Sau khi mất mốc 50.000 đồng/kg tại 2 tỉnh nói trên, trong tuần qua, giá tiêu ở các địa phương khác như Bình Phước, Đăk Lăk và Đắk Nông cũng xuống dưới mức này.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi luôn có giá tiêu cao nhất trong các vùng trồng trọng điểm, đến ngày 26/6, cũng đã xuống dưới mức 50.000 đồng/kg.
Theo nhận định của một số chuyên gia, giá tiêu liên tục giảm xuống trong thời gian qua và đã mất mốc 50.000 đồng/kg tại tất cả các vùng trồng trọng điểm, có nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là có hiện tượng thương nhân Trung Quốc, sau khi tổ chức thu mua tiêu của Việt Nam từ trước đó, đã bán ngược lại tiêu cho một số doanh nghiệp Việt Nam đang cần gom đủ hàng để xuất khẩu. Một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu, trước đây đã lỡ ký các hợp đồng giao xa với giá thấp.
Vừa rồi, khi giá tiêu liên tục tăng (có thời điểm vượt qua mốc 60.000 đồng/kg), những “ông lớn” này đã tìm mọi cách để kéo giá tiêu xuống như mang hàng tồn kho nhiều năm ra giao hay dùng truyền thông để dọa những người “ôm” hàng yếu bóng vía…
Tuy giá tiêu đã mất mốc 50.000 đồng/kg, nhưng nhiều khả năng giá tiêu sẽ không giảm xuống thấp, bởi với giá như hiện nay, người ta sẽ không bán tiêu ra nữa.
Trong khi đó, các thương nhân đến từ Trung Quốc, Mỹ, EU… đã bắt đầu chấp nhận giá mới, nhất là khi thông tin về việc sản lượng tiêu ở Việt Nam sẽ giảm mạnh trong niên vụ tới đang dần được phổ biến ra bên ngoài.
Sau khi tham gia chuyến đi khảo sát thực trạng ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, từ Bà Rịa – Vũng Tàu tới Tây Nguyên, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho rằng, trong niên vụ 2020/2021, sản lượng tiêu sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Cụ thể, niên vụ 2019/2020, sản lượng tiêu Việt Nam ước khoảng 240 ngàn tấn, giảm mạnh so với 300 ngàn tấn của niên vụ 2018/2019. Dự tính niên vụ 2020/2021, sản lượng tiêu tiếp tục giảm 30%.
Theo ông Bính, tại hầu hết các vùng trồng tiêu trọng điểm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đăk Lăk… đa số các vườn tiêu đã xuống cấp nặng nề do nông dân không còn khả năng, không còn mấy quan tâm tới vườn tiêu sau 4 năm liên tục xuống giá, từ mức 200 ngàn đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg (tháng 4/2020).
Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt trong năm nay cũng làm hỏng hàng loạt vườn tiêu. Đây là những nguyên nhân chính khiến cho năng suất, sản lượng tiêu đang có xu hướng giảm mạnh.
Là nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua, nên sản lượng tiêu Việt Nam ra sao trong niên vụ tới đang là mối bận tâm lớn của nhiều khách hàng nước ngoài, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang không chào bán giao xa với số lượng lớn (có thể hiểu là do nguồn hàng không dồi dào).
Vì vậy, thông tin sản lượng tiêu Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh sẽ hỗ trợ giá tiêu trong thời gian tới.
Việc nhiều công ty nhỏ đã ký được hợp đồng xuất khẩu với giá mới, cũng sẽ ít nhiều có tác động tới giá tiêu.
Chính vì vậy, bất chấp những thông tin tiêu cực do một số doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tung ra nhằm ép giá tiêu xuống thấp, một số chuyên gia ngành hàng hồ tiêu cho rằng, giá tiêu sẽ sớm tăng trở lại. Nhiều khả năng, giá tiêu không chỉ lại vượt mốc 60.000 đồng/kg như hồi cuối tháng 5 vừa qua, mà có thể lên ở mức trên dưới 70.000 đồng/kg vào cuối năm nay.