Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 1/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM đã điều tiết cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng thời, TP.HCM cũng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của các Bộ, ngành với phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” đã xây dựng được kế hoạch cung ứng cung cầu, đảm bảo lương thực thực phẩm thiết yếu ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19; xây dựng các phương án hết sức cụ thể.
Theo ông Hải, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đã yêu cầu, động viên các doanh nghiệp bình ổn thị trường và các doanh nghiệp khác cũng cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, xây dựng kế hoạch phương án tăng cường tận nguồn, chủ động đẩy mạnh sản xuất và tăng năng suất từ 50-100% sản lượng.
Các địa điểm phân phối trên địa bàn TP.HCM đều có kế hoạch phương án tăng cường dự trữ hàng hóa từ 2-3 lần, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt, ba chợ đầu mối của TP.HCM cũng tăng cường nhập hàng, bình quân tăng 58% so với ngày thường, đạt 13.000-17.000 tấn/đêm. “Đây là một trong những phương án hết sức quan trọng, bởi thiếu thực phẩm thiết yếu sẽ ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến người dân, ảnh hưởng đến các hành vi khó kiểm soát”.
Ông Hải khẳng định, TP.HCM đã chủ động các phương án, tuy nhiên đối với các tình huống xấu hơn, thậm chí lan rộng rất nhiều so với tình huống hiện nay thì cần chủ động hơn nữa.
“Bộ Công thương sẽ phối hợp với TP.HCM trong những tình huống xấu nhất, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố, địa phương lân cận, cũng như các doanh nghiệp đầu mối trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không thiếu thực phẩm thiết yêu cho người dân trên địa bàn TP.HCM”, ông Hải khẳng định.
Ngoài ra, ông Hải cho rằng, Sở Công thương TP.HCM cần thông báo trước cho các doanh nghiệp đầu mối, nhà cung ứng để họ đưa lương thực thực phẩm thiết yếu vào trước khi bị giãn cách xã hội tại một điểm nào đó. “Tránh trường hợp như vừa qua, Gò Vấp bị giãn cách khiến cho các doanh nghiệp đưa hàng vào Gò Vấp rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải làm trước một bước để có kế hoạch đưa hàng hóa vào khu vực sẽ giãn cách”.
Theo ông Hải, trung tâm thương mại, siêu thị mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu thiết yếu lương thực thực phẩm của người dân TP.HCM, còn lại 70% chủ yếu từ 3 chợ đầu mối của TP.HCM (Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức) và chợ dân sinh. Do đó, TP.HCM cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các khu chợ này. “Tại các trung tâm thương mại, siêu thị đa phần người dân đã thực hiện tốt về khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tại chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm về công tác phòng chống dịch Covid-19”.
Về vấn đề tiêm vacxin phòng Covid-19, ông Hải cho rằng, chính bà con tiểu thương, buôn bán tại chợ đầu mối cũng chính là những người đi tuyến đầu. “Đây là một trong những đối tượng chúng ta cần quan tâm ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19”, ông Hải nói.