| Hotline: 0983.970.780

Dân đổ xô mua thực phẩm, chính quyền khẳng định hàng hóa dồi dào

Chủ Nhật 30/05/2021 , 19:12 (GMT+7)

Người dân TP.HCM đổ xô đến chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để chuẩn bị lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm trước khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội.

Trước "giờ G", người dân đổ xô mua lương thực thực phẩm

Theo UBND TP.HCM, bắt đầu từ 0h ngày 31/5/2021, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường cách ly phường.

Toàn TP.HCM thực hiện cách ly và giãn cách theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp như không được tập trung trên 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng, thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp. Người dân, nhất là người trên 60 tuổi chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cấp bách.

Ngay từ chiều 30/5, rất đông người dân Thành phố đổ xô tới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM để chuẩn bị lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để dự phòng trong những ngày sắp tới.

Người dân xếp hàng đo nhiệt độ trước khi vào siêu thị.

Người dân xếp hàng đo nhiệt độ trước khi vào siêu thị.

Ghi nhận của phóng viên báo NNVN tại siêu thị Emart trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, rất đông người dân xếp hàng đợi đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào mua sắm. Tại các quầy thực phẩm khô như mì tôm, nui, miến, bánh, kẹo đã vơi dần; ngoài ra khu vực thực phẩm đông lạnh, thịt, cá, rau, củ quả cũng được người dân "gom hàng".

"Đêm nay quận Gò Vấp sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 nên tôi và chồng tranh thủ về sớm để mua thực phẩm cho cả nhà. Nhà tôi có ba đứa con, cộng với ông bà nội, nên phải chuẩn bị đồ ăn sẵn cho hai tuần cách ly, đỡ phải đi ra ngoài. Dù biết là siêu thị mở cửa 24/24, nhưng mua sẵn để khỏi tiếp xúc với bên ngoài. Tôi sợ không an toàn nên chuẩn bị sẵn cho an tâm", chị Phan Thanh Hương, ngụ tại quận Gò Vấp chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên, cứ kệ hàng nào thiếu đều được nhân viên siêu thị "tiếp" thêm hàng để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tương tự, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, cũng đông các bà nội trợ tranh thủ xếp hàng để mua. Đặc biệt, ai cũng tuân thủ việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước theo yêu cầu của nhân viên siêu thị. Tuy nhiên tại đây, lượng hàng mua nhiều chủ yếu là rau, củ, quả, thịt, cá.

Trong khi đó, tại các cửa hàng siêu thị Co.op mart, Co.op Food của hệ thống Saigon Co.op, lượng hàng liên tục được nhân viên siêu thị "lấp đầy". Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã kích hoạt chế độ chống dịch và có phần nâng cao mức độ cảnh giác hơn.

"Hai nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Saigon Co.op trong giai đoạn này được TP.HCM giao là đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân. Do đó, đơn vị luôn đảm bảo đảm bảo phòng dịch Covid-19, sẵn nhiều kịch bản để hoàn toàn chủ động nguồn hàng hóa bình ổn đối phó dịch bệnh", ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

Cũng theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op, hiện nay, nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại toàn hệ thống đảm bảo dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua hàng hóa quá đông như hiện nay để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Chợ Phú Lâm, quận 6.

Chợ Phú Lâm, quận 6.

Còn tại chợ Phú Lâm, quận 6, thường ngày, chợ này này ít người qua lại, tuy nhiên hôm nay lượng người đến chợ đông hơn. Đặc biệt, món khô cá lại được nhiều lựa chọn cho để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. "Mua cá khô chế biến cho tiện chị ơi, ăn cơm lại dễ và đỡ tốn kém. Quan trọng là những thành viên trong gia đình em thích ăn cơm cá khô. Hao cơm lắm đấy!", chị Nguyễn Huyền Trang vui vẻ chia sẻ.

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Sở Công thương đã có kịch bản, kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch Covid-19.

Theo đó, các doanh nghiệp bình ổn đảm bảo nguồn hàng cung ứng trước và trong mùa dịch với lượng hàng cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Hiện nay, các mặt hàng nhu yếu phẩm và các mặt hàng thực phẩm tại chợ đầu mối, trung tâm siêu thị khá dồi dào, giá các mặt hàng thiết yếu còn đang giảm trong những ngày gần đây. Vì vậy người dân yên tâm mua sắm tránh tập trung đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung, Sở Công thương TP.HCM còn yêu cầu các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp hàng hóa thiết yếu phối hợp với các nhà cung cấp, đối tác luân phiên giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, hạn chế tối đa việc giá cả thị trường bị đẩy tăng cao và tăng cường công tác bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi để tạo thuận lợi cho khách mua sắm trong mùa dịch. 

Đồng thời, Sở Công thương TP.HCM cũng thường xuyên làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa, đảm báo không xảy ra tình trạng đứt hàng cục bộ.

"Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, người dân lo lắng là đúng, nhưng lo lắng phải thể hiện bằng hành động thực tế, người dân không nên hoảng sợ, hoang mang quá mức.

Đặc biệt, trong việc mua sắm hàng hóa, người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ, bởi hàng hóa rất dồi dào, việc người dân tụ tập đông người trong các siêu thị, trung tâm thương mại đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và vi phạm quy định phòng dịch", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Chợ đầu mối đóng lối nhỏ để phòng dịch Covid-19

Theo Sở Công thương TP.HCM, thành phố có 3 chợ đầu mối, 130 chợ truyền thống (có nhà lồng), 207 siêu thị và 37 trung tâm thương mại trên địa bàn được phép hoạt động và đảm bảo các tiêu chí an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Đối với 3 chợ đầu mối, lượng hàng tại đây đáp ứng khoảng 70% nhu cầu hàng hóa thực phẩm cho người dân TP.HCM, nên dịch bệnh xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt xe và 20.000 lượt người ra vào tại ba chợ đầu mối. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các chợ đầu mối cũng được đẩy mạnh nhằm kiểm soát chặt việc lây lan dịch bệnh. 

Trước thực tế trên, Sở Công thương TP.HCM đã yêu cầu các chợ đầu mối đóng lối nhỏ, tập trung lối chính để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường camera trong các quầy chợ, lồng chợ để nếu phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 thì truy vết sẽ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, bố trí các phòng cách ly tạm thời và khuyến cáo các chợ đầu tư máy quét để kiểm tra thân nhiệt tự động. Sở Công Thương cũng đề nghị quận/huyện có chợ đầu mối tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19. 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay dịch bệnh đã lây ra cộng động, vì vậy các khu vực tập trung đông người như chợ đầu mối, siêu thị… cần hết sức cảnh giác, không được lơ là. "Người dân nên hạn chế đi chợ, khi đi chợ thì đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giãn cách để phòng dịch", ông Phong nói.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.