Hợp tác bền vững, đôi bên cùng có lợi
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho rằng, thực hiện chủ trương thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” chính là hỗ trợ đầu ra, kích hoạt dòng chảy của sản phẩm nông nghiệp, thay đổi tư duy để làm kinh tế. Với chủ trương đó, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã cụ thể hóa, xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông theo định hướng tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh việc gắn kết, tổ chức sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Theo ông Dũng, trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung thực hiện 23 chương trình, dự án, đề tài với trên 58 dạng mô hình trình diễn khuyến nông. Cụ thể gồm 8.425 ha cây lúa, 1.611 ha tôm - lúa, cá - lúa, tôm - khóm, 48 ha cây màu, 8 điểm trồng rau, 325 ha cây ăn trái, 116 điểm chăn nuôi, 24 điểm nuôi thủy sản, 88 điểm cơ giới hóa…
Đặc biệt, đã hỗ trợ xây dựng 15 cơ sở đạt chứng nhận nông sản theo VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ, trên 5 loại nông sản là lúa, khóm, tôm, sầu riêng và măng cụt. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho 10 chuỗi sản xuất ngành hàng nông nghiệp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cũng đã xây dựng 3 chương trình, dự án trên cây lúa gắn với liên kết tiêu thụ gồm: Dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu, với tổng diện tích 4.800 ha; Chương trình phát triển cây lúa 470 ha; Chương trình canh tác lúa hữu cơ 220 ha. Các chương trình, dự án khuyến nông triển khai đều có gắn với liên kết doanh nghiệp nhằm bao nhiêu lúa cho nông dân.
Tham gia các chương trình, dự án của khuyến nông, các doanh nghiệp đều gắn kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác… thông qua việc cung ứng lúa giống, vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa. Thời gian qua, nhu cầu của doanh nghiệp tập trung vào một số giống chủ lực như: Đài thơm 8, ĐS1, Jasmine 85, OM5451, ST24, ST25…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đưa ra 3 hình thức thu mua lúa là: Hợp đồng mua theo giá thị trường thỏa thuận giá trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày; hợp đồng chốt giá đầu vụ; hợp đồng đưa ra giá sàn khi giá lúa cuối vụ tăng hoặc giảm thì giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ thỏa thuận chia đôi phần chênh lệch với giá thị trường. Từ đó, nông dân có thể lựa chọn hình thức phù hợp để ước tính được lợi nhuận trong một vụ sản xuất, tránh trường hợp được mùa mất giá.
Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai 210 ha lúa cấy hoặc sạ cụm, diện tích này đã ký hợp đồng tiêu thụ giống với một số doanh nghiệp kinh doanh lúa giống, với giá cao hơn giá thị trường từ 800 - 1.000 đồng/kg. Đây là mô hình có nhiều tiềm năng để phát triển trong việc định hướng sản xuất lúa giống và gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
Xây dựng hàng chục cánh đồng lớn
Thực hiện chương trình phát triển cánh đồng lớn, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng hàng chục cánh đồng lớn có diện tích dao động từ 50 ha trở lên/cánh đồng. Các cánh đồng này thực hiện cùng một quy trình canh tác, chăm sóc và bón cùng loại phân, cùng một loại giống. Tại các cánh đồng lớn, Trung tâm Khuyến nông đã tích cực hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Thực hiện liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã và doanh nghiệp tự chủ động chọn giống nhưng phải đảm bảo về chất lượng hạt giống và cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật, gieo sạ đúng mật độ (từ 100 kg/ha trở xuống), giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 2 lần, sử dụng gói sản phẩm hữu cơ vi sinh trong canh tác để giảm phân bón vô cơ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Phòng Khuyến nông - Trồng trọt và Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang), thực hiện dự án cánh đồng lớn đã đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong vụ hè thu 2021, đơn vị đã xây dựng 20 cánh đồng lớn ở các huyện: Kiên Lương, Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, An Biên, Giang Thành, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, với tổng diện tích 1.600 ha.
Có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đã ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân. Trong đó, Công ty TNHH Xuân Phương Kiên Giang ký hợp đồng liên kết tiêu thụ 2 cánh đồng lớn tại xã Vĩnh Phú (huyện Giồng Riềng) với diện tích 125 ha, giống lúa OM18 và xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng), diện tích 75 ha, giống lúa Đài thơm 8.
Vụ đông xuân 2021 - 2022, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp tục triển khai vụ thứ 2 trên các cánh đồng lớn đã thực hiện từ vụ hè thu, duy trì tổng diện tích 1.600 ha và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiêu thụ lúa cho bà con nông dân.
Năm 2022, dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa giảm chi phí, ứng phó biến đổi khí hậu, diện tích thực hiện theo hình thức đầu tư mô hình khuyến nông là 1.500 ha, có gắn với liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, diện tích thực hiện theo hình thức thúc đẩy liên kết tiêu thụ được mở rộng lên đến 45.700 ha, ở địa bàn hầu hết các huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh.