trong gieo sạ như mạ khay máy cấy, máy sạ bụi (gieo khóm) sẽ giúp giảm lượng lúa giống xuống mức thấp nhất, chỉ từ 50 - 80 kg/ha. Đây cũng là tiền đề để thực hiện các biện pháp khác, giúp hạ giá thành sản xuất lúa hiệu quả.

Chương trình phát triển cây lúa với cánh đồng lớn tại Kiên Giang đã dần hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng được yêu cầu về liên kết tiêu thụ, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thúc đẩy vai trò và hoạt động của hợp tác xã. Ảnh: Trung Chánh.

Chương trình phát triển cây lúa với cánh đồng lớn tại Kiên Giang đã dần hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng được yêu cầu về liên kết tiêu thụ, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thúc đẩy vai trò và hoạt động của hợp tác xã. Ảnh: Trung Chánh.

Để khắc phục điểm yếu về cơ giới hóa khâu gieo cấy, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đang phối hợp với công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng đưa máy sạ bụi vào chương trình phát triển cây lúa trên cánh đồng lớn. Theo ông Kiên, “dòng máy sạ bụi do Hàn Quốc sản xuất, ngoài việc tiết kiệm lúa giống, còn kết hợp chức năng bón vùi phân ngay khi gieo hạt, giúp hạn chế thất thoát phân bón do bay hơi hoặc rửa trôi, giúp cây lúa hấp thụ phân bón hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho nhà nông trong bối cảnh giá phân bón đang rất cao.

Ngoài ra, sau các vụ thu hoạch lúa, nông dân thực hiện cánh đồng lớn được khuyến cáo sử dụng nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ, sau đó cày vùi, tạo phân hữu cơ tự nhiên cho đất, nhằm giảm lượng phân bón hóa học. Việc làm này vừa có lợi là trả lại hữu cơ cho đất, giảm ngộ độc hữu cơ cho lúa đầu vụ, vừa hạn chế tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm khói bụi và làm chai cứng đất.

Trong những cánh đồng lớn đã thu hoạch, chi phí đầu tư bình quân cho mỗi ha lúa là 16,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân nông dân thu được gần 21 triệu đồng/ha nhờ tiết giảm chi phí đầu tư hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Trong những cánh đồng lớn đã thu hoạch, chi phí đầu tư bình quân cho mỗi ha lúa là 16,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân nông dân thu được gần 21 triệu đồng/ha nhờ tiết giảm chi phí đầu tư hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Kết quả thu hoạch tại 6 cánh đồng lớn sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 ở các huyện An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận (Kiên Giang), với tổng diện tích 400ha, giá thành sản xuất khá thấp, bình quân là 2.631 đồng/kg, giảm so với các ruộng bên ngoài được 439 đồng/kg. Chi phí đầu tư bình quân cho mỗi ha lúa cánh đồng lớn là 16,5 triệu đồng/ha. Vụ này, nông dân chọn sản suất 2 giống lúa là OM18 và Đài Thơm 8, giá bán cao nhất tại thời điểm thu hoạch là 6.200 và 6.300 đồng/kg lúa tươi thu hoạch bằng máy. Lợi nhuận bình quân nông dân thu được gần 21 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận cao nhất là 28 triệu đồng/ha (cánh đồng lớn tại xã Tây Yên A, U Minh Thượng) và thấp nhất là 15,3 triệu đồng/ha (cánh đồng lớn tại xã Bình Minh, Vĩnh Thuận).   

Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo bền vững

Chương trình phát triển cây lúa với cánh đồng lớn tại Kiên Giang đã dần hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng được yêu cầu về liên kết tiêu thụ, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thúc đẩy vai trò và hoạt động của hợp tác xã. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và phương thức tổ chức sản xuất tiên tiến cho nông dân trồng lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro và lây lan bệnh dịch, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Tận dụng lợi thế của từng vùng sinh thái, xây dựng các cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… để nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong ngành hàng lúa gạo của tỉnh.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất